Tìm đâu ra cảnh “trên bến dưới thuyền”? (Bài 4):
Đừng làm liên kết du lịch đường sông “vơi cạn“
VHO - Du lịch đường sông của Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn phát triển ban đầu. Sản phẩm đơn điệu, trùng lặp; các hoạt động nghèo nàn; cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật thiếu thốn; chưa phát huy được sự liên kết, hợp tác để tạo ra sự đa dạng. Nhiều trường hợp, đường sông mới chỉ là phương tiện vận chuyển, chứ chưa có du lịch thực sự thu hút với các hoạt động trải nghiệm đặc thù gắn với sông và về sông.
Phải có những sản phẩm khác biệt
Khi bàn về hiện trạng phát triển du lịch đường sông ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Giảng viên cao cấp, Khoa Văn hóa học, Trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Du lịch sông Cửu Long ở Tây Nam Bộ chưa khai thác được tốt các tài nguyên riêng có, còn lặp lại mô hình qua các điểm đến ở các tỉnh khác nhau, không làm nổi bật sức hút đặc trưng của từng địa phương. Nhìn chung, du lịch sông chưa thật sự hình thành tự giác như một loại hình riêng biệt, với chiến lược cũng như quy hoạch tổng thể, phát huy những đặc trưng, thế mạnh riêng, hướng tới những phân khúc thị trường, những chân dung du khách sáng rõ”.
Cũng theo bà Phan Thị Thu Hiền, hiện nay các hình thức du lịch sông đã hình thành ở khá nhiều địa phương Việt Nam, gắn với những dòng sông nổi tiếng. Trong đó, Đông Nam Bộ có du lịch trên sông Sài Gòn ở TP.HCM, nổi bật là tour buổi tối, 3-4 giờ với các dịch vụ du thuyền, tiệc tối, ca nhạc. Trong khi đó, Tây Nam Bộ khá nổi tiếng với du lịch sông Mê kông, chủ yếu ở Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ... Dịch vụ, sản phẩm chủ yếu là đi tàu thuyền trên sông; tour chợ nổi khoảng 1 giờ vào buổi sáng sớm; tour đi thuyền trong ngày, khám phá hoạt động sinh kế của ngư dân: Nuôi cá bè, ghe cào, cào hến…; thăm cồn, rừng bần, dừa nước, tắm sông, Đờn ca tài tử, thưởng thức bữa trưa với nhiều món ăn đặc sản vùng sông nước….
Phân tích của các chuyên gia cho thấy, du lịch đường sông có rất nhiều lợi thế so với du lịch sử dụng các phương tiện đường bộ như tránh kẹt xe, tắc đường, khói bụi đô thị. Những chuyến du lịch trên sông dài ngày có thể qua nhiều địa phương khác nhau nhưng không cần đặt phòng khách sạn mà lưu trú luôn trên thuyền. Thậm chí, du khách có thể du lịch xuyên quốc gia, liên vùng qua nhiều nước, vùng lãnh thổ với thủ tục xuất nhập cảnh đơn giản. Trên thế giới, du lịch đường sông cũng đang phát triển với những đặc trưng và thế mạnh riêng, trở thành một xu hướng đương đại nổi bật.
Gợi ý về hội tụ trong phát triển bền vững du lịch đường sông ở Đồng bằng sông Cửu Long, bà Phan Thị Thu Hiền đưa ra bốn định hướng căn bản: Hội tụ thị trường, hội tụ hợp tác, hội tụ sáng tạo, hội tụ giá trị. Trong đó, cần tổng điều tra tài nguyên du lịch sông, bao gồm cả tài nguyên tự nhiên lẫn tài nguyên nhân văn, vẽ bản đồ phân bố các tài nguyên đó. Nhấn mạnh vai trò trung tâm của chính quyền và cộng đồng địa phương với sự tư vấn của đội ngũ chuyên gia và giới chuyên môn. Sông Cửu Long có điều kiện thuận lợi và tiềm năng rộng lớn để phát triển du lịch sông liên kết các tỉnh nội vùng Tây Nam Bộ cũng như liên kết Việt Nam với các nước Đông Nam Á lục địa. Sự hội tụ hợp tác trong nước và trong khu vực ở đây càng đặc biệt có ý nghĩa.
Sự thành công trong phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long cuối cùng là ở chỗ sáng tạo nên hệ thống sản phẩm, trải nghiệm du lịch sông Cửu Long với sức hấp dẫn độc đáo, khác biệt với du lịch sông Hồng, khác biệt với du lịch sông Mê kông ở các quốc gia Đông Nam Á và lục địa khác. Mỗi câu chuyện sông ở mỗi tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lại có sắc thái riêng, không trùng lặp, trộn lẫn với bất cứ một địa phương nào khác.
