Giữ làn điệu dân ca Đang Mường sống mãi với thời gian

NAM HƯNG-NGUYỄN OANH

VHO - Từ ngày 8-14.7, Sở VHTTDL Sơn La phối hợp với UBND huyện Phù Yên tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy dân ca của người Mường nhằm từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB dân ca truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phù Yên.

Giữ làn điệu dân ca Đang Mường sống mãi với thời gian - ảnh 1
Lớp tập huấn có sự tham gia của 60 học viên người dân tộc Mường đang sinh sống tại các xã, bản trên địa bàn huyện Phù Yên

Người Mường có dân số đứng thứ 4 ở Sơn La, cư trú chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Phù Yên, Bắc Yên, Vân Hồ, dọc theo sông Đà. Người Mường ở Sơn La sinh sống xen kẽ với người Thái, vì vậy có sự giao thoa văn hóa rất rõ nét.

Nếu như người Thái có làn điệu Khắp, Người Khơ Mú có hát Tơm, thì người Mường tự hào có làn điệu Đang Mường. Lời Đang chứa chan tình người đằm thắm, khát vọng tình yêu quê hương đất nước, mỗi lời Đang, đều chứa đựng những nét giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc lâu đời của người Mường. 

Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng cho biết, các làn điệu Đang Mường chứa đựng những giá trị nhân văn cao quý, dạy cách làm ăn, lối sống tốt đẹp đối với người thân, bạn bè và cộng đồng dân tộc, phê phán, những thói hư, tật xấu. Đây cũng là hình thức sinh hoạt văn hóa phổ biến của đồng bào Mường, ra đời từ rất sớm và gắn bó với sự hình thành, phát triển của cộng đồng dân tộc Mường.

Các làn điệu Đang Mường là di sản văn hóa phi vật thể, mang đặc trưng riêng biệt của đồng bào Mường, thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, mượt mà, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Mường. Các làn điệu có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống tinh thần, quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.

Người Mường không giới hạn không gian hay thời gian hát, có thể hát thâu đêm, suốt sáng trong những dịp anh em bạn bè, người thân lâu ngày gặp lại; hay những dịp lễ, Tết. Hai bên thường đối đáp qua lại rồi mời nhau uống rượu, chúc nhau sức khỏe, cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, năm mới an lành, hạnh phúc.

Cũng theo Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng, Đang Mường được hình thành, lưu giữ, bảo tồn và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, khát vọng vươn tới chân - thiện - mỹ trong cuộc sống. Đang Mường có 3 thể loại Đang như: "Đang Nếp" là loại hát mang tính lễ nghi, phong tục thường được hát trong các dịp mừng nhà mới, đám cưới. "Đang Ảng" là lối hát giao duyên, chủ yếu là hát đối đáp nam nữ và "Đang Vần Va" là lối hát kể chuyện thường hát trong mo, cúng. 

Giữ làn điệu dân ca Đang Mường sống mãi với thời gian - ảnh 2
Nghệ nhân Ưu tú Đinh Quang Chưởng, người am hiểu văn hóa Mường tham gia truyền dạy tại lớp tập huấn

Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sơn La cho biết, hiện nay, số lượng người biết hát Đang Mường trên địa bàn Sơn La nói chung, huyện Phù Yên nói riêng không nhiều, thế hệ trẻ phần lớn không biết hát và không mặn mà với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Người biết hát và thuộc các làn điệu dân ca Mường chủ yếu tập trung ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, họ lại không có khả năng dịch nghĩa từ tiếng Mường sang tiếng Việt, các làn điệu Đang Mườngđang đứng trước nguy cơ thất truyền, mai một rất lớn. 

Do đó, để góp phần bảo tồn dân ca của người Mường và thực hiện có hiệu quả Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Sơn La.

Từ ngày 8-14.7Sở VHTTDL Sơn La phối hợp với UBND huyện Phù Yên tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy dân ca của người Mường nhằm từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB dân ca truyền thống của người Mường gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phù Yên.

Tham gia lớp tập huấn là 60 học viên người dân tộc Mường đang sinh sống tại các xã, bản trên địa bàn huyện Phù Yên. Các học viên sẽ được các nghệ nhân am hiểu văn hóa Mường phổ biến, truyền đạt cách thức thể hiện các làn điệu dân ca Mường đặc sắc như "Đang Nếp", "Đang Ảng" và "Đang Vần Va"...

Việc tổ chức lớp tập huấn, truyền dạy này có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Mường gắn với các hoạt động văn hóa cơ sở, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Phù Yên nói chung và dân tộc Mường nói riêng.

Qua đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình CLB dân ca truyền thống của người Mường tại huyện Phù Yên gắn với phát triển du lịch. Đồng thời, phát huy vai trò trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các làn điệu dân ca đặc sắc của dân tộc Mường tại huyện Phù Yên, ông Phạm Hồng Thu nhn mạnh.

Cùng với sự hỗ trợ của Sở VHTTDL Sơn La, những người yêu Đang Mường ở Phù Yên đang khơi dậy tình yêu bản làng, yêu văn hóa dân gian dân tộc Mường cho thế hệ con cháu. Những lời ca, tiếng hát từ các nghệ nhân sẽ là nguồn cảm hứng nhắc nhở thế hệ trẻ luôn tự hào về làn điệu Đang Mường, từ đó phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống quý báu của cha ông, để Đang Mường sống mãi với thời gian.