Vùng sâu khát giáo viên, thành phố thừa biên chế:

Nghịch lý cần lời giải cấp bách

HOÀNG HƯƠNG

VHO - Trong những tháng cuối năm 2024, hàng nghìn học sinh ở một số địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa trên cả nước buộc phải tạm dừng học các môn như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc vì… không có giáo viên đứng lớp.

Nghịch lý cần lời giải cấp bách - ảnh 1
Một buổi học âm nhạc ở lớp mầm non vùng cao

Đây không phải là câu chuyện cá biệt của một địa phương, mà là lát cắt đau đáu trong bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục hiện nay: Cả nước vẫn đang thiếu tới 120.000 giáo viên từ mầm non đến phổ thông, trong khi khoảng 60.000 chỉ tiêu biên chế vẫn chưa được phân bổ hoặc sử dụng hiệu quả.

 Nghịch lý của giáo dục Việt Nam

Thiếu giáo viên đã trở thành “căn bệnh mãn tính” kéo dài suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, nghịch lý oái oăm là dù thiếu người đứng lớp, hàng chục nghìn chỉ tiêu biên chế vẫn chưa được sử dụng.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, giai đoạn 2022-2026, ngành Giáo dục được phân bổ 109.000 chỉ tiêu biên chế, nhưng đến cuối năm 2024, mới chỉ có 50.000 người được tuyển dụng.

Những con số biết nói ấy không chỉ phản ánh sự chậm trễ trong khâu tổ chức mà còn đặt ra câu hỏi cấp thiết: Ai sẽ đứng lớp cho thế hệ tương lai nếu hệ thống vẫn tiếp tục “nghẽn” ngay từ khâu tuyển dụng?

Nghịch lý này không chỉ khiến hàng triệu học sinh bị ảnh hưởng quyền học tập mà còn cho thấy một thực trạng nhức nhối: Khoảng cách ngày càng xa giữa chính sách và thực tiễn, giữa nhu cầu nhân lực và năng lực vận hành bộ máy. Đáng nói, con số thiếu hụt giáo viên đang có xu hướng gia tăng qua từng năm: Từ 107.000 vào năm 2022, lên 118.000 năm 2023 và nay đã chạm mốc 120.000.

Ông Vũ Minh Đức chia sẻ, một trong những nguyên nhân chính là nhiều địa phương không tuyển đủ chỉ tiêu được giao, do vướng rào cản cơ học từ các quy định tinh giản biên chế. Ngay cả những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nơi dân số tăng nhanh, trường lớp quá tải, vẫn không thể sử dụng hết biên chế vì lo ngại vượt trần viên chức hưởng lương ngân sách.

Bức tranh càng thêm u ám tại các vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống khắc nghiệt khiến công tác tuyển dụng gặp nhiều trở ngại. Các môn đặc thù như Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật gần như rơi vào tình trạng “trắng giáo viên”. Bộ GD&ĐT cho biết, năm 2024, các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc thiếu tới 20- 30% giáo viên ở các môn này.

Việc nhiều địa phương tiếp tục tạm dừng tuyển dụng từ cuối năm 2024 nhằm tinh gọn bộ máy càng đẩy ngành Giáo dục vào thế khó. Khi những tiết học trống trải kéo dài, khi trẻ em vùng khó không có người đứng lớp, thì mỗi chỉ tiêu bị bỏ ngỏ là một cơ hội học tập công bằng bị đánh mất, là khoảng trống không dễ lấp đầy của tương lai.

Giải bài toán nhân lực giáo dục lúc này không còn đơn thuần là tuyển đủ người, mà là hành động quyết liệt để không lỡ nhịp phát triển của cả một thế hệ.

