Chợ phiên- nét đẹp văn hóa vùng cao Trùng Khánh

QUỲNH VY

VHO - Hiện nay, cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, nhưng chợ phiên ở Trùng Khánh vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống từ bao đời và được đồng bào các dân tộc lưu giữ nguyên vẹn, tạo thành nét đẹp riêng có, hấp dẫn của vùng non nước Cao Bằng.

Chợ phiên- nét đẹp văn hóa vùng cao Trùng Khánh - ảnh 1

Lớp tập huấn góp phần “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” trên điạ bàn Cao Bằng

Nằm trong tuyến du lịch phía đông của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, Trùng Khánh được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh tuyệt đẹp như danh thắng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Bản Viết, sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng... Nơi đây còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa cùng với nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, đây là những điều kiện thuận lợi góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt góp phần phát triển du lịch Trùng Khánh một cách bền vững.

Chợ phiên là nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số tại các địa phương ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Chợ phiên không chỉ là nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi hội tụ, nơi gặp gỡ và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nơi hội tụ giá trị tinh thần, là một nét đẹp văn hoá độc đáo để lại nhiều ấn tượng sâu sắc cho du khách gần xa. 

 Hiện nay, cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay, nhưng chợ phiên ở Trùng Khánh vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống từ bao đời và được đồng bào các dân tộc lưu giữ nguyên vẹn, tạo  thành nét đẹp riêng có, hấp dẫn của vùng non nước Cao Bằng.

Mới đây, Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VHTTDL) phối hợp với Sở VHTTDL Cao Bằng tổ chức lớp tập huấn về bảo tồn, phát huy đặc trưng văn hóa truyền thống trong chợ phiên của đồng bào dân tộc thiểu số tại Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Lớp tập huấn có sự tham gia của 60 học viên là các trưởng thôn, người có uy tín, hộ kinh doanh trong cộng đồng và đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Trùng Khánh.

Tham gia lớp tập huấn các học viên được các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống tổ chức tập huấn 3 chuyên đề về: Thực trạng, kết quả và hiệu quả chợ phiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Bảo tồn nét văn hóa truyền thống chợ phiên trước thách thức của kinh tế thị trường; Bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số được thể hiện trong chợ phiên và một số mô hình chợ phiên trong nền kinh tế thị trường. 

Thông qua tập huấn nhằm đánh giá thực trạng, kết quả, hiệu quả hoạt động chợ phiên của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng, làm cơ sở tổ chức công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua chợ phiên. Từ đó đưa ra phương pháp bảo tồn có hiệu quả dưới tác động của nền kinh tế thị trường. 

Các học viên  còn được trải nghiệm thực tế tại chợ phiên trên địa bàn huyện và trao đổi ý kiến nguyện vọng trong việc bảo tồn và phát huy để chợ phiên ngày càng đặc sắc, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại Cao Bằng.