Lời giải nào cho bài toán thiếu giáo viên?

VHO- Hơn 10.000 giáo viên bị thiếu tại tỉnh Thanh Hóa, trong đó có nhiều giáo viên các môn bắt buộc của Chương trình giáo dục phổ thông mới như Tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật… Con số trên được Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, ông Trần Văn Thức báo cáo tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra sáng 12.7. Theo đó, hiện tổng số giáo viên biên chế các cấp học trên địa bàn tỉnh là hơn 42.282 người, thiếu 10.474 giáo viên so với quy định của Bộ GD&ĐT; trong đó cấp mầm non thiếu 1.190, cấp tiểu học thiếu 3.758, cấp THCS thiếu 1.866 và THPT thiếu 229.

Lời giải nào cho bài toán thiếu giáo viên? - Anh 1

 Tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều tỉnh, thành đã ở mức báo động (ảnh minh họa)

Lý giải cho tình trạng này, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, việc thiếu giáo viên trên địa bàn là do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp. Ngoài ra, những năm trước đây không thực hiện tuyển dụng để bổ sung cho số giáo viên nghỉ hưu. Hiện nay, dù đã có cơ chế tuyển dụng, nhưng một số huyện, thị xã, thành phố chưa kịp thời xây dựng kế hoạch được tỉnh giao hoặc phải cân đối bù trừ giữa việc thừa, thiếu giáo viên các cấp học. Bên cạnh đó, do Chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn nên có môn thừa, có môn thiếu cục bộ.

Còn nhớ, trước thềm năm học 2022-2023, tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều tỉnh, thành đã ở mức báo động. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT lúc đó đã đề nghị các địa phương sớm thực hiện bổ sung giáo viên ngay trong năm học 2022- 2023 và những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Kim Sơn cũng đề nghị các địa phương dự báo nhu cầu và xây dựng kế hoạch dài hạn để thực hiện đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới theo quy định.

Tuy nhiên, sau một năm, tình hình thiếu giáo viên ở Thanh Hóa - một trong những tỉnh thiếu nhiều nhất năm ngoái, chưa hề được cải thiện. Ngoài những nguyên do như đã lý giải, người đứng đầu ngành GD&ĐT tỉnh này cũng thừa nhận công tác tham mưu chưa có sức thuyết phục để cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bố trí biên chế giáo viên; một số địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng chưa chú trọng ưu tiên tuyển giáo viên các môn còn thiếu…

Chỉ hơn một tháng nữa là năm học mới 2023-2024 sẽ chính thức khai giảng. Việc thiếu giáo viên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyển dụng kịp thời, hết chỉ tiêu biên chế được giao. Đồng thời, tiếp tục áp dụng việc biệt phái giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu, triển khai dạy liên môn, liên cấp, liên trường ở những nơi có điều kiện; hợp đồng lao động với giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và sinh viên Sư phạm ra trường chưa có việc làm.

Có thể nói, không chỉ Thanh Hóa, mà tới đây có lẽ nhiều tỉnh, thành cũng sẽ công bố những con số đáng buồn về tình trạng này. Người dân đang rất cần lời giải thuyết phục và hiệu quả cho bài toán khủng hoảng thiếu giáo viên từ người đứng đầu ngành GD&ĐT và lãnh đạo các địa phương, khi năm học mới đang đến rất gần. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc