Tìm đâu ra cảnh “trên bến dưới thuyền”? (Bài 3)
Còn nhiều bất cập
VHO - Du lịch đường thủy trên cả nước hiện nay có nhiều nghịch lý. Nơi muốn phát triển thì không có bến tàu, nơi có bến tàu thì hơn nửa thập kỷ chưa đón được tàu nào, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí. Cả ở những địa phương kinh tế phát triển như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang hay TP.HCM… đến những địa phương còn khó khăn như Hà Giang, Sơn La, Lai Châu du lịch đường thủy vẫn còn nhiều bất cập.
Đìu hiu các “bến chờ”
Phát triển du lịch đường thủy nội địa sao cho xứng với tiềm năng lợi thế vẫn là câu chuyện vướng mắc nhiều năm nay của ngành du lịch Đà Nẵng. Nhiều năm qua, một số công trình cầu tàu, bến bãi phục vụ du lịch đường thủy nội địa tại Đà Nẵng rơi vào tình trạng bỏ hoang, đìu hiu thưa vắng.
Bến thủy nội địa K20 (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) có một cầu tàu và một nhà chờ đón khách được đưa vào sử dụng từ năm 2022 nhưng vẫn chưa đón được chuyến tàu du lịch nào. Hạng mục nhà chờ cửa đóng then cài, nằm phơi mưa, phơi nắng giữa vùng cỏ dại, ít người qua lại, cầu tàu được người dân địa phương thường sử dụng là nơi câu cá giải trí. Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt danh thắng Ngũ Hành Sơn (đơn vị quản lý bến) cho biết, sau khi bến được hoàn thiện, các hạng mục xung quanh bến như nhà chờ đón khách, trang thiết bị, lắp đặt các bảng chỉ dẫn, nội quy, hệ thống giám sát, cải tạo cảnh quan, cấp điện được quận đầu tư và hoàn thiện. “Tất cả hạ tầng đều bảo đảm vận hành, sẵn sàng đón và phục vụ khi có khách, mọi công việc được giao chúng tôi đã hoàn thành, nhưng việc đưa đón đoàn khách đến K20 cần sự phối hợp của Sở Du lịch Đà Nẵng và các đơn vị lữ hành kết nối. Đến nay chúng tôi vẫn đang… chờ”, ông Hiền nói.
Không chỉ bến K20, tại huyện Hòa Vang có cầu tàu Túy Loan, Thái Lai cũng rơi vào tình cảnh hoang tàn. Các hạng mục này nằm trong kế hoạch đầu tư phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa và bến thủy nội địa trên địa bàn đến năm 2025 do UBND TP Đà Nẵng ban hành. Hai cầu tàu hoàn thành từ năm 2017 theo đúng kế hoạch nhưng đến nay cũng chưa đón chuyến tàu nào.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Nguyễn Thúc Dũng, sau khi được bàn giao các cầu tàu trên sông Túy Loan, huyện đã khảo sát du lịch đường thủy và thấy còn tồn tại nhiều khó khăn. Đặc biệt là các tàu từ sông Hàn tới cầu tàu Túy Loan sẽ bị vướng bởi độ thấp của cầu Giăng bắc qua sông Túy Loan. Về vấn đề này, huyện Hòa Vang đã có báo cáo gửi các Sở, ngành, thành phố để xin ý kiến, phương án xử lý, nhưng những cây cầu như cầu Giăng đã có từ rất lâu đời, không dễ gì phá đi xây mới. “Huyện đã kêu gọi người dân, các đơn vị quan tâm đầu tư. Ban đầu thì mọi người cũng ủng hộ nhiệt tình nhưng kết quả như thế nào thì chưa thể khẳng định được. Chúng tôi vẫn tiếp tục họp và động viên bà con đồng thuận, góp sức để mong đưa điểm cầu tàu đi vào hoạt động”, ông Dũng cho biết.
Ông Phan Minh Hải, Phó BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đánh giá: “Về các điểm tàu du lịch đường thủy, Đà Nẵng mới chỉ thành công ở bến thủy nội địa CT15, các bến thủy nội địa khác chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có sản phẩm nào đặc biệt thu hút du khách, đó cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc đường thủy nội địa ở Đà Nẵng chưa thể phát triển”.
Thiếu nhiều dịch vụ
Thừa Thiên Huế có tiềm năng lớn về du lịch đường thủy, đặc biệt điểm nhấn là sông Hương được ví von là “dòng sông di sản”. Thế nhưng thực tế nhiều năm qua câu chuyện phát triển du lịch đường thủy ở địa phương này vẫn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Ghi nhận của Văn Hóa ở thời điểm này, dọc sông Hương chỉ có lác đác vài chiếc thuyền du lịch (cỡ nhỏ) chở một số khách ngược dòng lên các di tích chùa Thiên Mụ, điện Hòn Chén. Tại bến thuyền du lịch Tòa Khâm, cũng là bến thuyền chính và lớn nhất hiện nay ở Huế, số lượng thuyền neo đậu chờ đón khách xuất bến không nhiều, các thuyền chủ yếu đậu tạm dọc công viên ven đường Trịnh Công Sơn và chờ phục vụ tour Ca Huế ban đêm trên sông Hương. Đó cũng là sản phẩm du lịch chính trên sông nước đã và đang được triển khai lâu nay tại Huế, còn ban ngày, du lịch đường thủy trên sông Hương gần như chỉ dừng lại ở việc vận chuyển, chưa có các dịch vụ kết nối để tạo được tour tuyến hấp dẫn.
