Nghề đan đát - mô hình sinh kế của chị em phụ nữ Ngã Năm

PHƯƠNG NGHI

VHO - Nghề đan đát với nguyên liệu chủ yếu là lục bình, cỏ năn tượng… không còn xa lạ với người dân TX Ngã Năm (Sóc Trăng), không chỉ giúp cho chị em trong lúc nông nhàn có thêm thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, mà còn tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Nghề đan đát - mô hình sinh kế của chị em phụ nữ Ngã Năm - ảnh 1

Chị Huỳnh Thị Miển (trái) Tổ trưởng phụ nữ đan lục bình ấp Vĩnh Hòa cùng tổ viên bên các sản phẩm do chính họ sản xuất

 Chị Nguyễn Kim Liên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) đan đát Hương Liên cho biết, hiện HTX đã tạo công ăn việc làm cho 328 lao động tại chỗ, sản xuất tấm xếp xoắn lục bình, chậu hoa, giỏ xách, hộp, sọt rác, thảm... với thu nhập bình quân khoảng 2-4 triệu đồng/người/tháng. Để mở rộng nghề, HTX thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề hoặc đến các xã, ấp lân cận hướng dẫn bà con có nhu cầu. HTX còn mang nguyên liệu, bộ khung đến tận nhà, sau khi thợ làm ra thành phẩm thì đến thu nhận và trả tiền sản phẩm. “Hằng tuần chúng tôi sản xuất được khoảng từ 4.000 - 4.500 sản phẩm, xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu. Tùy theo kích thước, giá tiền công sẽ từ 8.000-20.000 đồng/sản phẩm, thợ giỏi thì làm ra 20 sản phẩm/ ngày”, chị Liên cho biết.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đan đát giỏ lục bình do HTX Hương Liên tổ chức, chị Trần Kim Thùy ở ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Bình (TX Ngã Năm) đã có thêm việc làm với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng. Chị cho biết: “Kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng thủy hải sản. Những lúc nhàn rỗi, tôi nhận nguyên liệu lục bình về nhà đan thảm, mỗi ngày có thêm từ 100.000 - 120.000 để thêm vào mua thức ăn, tiền điện, tiền nước…”.

Chị Huỳnh Thị Miền, Chi hội trưởng phụ nữ ấp, Tổ trưởng phụ nữ đan lục bình ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Quới, TX Ngã Năm) cho biết: “Hiện ấp có khoảng 70 chị em nhận nguyên liệu về nhà gia công. Công việc cho thu nhập trên 100 ngàn/người/ngày, giúp chị em ổn định cuộc sống, chăm lo con cái ăn học, phụ giúp kinh tế gia đình. Nghề đan lục bình không phải lo lắng nhiều về đầu ra sản phẩm, công việc lại nhẹ nhàng, phù hợp với mọi độ tuổi lao động, số hộ gia đình làm nghề ở ấp đang ngày càng gia tăng”.

Theo chị Nguyễn Hồng Nhung, thành viên Tổ phụ nữ đan lục bình ấp Vĩnh Hòa, nghề này phù hợp với điều kiện sống của đại bộ phận người dân ở nông thôn, không bị gò bó về thời gian. Không riêng gì phụ nữ, nhiều nam giới cũng tham gia đan để kiếm thêm thu nhập. Những người tuổi cao không còn phù hợp với công việc nặng nhọc cũng đã chọn nghề đan lục bình, cuộc sống của họ đỡ vất vả hơn.

Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ TX Ngã Năm cho biết: “Nghề đan đát đang trở thành chủ lực kinh tế của nhiều hộ, giải quyết cơ bản tình trạng nông nhàn khi mùa vụ kết thúc. Từ hiệu quả của mô hình trên, Hội phụ nữ TX đã giới thiệu đến các chi hội khác trên địa bàn nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho bà con. “Hằng năm, Hội còn phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao. Tích cực tìm kiếm đơn hàng, kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tương trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp có hiệu quả cho kinh tế địa phương”, bà Kiều nói.

Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây lục bình và cỏ năn tượng của HTX Hương Liên và một số tổ phụ nữ đã được công nhận là sản phẩm OCOP và được lãnh đạo Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam, Hội phụ nữ các cấp đến tham quan mô hình.