Mục đích của phát triển bền vững du lịch đường sông phải thể hiện rõ là xây dựng du lịch sông hội tụ được các giá trị bền vững kinh tế, bền vững văn hóa - xã hội và bền vững môi trường sinh thái. Các chủ thể phát triển du lịch đường sông cần hợp tác để có thể tạo nên sinh kế cộng thêm cho cư dân đồng bằng châu thổ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước phồn vinh; góp phần gìn giữ, phát huy, làm sống những di sản văn hóa, những giá trị văn hóa gắn với sông nước; góp phần vào bình đẳng xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt, cần quan tâm mối quan hệ giữa phát triển du lịch đường sông và bền vững môi trường sinh thái.
Liên kết khai thác tài nguyên du lịch đường sông
Từ thực tế phát triển, các định hướng, quy hoạch du lịch đường sông ở TP.HCM và các địa phương Nam Bộ, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho rằng, mặc dù đang được phát triển như một loại hình du lịch quan trọng, tuy nhiên những cơ sở nhận thức khoa học về loại hình này vẫn còn nhiều khoảng trống.
Trong số các nguyên lý liên kết phát triển du lịch đường sông của TP.HCM và khu vực Nam Bộ, có thể thấy, du lịch đường sông liên kết giữa các địa phương cóthể kết nối bằng sông nước, phối kết hợp về không gian. Phát triển du lịch (bao gồm cả du lịch đường sông) được phát triển mạnh khi nó được đảm bảo tính “liên ngành, liên vùng” trong khả năng tốt nhất có thể. Do đó, trong trước mắt lẫn về lâu dài, hợp tác liên kết du lịch giữa TP.HCM với các địa phương vùng Nam Bộ là một yêu cầu tất yếu. “Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050” cũng đã xác định: “Đến năm 2050, TP.HCM trở thành điểm đến du lịch sống động hàng đầu châu Á, nơi du khách sẽ không chỉ có được những trải nghiệm đặc sắc, khác biệt vượt cả sự mong đợi với những cảm xúc đặc biệt trên mỗi hành trình về văn hóa, lịch sử, con người, lối sống cộng đồng của một đô thị hiện đại, xanh và thông minh, mà còn về thiên nhiên - nơi những giá trị toàn cầu được bảo tồn”. Liên kết du lịch của TP.HCM với vùng Đồng bằng sông Cửu Long vì thế luôn chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Ngược lại, về phía các địa phương, cũng rất chú ý việc liên kết với TP.HCM.
Các doanh nghiệp đang khai thác sản phẩm du lịch đường sông ở TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khẳng định rằng “Liên kết là điều kiện tiên quyết để làm du lịch thành công. TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải là một khối thống nhất. Từ đó có hoạt động chung là liên kết xây dựng các sản phẩm dựa trên tính độc đáo của từng địa phương và có những chương trình quảng bá xúc tiến chung”.
Tuy liên kết du lịch đường sông ở TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ hiện nay chưa được định hình rõnét, nhưng những định hướng chung như vừa nêu trên có ý nghĩa lớn đối với việc thực hiện liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Trong đó, kết nối bằng sản phẩm du lịch đường sông được đầu tư nghiêm túc vẫn luôn là một mục tiêu trọng tâm với nhiều triển vọng. Nhiều gợi ý về việc phát triển du lịch trên đoạn sông Sài Gòn, từ Lái Thiêu (Thuận An) lên Dầu Tiếng, khai thác nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh dọc sông như: Đền Bến Dược (Củ Chi, TP.HCM), Bến Súc (Dầu Tiếng, Bình Dương), Đình thần Bà Lụa (Thuận An) và hồ Dầu Tiếng (Bình Dương)… Ngoài ra, cũng cạnh dòng sông này, đoạn qua địa bàn Bình Dương còn có hàng chục làng nghề truyền thống như gốm sứ, sơn mài, điêu khắc gỗ… cùng vườn trái cây Lái Thiêu nổi tiếng rất thuận lợi để phát triển du lịch.
Hiện nay, TP.HCM đang có 17 sản phẩm du lịch đường thủy. Trong đó, nhóm các sản phẩm du lịch đường thủy thường kỳgồm 7 tuyến; nhóm sản phẩm du lịch đường thủy mới gồm 10 tuyến. Trong 17 tuyến, có 4 tuyến du lịch đường thủy tầm trung xuất phát từ TP.HCM đến Bình Dương, Đồng Nai, có lộ trình qua sân golf. TP.HCM có lợi thế mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển với 101 tuyến, tổng chiều dài gần 1.000 km. Hiện nay, thành phố có 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch trong tổng số 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động. Bên cạnh đó, thành phố có gần 47 chương trình tour, gói, sản phẩm đường thủy của hơn 18 doanh nghiệp kinh doanh vận tải phương tiện thủy.
Năm 2023, TP.HCM ban hành Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2023- 2025. Kế hoạch hướng đến việc khai thác các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch đường thủy; khai thác các chương trình du lịch kết nối từ các cảng biển với các tuyến đường sông. Thành phố cũng chú trọng đầu tư phương tiện vận chuyển đường thủy phục vụ khách du lịch; cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy.
(Còn tiếp)