Trên bến thuyền bờ sông Hương, anh Nguyễn Văn Hải, khách du lịch đến từ Đồng Nai chia sẻ: “Sông Hương quá đẹp nên gia đình tôi quyết định di chuyển bằng thuyền đi dọc sông để ngắm cảnh và đến các điểm di tích tham quan ở khu vực thượng nguồn thay vì phải đi đường bộ như phần đông du khách khác. Trải nghiệm đi thuyền trên sông Hương và ngắm cảnh rất thú vị, không gian cảnh quan thiên nhiên rất nên thơ… nhưng lại thiếu các dịch vụ để kéo dài thời gian ngồi trên thuyền”.
Lời nhận xét của anh Hải cũng chính là trăn trở chung của nhiều đơn vị kinh doanh du lịch tại Huế. Hiện nay, thuyền du lịch trên sông Hương có thuyền rồng du lịch truyền thống, chủ yếu phục vụ tour Ca Huế vào ban đêm. Ngoài ra, gần đây có 2 doanh nghiệp đóng mới 8 thuyền gỗ hiện đại hơn, đi kèm là khai thác các dịch vụ chất lượng cao, tuy nhiên lượng khách tham gia không nhiều vì mức giá cao so với mặt bằng chung. Tour nội địa thì xây dựng mức giá theo giá của thuyền rồng truyền thống, nhiều đơn vị dẫn tour bỏ luôn dịch vụ này. Từ năm 2022, một số đơn vị lữ hành đã kết nối triển khai tour “Trà chiều trên sông Hương” (thời lượng 1 giờ 30 phút) trên các chiếc thuyền cao cấp, nhưng khách tham gia trải nghiệm chỉ tập trung vào dịp cuối tuần.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thừa nhận rằng: “Tiềm năng du lịch đường thủy ở Thừa Thiên Huế rất lớn, ngoài sông Hương còn có sông Ô Lâu, các chi lưu, sông đào của sông Hương qua khu vực thành phố… Lâu nay, gần như việc khai thác tour tuyến chỉ tập trung ở sông Hương, không có sự kết nối với các chi lưu, sông đào, trong đó có sông Ngự Hà ở bên trong kinh thành Huế. Trên sông Hương, các đơn vị vận chuyển cũng chủ yếu tập trung phương tiện, không có và thiếu đơn vị kết nối, khai thác tour đường thủy chuyên nghiệp hoặc kết hợp đường bộ và đường sông. Du lịch đường sông ở Huế gần như chỉ là vận chuyển khách đường thủy…”.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Du lịch chia sẻ, cơ sở hạ tầng cũng là một trong những khó khăn để phát triển du lịch đường thủy. Trên sông Hương hiện có 14 bến thuyền (theo quy hoạch là 69 bến lớn, nhỏ), trong đó chỉ có 1/3 là bến phục vụ cho du lịch, còn lại là các bến tạm. Các bến thuyền dọc sông Hương đã và đang được xây dựng, chỉnh trang, nâng cấp thuộc dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2, dự án thành phần tại Thừa Thiên Huế” nhưng đang chậm tiến độ kéo dài. Ngoài ra, 2 bến thuyền ở khu vực đầm phá Tam Giang được triển khai để kết nối phát triển du lịch đường thủy từ sông về đầm phá, nhưng gặp vướng mắc với các quy định về phương tiện vận tải đường thủy nên chuyện “kết nối” cũng còn là kế hoạch dài.
Những người làm du lịch cho rằng, khoảnh khắc thuyền trôi trên sông Hương, ngắm nhìn cố đô trong dòng chảy hối hả của thời cuộc, tưởng tượng về những năm tháng vàng son thủơ trước hay vừa nghe ca Huế, vừa nhìn ngắm sông Hương lung linh, lãng mạn buổi đêm, không dễ gì có được. Khi thuyền đi qua cầu Trường Tiền, Dã Viên, Phú Xuân… bóng những thiếu nữ trong tà áo dài tím với chiếc nón bài thơ đã khiến nhiều du khách ngơ ngẩn. Cảm giác đó, không phải điểm đến nào cũng có thể mang lại cho du khách. Trong rất nhiều những sản phẩm hấp dẫn, du lịch trên sông Hương gắn với tìm hiểu lịch sử, văn hóa, ẩm thực ở Huế sẽ là những sản phẩm du lịch đặc trưng mà du khách đến Huế không thể bỏ qua.
(Còn tiếp)