Người Si La ở Điện Biên giữ nghề đan lát truyền thống

NAM HƯNG

VHO - Bảo tàng tỉnh Điện Biên vừa phối hợp với UBND Mường Nhé tổ chức lớp truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho 20 học viên là người Si La đang sinh sống tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé nhằm từng bước sưu tầm, khôi phục, bảo tồn nghề thủ công truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Si La nơi đây.

Người Si La ở Điện Biên giữ nghề đan lát truyền thống  - ảnh 1

Lớp truyền dạy góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Điện Biên

Dân tộc Si La là một trong 15 dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước, có số dân dưới 10.000 người. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, song người Si La luôn ý thức giữ gìn nét văn hóa đặc trưng phong phú riêng có đậm bản sắc văn hóa tộc người.

Ở Điện Biên, người Si La sinh sống tập trung tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé với trên 50 hộ dân, 230 nhân khẩu.

Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, cuộc sống của đồng bào Si La ở bản Nậm Sin đã có những bước chuyển mình, đời sống kinh tế, văn hóa, tinh thần của người dân từng bước đi lên. Bên cạnh đó, huyện Mường Nhé đã và đang tích cực triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực, kiến thức cho các tầng lớp cán bộ, nhân dân về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.

Người Si La ở Điện Biên giữ nghề đan lát truyền thống  - ảnh 2

Tham gia lớp truyền dạy là 20 học viên là dân tộc Si La đang sinh sống tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé

Ông Đặng Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng Tỉnh Điện Biên cho biết, đan lát là nghề thủ công truyền thống đóng vai trò quan trọng, gắn liền với tập quán sản xuất lâu đời của người Si La ở Mường Nhé. Các sản phẩm đan lát ở đây khá phong phú và đa dạng, gồm các loại vật dụng phục vụ trong sinh hoạt hàng ngày như gùi, nong, nia, sàng ...được tạo ra từ các loại vật liệu dễ sử dụng và thân thiện với môi trường như mây, tre, nứa.

Tuy nhiên, những năm gần đây nghề đan lát của đồng bào dân tộc Si La tại Mường Nhé đang có nguy cơ bị mai một, thế hệ trẻ ít tham gia thực hành nghề đan lát, những người duy trì được nghề đan lát truyền thống còn rất ít và lớn lớn tuổi dẫn tới nguy cơ mai một ngày càng cao.

Bên cạnh đó, các vật dụng truyền thống được làm từ mây tre hiện nay ngày càng ít đi, bà con thường sử dụng các vật dụng sinh hoạt trong gia đình từ vật liệu nhựa, túi nilon dẫn tới ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.

Người Si La ở Điện Biên giữ nghề đan lát truyền thống  - ảnh 3

Các học viên được các nghệ nhân dân tộc Si La am hiểu hướng dẫn quy trình lựa chọn vật liệu và thực hành đan lát 

Nhằm thực hiện các nội dung của Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Mới đây, Bảo tàng tỉnh Điện Biên phối hợp với UBND Mường Nhé tổ chức lớp truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho 20 học viên dân tộc Si La đang sinh sống tại bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé nhằm từng bước sưu tầm, khôi phục, bảo tồn nghề thủ công truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc Si La nơi đây.

Các học viên được các nghệ nhân dân tộc Si La am hiểu hướng dẫn quy trình, kỹ thuật lựa chọn vật liệu, sơ chế, sử dụng vật liệu và thực hành đan lát để tạo ra các sản phẩm đẹp, chất lượng có thể bán ra thị trường, đem lại thu nhập cũng như phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình.

Đây cũng chính là hoạt động hiệu quả góp phần để các nghệ nhân, người uy tín trong cộng đồng truyền dạy cho thế hệ trẻ dân tộc Si La nắm bắt và thực hành quy trình kỹ thuật nghề đan lát thủ công truyền thống. Từ đó vừa khôi phục, bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống, vừa làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người dân góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, ông Đặng Trọng Hà nhấn mạnh.