Bình Định:

Đặc sắc lễ hội dân gian truyền thống

PHAN HIẾU

VHO - Trong những năm qua, việc triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, đặc biệt bảo tồn nét đặc sắc lễ hội dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số luôn được tỉnh Bình Định chú trọng, quan tâm dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ để phát huy giá trị.

 Đặc sắc lễ hội dân gian truyền thống - ảnh 1
Đặc sắc Lễ cúng được mùa của đồng bào Ba Na huyện Phù Cát

 Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 17 năm 2024 vừa kết thúc, tuy nhiên điều đọng lại và làm người dân cũng như du khách ấn tượng nhất là phần trình diễn lễ hội dân gian truyền thống. Ở đó, các nghệ nhân, diễn viên đã vào vai biểu diễn, tái hiện lại những sắc màu của lễ hội đang được bà con lưu giữ trong cộng đồng. Qua đó, góp phần lan tỏa, quảng bá những nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc riêng của đồng bào dân tộc Chăm Hroi, Ba Na, Hrê sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Mang đến Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ 17 năm 2024, đoàn nghệ nhân, diễn viên huyện vùng cao Vĩnh Thạnh đã trình diễn, tái hiện lại Lễ Trùng tên (Lễ kết nghĩa) của đồng bào Ba Na Kriêm. Ông Lê Văn Vinh, Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Thạnh cho biết: “Lễ Trùng tên là nghi lễ giữa hai người không quen biết, không phân biệt tuổi tác nhưng cùng tên thì sẽ kết nghĩa tình anh em, xem như ruột thịt (sau khi được gia đình hai bên đồng ý). Lễ trùng tên thường diễn ra trong quy mô gia đình, dòng họ, gồm các lễ cúng tổ tiên; cúng yang rong, người nuôi dưỡng, trông coi, sức khỏe và sinh tồn; cúng các vị thần linh để mời chứng kiến. Sau đó là nghi lễ trao vòng cườm giữa 2 người trùng tên kết nghĩa anh em, từ đây họ xem nhau như anh em ruột thịt trong gia đình”.

Em Đinh Thị Mẫn, làng K8, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ: “Em rất vinh dự khi tham gia Ngày hội cùng mọi người, được trình diễn giới thiệu nét độc đáo của lễ hội dân gian đồng bào dân tộc mình đến công chúng. Thế hệ trẻ như chúng em được hiểu hơn, trân quý hơn về bản sắc văn hóa truyền thống của cha ông”.

 Đặc sắc lễ hội dân gian truyền thống - ảnh 2
Đoàn nghệ nhân, diễn viên huyện Vĩnh Thạnh tái hiện Lễ Trùng tên (Lễ kết nghĩa) của đồng bào Ba Na Kriêm

Sắc màu lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào Ba Na cũng được đoàn huyện Tây Sơn tái hiện. Tại đây, những âm vang cồng chiêng, trang phục, nhịp điệu múa xoang của các thiếu nữ, cây nêu, thầy cúng đều được hiện lên giữa không gian núi rừng của Ngày hội. Ông Đinh Đam, nghệ nhân ở xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn tham gia trình diễn Lễ hội tạ ơn Giàng cho hay: “Xưa kia, lễ hội được tổ chức trong rất nhiều sự kiện khác nhau gồm: Lễ nộp vạ, Lễ hòa giải, Lễ tưởng nhớ những anh hùng của bản làng đã hi sinh, hay bất cứ lễ hội cộng đồng nào bà con đều tiến hành đâm trâu để tạ ơn Giàng, với mục đích hiến tế cho thần bảo mệnh của dân làng”. Theo ông Đinh Đang, Lễ hội tạ ơn Giàng còn phải có rượu gạo và các lễ vật khác do các gia đình đóng góp. Thời gian diễn ra lễ hội trong 3 ngày, theo các nghi thức đã định gồm: Lễ cúng sắm cây nêu, lễ cúng dựng cây nêu, lễ cột trâu, lễ khóc trâu, lễ đâm trâu và cuối cùng là lễ ăn trâu mừng chiến thắng.

Ấn tượng nhất là đoàn nghệ nhân chủ nhà huyện miền núi Vân Canh để lại những lời tán thưởng từ người dân và du khách, bởi thanh âm cồng chiêng hòa cùng trống kơ toang, xà reo tạo nên không khí vui nhộn tại Lễ cúng thần làng của đồng bào Chăm Hroi. Nghệ nhân Nguyễn Chế Linh, làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh bày tỏ: “Đồng bào Chăm Hroi có nhiều lễ hội dân gian truyền thống. Mỗi lễ hội có những sắc màu khác nhau, trong đó lễ cúng thần làng mang nét sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, thu hút đông đảo sự tham gia của toàn thể dân làng. Tùy vào mỗi làng quy định, nghi lễ cúng thần làng có thể diễn ra 2 - 3 năm cúng một lần hoặc cúng hằng năm, với nhiều nghi thức độc đáo, cầu xin Giàng ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, buôn làng bình an, no ấm, hạnh phúc”.

Bên cạnh đó, người dân và du khách được chiêm ngưỡng, thưởng thức phần trình diễn lễ hội dân gian truyền thống, gắn với hoạt động diễn xướng cồng chiêng, múa xoang của đồng bào Hrê huyện An Lão tại Lễ hội cúng thần làng; Lễ cưới của đồng bào Ba Na của huyện Hoài Ân; Lễ cúng được mùa của đồng bào Ba Na huyện Phù Cát.

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, vẫn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”; triển khai kế hoạch thực hiện “Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”.