“Cây cao bóng cả” tuyên truyền phòng, chống tảo hôn

PHAN HIẾU

VHO - Có thể nói, đội ngũ già làng, trưởng bản rất quan trọng trong đời sống của đồng bào các DTTS. Họ được bà con xem là “cây cao bóng cả” của thôn làng, vì thế, các ngành chức năng đã phối hợp với những người có uy tín thường xuyên tuyên truyền để người dân nhận thức được hệ lụy của hủ tục tảo hôn, từ đó thay đổi nếp nghĩ, cách làm...

 “Cây cao bóng cả” tuyên truyền phòng, chống tảo hôn - ảnh 1
Người có uy tín tham gia tích cực vào việc tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định của pháp luật

 Tại huyện Vân Canh (Bình Định), nhiều người có uy tín đã tích cực tuyên truyền phòng chống tảo hôn trong cộng đồng. Đơn cử như già làng Mai Kim Đô ở làng Hiệp Hưng, xã Canh Hiệp, bằng tiếng nói cũng như kinh nghiệm của mình, ông đã vận động và ngăn chặn hơn 20 vụ tảo hôn tại địa phương. “Muốn bà con nghe, mình phải hiểu rõ tác hại của việc tảo hôn cũng như hôn nhân cận huyết thống, rồi tìm cách tâm sự, trò chuyện theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” thì mới có hiệu quả. Hơn nữa, cần dứt khoát, kiên quyết và chỉ rõ cho bà con biết đó là hành vi vi phạm pháp luật bà con mới tin theo”, già làng Mai Kim Đô chia sẻ.

Tương tự, ông Trần Văn Lũ, người có uy tín của làng Canh Phước, xã Canh Hòa cũng hết sức quan tâm đến vấn nạn tảo hôn. Ngày trước, chứng kiến nhiều trường hợp lâm vào khó khăn, bệnh tật vì tảo hôn, ông đã quyết tâm góp sức ngăn chặn. Ông Lũ cho biết: Mỗi khi nghe ngóng được một vụ tảo hôn sắp diễn ra trong làng, tôi lập tức đến tận nhà hỏi thăm và vận động. Cũng có một vài hộ từ chối lắng nghe, nhưng tôi cứ kiên trì thì sau họ cũng hiểu và thực hiện. Nhờ đó, trong 2-3 năm gần đây, tình trạng tảo hôn ở làng Canh Phước ngày càng giảm.

Còn ông Đinh Ngọc Ước, dân tộc Hrê, người có uy tín ở thôn 1, xã An Trung cho hay: Vấn nạn tảo hôn tồn tại dai dẳng trước tiên làdo nhiều phụhuynh thiếu kiến thức, kỹ năng giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho con. Cùng với đó là nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Vì vậy, khi được bầu làm người có uy tín, tôi luôn coi tuyên truyền, vận động để giảm thiểu tình trạng tảo hôn là nhiệm vụ trọng tâm. “Ngoài vận động người dân, tôi cũng phối hợp với cán bộ thôn, xã, kiểm tra việc đăng ký kết hôn, mạnh tay xử lý theo hương ước, lập biên bản các cặp đôi chưa đủ tuổi và báo cáo với chính quyền để can thiệp kịp thời. Nhờ vậy, địa phương không còn nạn tảo hôn, người lớn không ép con cưới, giới trẻ cũng không muốn lập gia đình sớm”, ông Ước tâm sự.

Xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn (Bình Định) những năm qua đã thực hiện nhiều biện pháp đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn. Trong đó, việc đưa các quy định của pháp luật về tuổi kết hôn, cam kết không tảo hôn vào hương ước và làm tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đã và đang phát huy tác dụng. Điển hình như ở làng Kon Giọt 1, trước đây tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến, nhiều thanh thiếu niên bỏ ngang việc học để lập gia đình. Vì thế, ông Đinh Ướp, Bí thư Chi bộ làng Kon Giọt 1, cũng là người có uy tín, đã phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường vận động, thuyết phục bà con chấp hành nghiêm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Đồng thời, tổ chức các đợt lấy ý kiến của các hộ dân để xây dựng quy định xử phạt về kết hôn trước tuổi, ký cam kết không tảo hôn... đưa vào hương ước.

Ông Ướp cho biết: “Hương ước của làng quy định, nếu nhà nào có con tảo hôn sẽ bị phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/năm cho đến khi đủ tuổi kết hôn, người vi phạm vẫn phải bị các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, trong các cuộc sinh hoạt khu dân cư, làng còn đưa trường hợp bị xử phạt ra kiểm điểm, nhắc nhở, giáo dục. Hương ước của làng được người dân thảo luận công khai, dân chủ, 100% hộ dân thống nhất, ký cam kết thực hiện. Từ đó, bà con hiểu pháp luật hơn, nhận thức được tác hại của tảo hôn gây ra, đi đến xóa bỏ hủ tục lấy vợ, lấy chồng sớm”.

Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, người có uy tín là lực lượng gần dân, sát dân nhất trong công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ nạn tảo hôn. Để người có uy tín tích cực thực hiện vai trò của mình, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến nguyện vọng, đặc biệt là đảm bảo các chính sách. Thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động cho người có uy tín; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách, kịp thời biểu dương để họ phát huy hơn nữa vai trò trong công tác phòng, chống tảo hôn.