Khơi dậy nét đẹp văn hóa dân gian dân tộc Si La ở Lai Châu
VHO - Ngày 23.12 tới đây, Sở VHTTDL Lai Châu phối hợp với UBND huyện Mường Tè tổ chức trình diễn, tái hiện nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Si La tại xã Can Hồ, huyện Mường Tè nhằm khơi dậy nét đẹp các giá trị văn hóa dân gian dân tộc Si La gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Dân tộc Si La ở Mường Tè có kho tàng văn hoá dân gian phong phú, đặc sắc
Dân tộc Si La ở Mường Tè ( Lai Châu) là một trong 16 dân tộc thiểu số rất ít người (dưới 10.000 người). Trong quá trình phát triển, dân tộc Si La nơi đây đã sáng tạo hình thành nên kho tàng văn hoá dân gian đa dạng và đặc sắc, trong đó nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc là một biểu trưng văn hoá phản ánh đậm nét đời sống tinh thần của người Si La.
Trong diễn xướng dân gian, người Si La Si La ở Mường Tè có nhiều điệu hát như hát dân ca, hát đối, giao duyên, hát ru, đám cưới, đám ma, chúc mừng, hát vào mùa cầu mùa, hát về huyền thoại đá thần, hát nguồn gốc dân tộc Si La. Bên cạnh đó, người Si La có nền âm nhạc truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc với các đạo cụ chủ yếu làm từ tre, nứa, gỗ rừng. Tuy chế tác thủ công, đơn giản nhưng khi tiếng nhạc cụ cất lên cùng giai điệu dân ca sẽ có âm hưởng riêng, tạo ấn tượng lạ cho người nghe.
Dân tộc Si La có nền văn học dân gian phong phú với ca dao, tục ngữ, lời khấn, truyện cổ tích, thần thoại. Sử ca dân tộc Si La là những bài hát kể về sự tích xa xưa của dân tộc, có nhiều bài hát khá dài thường được người già hát trong những ngày lễ, Tết.
Người Si La thường hát giao duyên, đối đáp giữa nam nữ thanh niên trong lao động sản xuất, trong lúc hội hè hay trong đêm khuya thanh vắng với lời ca mộc mạc, lối ví von giản dị, dễ hiểu nhưng giàu sự biểu cảm, dễ rung động lòng người.
Các điệu múa của người Si La được biểu diễn vào các ngày hội, lễ, Tết, thường kèm theo các nhạc cụ như sáo, đàn bầu, đàn môi, đàn nhị. Người Si La còn có một số điệu múa xòe, múa sạp được tổ chức vào dịp lễ hội, múa cầu mùa, múa trình diễn trang phục, các động tác múa thường mô phỏng các hiện tượng trong thiên nhiên, trong đời sống và lao động sản xuất.
Hiện nay, đồng bào Si La ít có điều kiện tổ chức sinh hoạt vui chơi, giải trí, văn nghệ, do đó các làn điệu dân ca, dân vũ đang dần bị mai một, các điệu múa hát, giao duyên, trò chơi tập thể đang dần bị thay thế bởi âm nhạc hiện đại. Đáng lo ngại hơn nhiều giá trị văn hóa phi vật thể được lưu truyền, nuôi dưỡng từ bao đời nay chỉ còn trong trí nhớ, tiềm thức của những người cao tuổi.
Nhiều năm qua, Sở VHTTDL Lai Châu đã tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể dân tộc Si La như phục dựng các loại hình văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền, biên soạn, dịch thuật, phân loại lưu giữ ngữ văn truyền miệng, tri thức dân gian, hỗ trợ kinh phí để đồng bào Si La tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Qua đó, góp phần để cộng đồng người Si La phát huy vai trò chủ thể, là nhân tố quan trọng nhất trong quá trình gìn giữ những phong tục tập quán tốt đẹp phù hợp với tiến trình phát triển trong xã hội hiện đại.
Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Si La trước nguy cơ mai một, thất truyền, ngày 23.12 tới đây, Sở VHTTDL Lai Châu phối hợp với UBND huyện Mường Tè tổ chức trình diễn, tái hiện nghệ thuật trình diễn dân gian, ngữ văn dân gian dân tộc Si La tại xã Can Hồ, huyện Mường Tè nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa dân gian dân tộc Si La. Đây là dịp để các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng dân tộc Si La gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm, cùng nhau thể hiện những lời ca, tiếng hát, điệu múa mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Đồng thời, giúp bà con nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
NGUYỄN NAM; ảnh: N.CHÂM