Người Kháng gìn giữ nghề may trang phục truyền thống
VHO - Bảo tàng tỉnh Điện Biên vừa tổ chức lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống cho 18 học viên dân tộc Kháng tại bản Nà Đắng, xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc Việt Nam. Tại Điện Biên, người Kháng là một trong những dân tộc ít người, cư trú chủ yếu ở các huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà. Tại huyện Tuần Giáo người Kháng sinh sống tập trung tại hai xã Ta Ma và Rạng Đông.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, song hiện nay, dân tộc Kháng tại Điện Biên vẫn lưu giữ được khá nhiều những nét văn hóa đặc trưng và tiêu biểu của dân tộc mình về phong tục, tập quán, truyền thuyết, truyện kể dân gian thể hiện bằng tiếng nói riêng của dân tộc.
Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Kháng còn được thể hiện qua trang phục truyền thống, nhất là trang phục của người phụ nữ. Phụ nữ dân tộc Kháng mặc trang phục gần giống như váy áo cóm của người dân tộc Thái. Tuy nhiên, điểm xuyết trên chiếc áo là những hoa văn, họa tiết mang bản sắc riêng của dân tộc Kháng.
Trang phục lễ hội của phụ nữ Kháng là váy đen, áo cóm cổ chữ V khoét sâu, thắt lưng xanh. Trên viền nẹp áo họ khâu thêm dải vải màu sắc nổi bật. Trên hai vai áo có đính hai dải vải đỏ buông xuống trước ngực. Trên hai dải vải này chị em phụ nữ đính thêm các hạt nhũ kim và các đồng xu.
Phụ nữ dân tộc Kháng khi đã có chồng cũng búi tóc cao giống như cách “tằng cẩu” của phụ nữ dân tộc Thái. Tuy nhiên, chiếc trâm cài đầu của họ không cài mặt trâm quay về phía trước mà quay sang bên phải. Dù chỉ là những nét biến tấu rất nhỏ nhưng đó là cách họ làm nên sự khác biệt giữa phụ nữ dân tộc Kháng và các dân tộc khác.
Ông Đặng Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Điện Biên cho biết, do tác động của cơ chế thị trường, giao lưu, cư trú sống xen kẽ với đồng bào các dân tộc khác có điều kiện kinh tế phát triển hơn, một số nét văn hoá truyền thống cũng như trang phục truyền thống dân tộc Kháng đã và đang đứng trước nguy cơ mai một.
Hiện nay, trên địa bàn xã Ta Ma, số lượng người biết may trang phục truyền thống dân tộc Kh áng vẫn còn khá nhiều, nhưng số lượng người trẻ biết may thì rất ít. Vì vậy, tìm lại những nét đẹp riêng trong đời sống văn hóa của đồng bào Kháng hiện nay là việc làm cần thiết, cấp bách nhằm gìn giữ, bảo tồn bản sắc của một dân tộc có nguồn gốc lâu đời này.
Triển khai thực hiện Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Điện Biên. Mới đây, Bảo tàng tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Truyền thanh Truyền hình huyện Tuần Giáo và UBND xã Ta Matổ chức lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng tại bản Nà Đắng, xã Ta Ma.
Thông qua lớp truyền dạy giúp cộng đồng dân tộc Kháng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hành, truyền dạy cách thức, kỹ thuật và quy trình nghề làm trang phục truyền thống. Đồng thời tạo sự nối tiếp giữa các thế hệ tham gia thực hành nghề làm trang phục truyền thống, phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị và cá nhân liên quan trong quá trình tổ chức truyền dạy nghề truyền thống trên địa bàn, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc nói chung, dân tộc Kháng nói riêng.
Sau 15 ngày tổ chức lớp đã nhận được sự nỗ lực truyền dạy của các nghệ nhân và tinh thần học tập nghiêm túc của các học viên về kỹ thuật, khả năng thực hành làm trang phục truyền thống, lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng đã hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra.
Trong thời gian tới, Sở VHTTDL Điện Biên, Bảo tàng tỉnh Điện Biên, cấp ủy, chính quyền địa phương và cộng đồng dân tộc Kháng cần quan tâm đến việc tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ quan tâm, bảo vệ giá trị di sản văn hoá nói chung, nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng nói riêng. Chú trọng quan tâm và có cơ chế cho các nghệ nhân tâm huyết, người có uy tín, già làng, trưởng bản tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị trang phục truyền thống.