Thủ tướng Phạm Minh Chính:
Phát huy vai trò “giữ lửa, truyền lửa” trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc
VHO - Chiều 19.4 tại Trụ sở Chính phủ, nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19.4), Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc gặp mặt Đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín.
Cùng dự có Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ cùng 128 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống
Báo cáo một số nội dung về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, văn hoá được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm và khẳng định, văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc Việt Nam nói riêng đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước; là một trong bốn trụ cột quan trọng để cùng phát triển là kinh tế - xã hội – môi trường – văn hóa.
Với sự trân quý văn hóa đặc sắc của các dân tộc, sự đa dạng về văn hóa trong tổng thể chung của nền văn hóa Việt Nam, trên cơ sở đề nghị của Bộ VHTTDL, ngày 17.11.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg, lấy ngày 19.4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 16 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, khắp mọi miền Tổ quốc, ở các địa phương, bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực như trình diễn dân ca, dân vũ, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa truyền thống của các dân tộc… Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã thực sự trở thành ngày hội lớn để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, giao lưu, giới thiệu và tôn vinh các giá trị văn hóa phong phú, giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tiếp nối sự thành công của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam những năm trước, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 đã, đang diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc từ ngày 18 – 21.4 tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Các chương trình trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa địa phương, sắc màu văn hóa dân tộc Dao, không gian giới thiệu âm nhạc dân tộc Ê Đê… sẽ mang đến cho nhân dân, du khách những cơ hội được trải nghiệm, tìm hiểu, thụ hưởng những giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em. Từ đó, góp phần nâng cao lòng tự hào, ý thức trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bộ trưởng cho biết, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam lần này có sự tham gia của 128 già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín có nhiều thành tích, đóng góp trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã được lãnh đạo các địa phương trên cả nước suy tôn, bình chọn. Đây cũng là dịp tôn vinh những chủ thể văn hóa, những người đang gìn giữ, phát huy, lan tỏa và truyền dạy nghi thức văn hóa truyền thống, văn nghệ dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác ở các buôn, làng, phum sóc trên mọi miền đất nước.
Bộ trưởng tin tưởng thông qua cuộc gặp mặt lần này, cùng sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với ngọn lửa nhiệt huyết của những già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc anh em sẽ tiếp tục được quan tâm, bảo tồn, trao truyền và phát huy; không chỉ trở thành tài sản tinh thần cho con cháu mà còn là tài nguyên văn hóa vô tận, động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
“Bộ VHTTDL mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sắp tới từ Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa sẽ tạo thêm được nhiều nguồn lực cho công tác đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị bền vững trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo để Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành địa chỉ đỏ, "Ngôi nhà chung" của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Tâm huyết với văn hoá dân tộc
Báo cáo với Thủ tướng về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tại cuộc gặp mặt, NNƯT Sìn Văn Doi (dân tộc Mảng, tỉnh Lai Châu) cho biết, là người con của dân tộc Mảng, bản thân ông đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, gia đình và làng, bản thực hiện các phong trào xoá đói, giảm nghèo, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; truyền thống uống nước, nhớ nguồn; xây dựng gia đình văn hoá, bản văn hoá.
Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên hướng dẫn học sinh, thanh niên, đội văn nghệ trong bản luyện tập, hát các bài hát truyền thống, các điệu múa, bài sáo, thơ, ca dao, tục ngữ của dân tộc mình.
Nhằm tiếp tục gìn giữ, bảo tồn, phát huy những nét văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mảng, NNƯT Sìn Văn Doi mong muốn Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để khôi phục, phục dựng các nét văn hoá truyền thống. Cùng với đó, tăng cường kinh phí đầu tư cho các thiết chế văn hoá ở cơ sở. Việc đầu tư cần đồng bộ mới tạo hiệu quả.
Với NNƯT Y Sim Ê Ban (dân tộc Ê Đê, tỉnh Đắk Nông), ông đã trực tiếp sáng tác nhiều bài chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc truyền thống; tham gia truyền dạy 4 lớp cồng chiêng cho thế hệ trẻ với 220 học viên theo học.
Hơn nữa nhờ sự quan tâm của các ngành chức năng, địa phương, nhiều lễ hội văn hoá của người Ê Đê đã được tổ chức như Lễ rước ghế Kpan, Lễ cúng bến nước, Lễ lên nhà mới… Các lễ hội được tổ chức đã thu hút các đoàn sinh viên, thanh niên tình nguyện trên cả nước đến tham dự, tìm hiểu; góp phần vào sự thành công của những sự kiện văn hoá do địa phương tổ chức.
Bằng tất cả sự tâm huyết, NNƯT Y Sim Ê Ban hy vọng lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa đến việc tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, giới thiệu các loại hình văn hoá, nghệ thuật dân gian của dân tộc Ê Đê nhằm phục vụ quảng bá du lịch. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân hiểu được tầm quan trọng của việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc.
Với người có uy tín Lý Sóc Kha (dân tộc Khmer, tỉnh Sóc Trăng), ông chia sẻ bản thân sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các vị sư sãi và đồng bào dân tộc Khmer thực hiện tốt chủ chương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; đẩy mạnh thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống gắn với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer.
Đồng thời, tham gia tổ chức các lễ hội truyền thống theo hướng bảo đảm văn minh, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí, xây dựng mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư.
