Tết Ngô, nét văn hóa độc đáo của người Cống ở Lai Châu
VHO - Người Cống ở Lai Châu là dân tộc rất ít người, sinh sống tập trung ở hai huyện Nậm Nhùn và Mường Tè. Trải qua quá trình lao động và sản xuất người Cống nơi đây vẫn giữ được những giá trị văn hóa riêng, trong đó có lễ hội Tết Ngô là Tết cổ truyền lớn nhất trong năm của đồng bào Cống ở Lai Châu với nhiều nét văn hóa đặc sắc còn được bảo tồn, lưu giữ đến ngày nay.
Những người phụ nữ chuẩn bị mâm cúng trong lễ Tết Ngô của người Cống
Dân tộc Cống tại Lai Châu cư trú xen lẫn cùng các dân tộc khác ở các bản làng thuộc hai huyện Mường Tè và Nậm Nhùn, với nhiều phong tục tập quán đậm bản sắc văn hóa còn giữ được nguyên vẹn cho đến ngày nay, thể hiện trong các di sản văn hóa từ trang phục, kiến trúc nhà ở đến văn học, nghệ thuật dân gian...
Người Cống có nhiều lễ hội trong năm, mỗi lễ hội đều có những điểm độc đáo, phản ánh lịch sử hình thành và phát triển tộc người Cống, cũng như đời sống tâm linh phong phú. Trong đó nổi bật là Tết Ngô, nghi lễ quan trọng nhất trong năm của người Cống, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Cống, được trao truyền qua các thế hệ người Cống cho đến ngày nay.
Ngô là biểu tượng chính trong lễ hội Tết Ngô của người Cống
Tết Ngô là dịp để cộng đồng người Cống tụ họp, sum vầy sau một năm lao động vất vả, dân làng sẽ làm lễ cảm tạ các vị thần linh, tổ tiên phù hộ, bảo vệ trong suốt năm qua; cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình, làng xóm ấm no, hạnh phúc.
Theo truyền thống, bắt đầu từ sáng sớm, mọi người trong bản kéo nhau ra suối tắm gội sạch sẽ, gột rửa hết bệnh tật xui xẻo ra khỏi người, trôi theo dòng suối và thay những bộ đồ truyền thống đẹp nhất. Tiếp đến, con cháu đến nhà mừng tuổi ông bà. Sau cùng, ông bà tặng lại con cháu những giỏ quà đựng bánh kẹo, hoa quả do chính mình làm ra.'
Thầy cúng thực hiện nghi lễ Tết Ngô
Trước ngày làm lễ, thầy cúng cùng những người đàn ông trong bản đan những chiếc phên mắt cáo cắm lên ruộng nương để thông báo cả bản nghỉ làm nương để ăn Tết ngô. Ngày chính lễ hội Tết Ngô, mọi người diện những bộ trang phục mới và đẹp nhất đến sân nhà văn hóa bản để chuẩn nghi thức cúng Tết Ngô.
Lễ vật cúng là các món ăn truyền thống được làm chủ yếu từ ngô như bánh ngô, cơm ngô, ngô luộc, rượu ngô và những sản vật như nấm rừng, ngọn rau bí, cơm lam, cá suối nướng...dâng lên thần linh và tổ tiên. Mâm cúng còn có thịt lợn, gồm thủ, đuôi và chân, thể hiện mong ước "đầu xuôi đuôi lọt" và không thể thiếu 12 con cua đá, tượng trưng cho 12 tháng trong năm.
Theo quan niệm của người Cống, cua là loài vật bảo vệ mùa màng không bị chim, chuột phá hoại. Cua phải bắt từ dòng suối trong, rửa sạch, tách đôi, moi hết thịt cua ra nhồi bột ngô vào, sau đó ghép lại thành hình con cua như cũ, đem đồ chín bày lên mâm. Mọi lễ vật khi dâng lên bàn thờ tổ tiên phải được làm chín, kiêng đồ tươi sống.
Tái hiện các hoạt động thể hiện sinh động đời sống của đồng bào Cống
Điều không thể thiếu trong Tết Ngô sau khi hoàn thành lễ cúng, người dân trong bản cùng nhau quây quần nhảy những điệu múa truyền thống mang ý nghĩa gắn liền với việc làm nông hằng ngày, cũng như xua đuổi thú dữ ra khỏi bản làng. Họ dang rộng hai tay, nhảy quanh sân hội để đuổi chim chóc, thú rừng, ma quỷ ra khỏi bản làng, nương rẫy, làm tăng hiệu nghiệm của nghi lễ vừa thực hiện.
Mọi người trong bản cùng nhau nối tay thành vòng Xòe đoàn kết lớn trong tiếng trống chiêng rộn rã
Trước khi kết thúc, mọi người trong bản cùng nhau nối tay thành vòng Xòe đoàn kết lớn trong tiếng trống chiêng rộn rã, già trẻ, gái trai cùng đều chân, bước từng bước nhịp nhàng.
Không chỉ mang giá trị tâm linh sâu sắc, Tết Ngô còn là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cống như trang phục truyền thống, ẩm thực, văn nghệ, các trò chơi dân gian.
Tết Ngô là dịp để người Cống ôn lại lịch sử dân tộc, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cho con cháu của mình. Việc duy trì lễ hội Tết Ngô góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Cống, từ đó phát huy các giá trị bản sắc độc đáo nhằm từng bước hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách mỗi khi đến vùng cao Lai Châu- Tây Bắc.
QUỲNH VY; ảnh: M.HÙNG