Khẩn thiết gỡ “nút thắt” nhân lực

Nghịch lý “thừa biên chế nhưng thiếu giáo viên” đang đẩy hàng nghìn thầy cô vào tình trạng quá tải và hàng triệu học sinh vào thế thiệt thòi. Tại nhiều đô thị lớn, sĩ số lớp học lên tới 50-60 em, vượt xa tiêu chuẩn 35 học sinh/lớp do Bộ GD&ĐT ban hành.

Trong guồng quay ấy, giáo viên không đủ sức để giảng dạy chất lượng, mà chỉ cố gắng “đứng vững” trên bục giảng. Không ít người kiệt sức, rồi lặng lẽ rời bỏ nghề. Thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy, trong 5 năm qua, 10% giáo viên mầm non và tiểu học đã nghỉ việc, con số khiến bất kỳ ai yêu giáo dục cũng phải giật mình.

Hậu quả không chỉ nằm ở đội ngũ. Việc học sinh phải nghỉ các môn như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc - như tại huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) - không chỉ làm gián đoạn hành trình học tập, mà còn làm thui chột những kỹ năng quan trọng cho thế hệ công dân số tương lai.

Thiếu giáo viên cũng cản trở việc triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, vốn yêu cầu giáo viên phải đạt cả về số lượng và chất lượng để đảm đương các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên. Khoảng cách giáo dục giữa thành thị và nông thôn ngày càng bị nới rộng.

Trước tình hình cấp bách, ngày 10.5.2025, Thủ tướng Chính phủ đã ra công điện yêu cầu các địa phương tuyển đủ biên chế giáo viên được giao. Việc tổ chức thi tuyển cần minh bạch, dứt điểm, không trì hoãn hay rút lại quyết định.

Đồng thời, chính sách tinh giản biên chế cần điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn, ưu tiên giữ lại chỉ tiêu cho giáo dục, đặc biệt tại các địa phương triển khai học hai buổi/ngày.

Để gỡ khó về nguồn tuyển, Bộ GD&ĐT đã đề xuất thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng cho các môn đặc thù như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, bước đi thực tế được nhiều địa phương ủng hộ. Bên cạnh đó, để thu hút giáo viên đến vùng sâu, vùng xa, cần có chính sách ưu đãi rõ ràng: Hỗ trợ nhà ở, trợ cấp vùng khó và bảo đảm biên chế ổn định dài hạn.

Dự thảo Luật Nhà giáo cũng đề xuất giao quyền tuyển dụng về cho các cơ sở giáo dục, giải pháp tăng tính tự chủ, giúp các trường linh hoạt bổ sung đội ngũ theo nhu cầu thực tế, tránh tình trạng “trắng giáo viên” cục bộ ở các môn chuyên biệt.

Muốn giáo viên yên tâm gắn bó với nghề, cần hành động từ gốc: Cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập và giảm gánh nặng hành chính. Theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW, lương giáo viên phải đảm bảo đủ sống và xứng đáng với cống hiến. Một môi trường làm việc công bằng, tôn trọng và hỗ trợ chính là chìa khóa để giữ chân người giỏi và thu hút nhân lực mới.

Song song đó, việc ứng dụng công nghệ cũng cần được đẩy mạnh. Các nền tảng học trực tuyến, thư viện bài giảng số có thể hỗ trợ hiệu quả trong giảng dạy những môn đang thiếu giáo viên trầm trọng, đặc biệt ở những vùng khó khăn.

Nghịch lý thừa chỉ tiêu nhưng thiếu người đứng lớp không còn là bài toán quản lý, mà chính là vấn đề sống còn với tương lai giáo dục Việt Nam. Nếu không có giải pháp đồng bộ, quyết liệt và kịp thời, chất lượng giáo dục sẽ bị trì trệ, quyền học tập chính đáng của hàng triệu học sinh cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Đã đến lúc Bộ GD&ĐT, các địa phương và toàn xã hội cần cùng nhau tháo gỡ “nút thắt” này, để lớp học có đủ thầy cô, để những đứa trẻ không bị bỏ lại phía sau trong hành trình tri thức.