Những người “giữ lửa, truyền lửa" cho văn hóa truyền thống
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời chào thân ái, lời chúc sức khỏe, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín tiêu biểu trong cả nước.
Thủ tướng khẳng định, văn hóa các dân tộc không chỉ là tài sản riêng của mỗi con người, vùng đất, quê hương, địa phương mà là tài sản chung của cả quốc gia, dân tộc và toàn dân. Văn hóa các dân tộc có sự thống nhất trong đa dạng, là nguồn lực, sức mạnh mềm để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng. Mỗi dân tộc anh em đều gìn giữ kho tàng văn hóa quý báu, có bề dày lịch sử và đậm đà bản sắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định mục tiêu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa; bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Phát triển văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc anh em được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát huy. Trong đó, nhiều di sản có giá trị đặc biệt tiêu biểu đã được quốc tế công nhận và ghi danh. Hàng nghìn lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc được khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và tổ chức rộng khắp, được đông đảo nhân dân cả nước hưởng ứng, hưởng thụ, cổ vũ.
Đời sống, môi trường văn hóa cơ sở phát triển lành mạnh, văn minh. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được biểu dương, lan toả vào đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam trong giai đoạn mới, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Các sản phẩm văn hóa, lễ hội, di sản và môi trường văn hóa phát triển nhanh, bền vững đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng và phát triển 25 năm qua dần trở thành “Ngôi nhà chung”, nơi bảo tồn, phát huy, lan toả các giá trị văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em, mang đến cơ hội cho du khách trong và ngoài nước trải nghiệm các giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Năm nay, các hoạt động nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức với các hình thức phong phú, đổi mới, hiệu quả như giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc; triển lãm các sản phẩm văn hóa…
Theo Thủ tướng, những thành tựu đạt được là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó, có vai trò của Bộ VHTTDL; sự đồng lòng, hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
“Đặc biệt, phải kể đến vai trò “giữ lửa” của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, những điển hình tiêu biểu, gương mẫu, cốt cán đã tham gia tích cực, đóng góp quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, vận động đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, những phong tục, tập quán tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan; là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với người dân, tích cực đóng góp xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, Thủ tướng nêu rõ.
Trong đó, 128 đại biểu dự cuộc mặt là 128 “ngọn lửa” tiêu biểu của khối đại đoàn kết dân tộc, những tấm gương điển hình dù ở độ tuổi, cương vị nào, ngành nghề nào, ở đâu cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo; tiêu biểu cho ý chí, nghị lực, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, phát triển đất nước.
Thủ tướng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn trăn trở trước không ít khó khăn, thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. Trào lưu đô thị hóa nông thôn cùng với quá trình hội nhập, giao thoa giữa các nền văn hóa đã làm không ít giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc có biểu hiện mai một.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhất là của các dân tộc ít người chưa được bảo tồn và phát huy đúng mức, có dân tộc đã không còn mô hình cư trú làng, bản truyền thống. Nhiều di sản bị xâm hại, chưa có được những giải pháp toàn diện phát huy giá trị di sản văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, văn hóa là những gì tinh túy, tinh hoa, cốt lõi nhất của dân tộc, của xã hội, của mỗi người. Văn hóa có tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Văn hóa phải được thụ hưởng, tạo động lực, truyền cảm hứng bởi mọi người dân.
Đảng, Nhà nước ta xác định, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đối mới. Con người là chủ thể, giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội.
Thời gian tới, để thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ mới, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò “giữ lửa và truyền lửa” của các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín, Thủ tướng đề nghị Bộ VHTTDL và các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, hoàn thiện thể chế, phát huy dân chủ trong phát triển văn hóa; chú trọng công tác đào tạo và giáo dục văn hóa truyền thống; tích cực tích hợp chủ đề văn hóa truyền thống vào chương trình giáo dục cơ bản các cấp, đồng thời khuyến khích nghiên cứu và sáng tạo trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công - tư; khuyến khích sự tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp để phát triển văn hóa; phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, khuyến khích mọi sự tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo; thúc đẩy tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội và sự kiện cộng đồng để tăng cường nhận thức và niềm tự hào về di sản.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với cơ chế quản lý phù hợp, xứng đáng là “Ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em.
Hơn nữa, tăng cường nghiên cứu, hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi để khuyến khích già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín thực hiện hiệu quả chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong phát triển văn hóa; phát triển hạ tầng văn hóa; khẩn trương khắc phục các vùng lõm về điện và sóng tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, trao đổi kinh nghiệm và tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh từ các nền văn hóa khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đẩy mạnh việc quốc tế hóa giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc ra thế giới và dân tộc hóa tinh hoa văn hóa thế giới vào Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn; khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, không ngừng nêu gương sáng cho con cháu và cộng đồng, thực sự là những nhân tố tích cực trong việc bảo tồn, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc.
Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác vận động đồng bào các dân tộc anh em cùng phát huy giá trị văn hóa giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo động lực, truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo, cùng nhau tô thắm nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; khơi dậy mạnh mẽ mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực từ văn hóa, khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, người dân thêm ấm no, hạnh phúc, xứng đáng với truyền thống nghìn năm văn hiến và anh hùng của dân tộc ta.