Bổ sung biên chế ngành giáo dục để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

VHO - Theo số liệu thống kê, hiện toàn ngành Giáo dục đang thiếu hơn 118.000 giáo viên; cơ cấu đội ngũ nhà giáo mất cân đối giữa các môn trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tình trạng thừa, thiếu giáo viên diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, nhất là giáo viên dạy các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật) nhưng chậm được khắc phục; chỉ tiêu phân bổ giáo viên cho các địa phương đa số thấp hơn so với nhu cầu thực tế…

Bổ sung biên chế ngành giáo dục để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên - Anh 1

 Hiện toàn ngành Giáo dục đang thiếu hơn 118.000 giáo viên (ảnh minh họa)

Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục là một thách thức lớn. Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một số địa phương đã phải chủ động bổ sung biên chế cho ngành Giáo dục.

Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết bổ sung 291 biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập năm học 2023-2024. Năm học này, toàn tỉnh Quảng Bình thiếu 1.480 biên chế giáo viên, việc bổ sung 291 biên chế cho các trường công lập là biện pháp cấp thiết nhằm khắc phục một phần tình trạng này. Sau đợt bổ sung, ngành Giáo dục tỉnh sẽ rà soát cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu ở từng cấp học, môn học để làm căn cứ đề xuất bổ sung biên chế giáo viên trong tổng biên chế bổ sung đến năm 2026.

Cũng như Quảng Bình, tại Kỳ họp thứ 15 vào sáng 29.3 vừa qua, HĐND TP Hà Nội cũng thông qua Nghị quyết bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục của TP năm học 2023-2024. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh, trong năm học 2023-2024, số biên chế sự nghiệp giáo dục thiếu so với định mức do Bộ GD&ĐT quy định là 16.004 người. TP đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục. Ban Tổ chức Trung ương quyết định thông báo bổ sung 2.648 biên chế (đạt 16,54% so với số viên chức còn thiếu, đạt 29,62% so với số TP đề nghị bổ sung).

Trên cơ sở nội dung trình của UBND TP, HĐND TP thống nhất điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp TP Hà Nội năm 2024. Cụ thể, tổng biên chế viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước là 116.185, trong đó bao gồm số biên chế viên chức theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 6.12.2023 của HĐND TP là 113.537; bổ sung 2.648 biên chế theo Quyết định số 2362-QĐ/BTCTƯ ngày 6.12.2023 của Ban Tổ chức Trung ương về biên chế của TP năm 2024. Biên chế được giao bổ sung được thực hiện từ tháng 1.2024. HĐND TP cũng giao bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023-2024 cho Sở GD&ĐT, UBND quận, huyện, thị xã. Trong đó, biên chế viên chức các trường THPT là 447 chỉ tiêu; biên chế viên chức các trường THCS là 1.033; biên chế viên chức các trường tiểu học là 977; biên chế viên chức các trường mầm non là 191.

Trước tình trạng thiếu giáo viên toàn ngành, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đề nghị các địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022-2026. Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung cơ chế tuyển dụng để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động, góp phần giải quyết khó khăn về tình trạng thiếu giáo viên trong triển khai chương trình giáo dục mầm non, phổ thông năm 2018.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông để làm căn cứ pháp lý cho các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non, phổ thông trong các cơ sở giáo dục công lập.

HOÀNG HƯƠNG

 

Ý kiến bạn đọc