Văn Bàn, Lào Cai:
Phát triển du lịch từ văn hoá truyền thống
VHO - Lào Cai không chỉ nổi danh với Sa Pa, Bắc Hà hay Bát Xá mà còn có Văn Bàn, mảnh đất quen mà lạ, được nhiều du khách tìm đến trong thời gian gần đây
Huyện Văn Bàn cách thành phố Lào Cai khoảng 68km về hướng nam đi theo đường quốc lộ 279. Huyện Văn Bàn có phía tây giáp với huyện Than Uyên, phía đông giáp với huyện Văn Yên, phía bắc giáp với thị xã Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên, phía nam giáp huyện Mù Cang Chải. Huyện có diện tích 1,435km2, chủ yếu là đồi núi, rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng, chỉ có 10% là thung lũng. Dân số toàn huyện khoảng 90,000 người, bao gồm 11 nhóm dân tộc cùng sinh sống, tạo nên kho tàng văn hóa truyền thống phong phú.
Điểm tạo nên nét đặc sắc của Văn Bàn chính là văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc. Trong hơn 40 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của Lào Cai thì huyện Văn Bàn đã có 3, gồm: Di sản “Khắp nôm” làn điệu dân ca của dân tộc Tày; Lễ hội “Lồng tồng” của người Tày; Lễ cầu làng “Áy lay” của người Dao. Huyện cũng có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia là di tích đền Cô - Tân An, 2 di tích lịch sử được UBND tỉnh cấp Bằng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử đền Ken (thông Chiềng Ken), khu di tích lịch sử Pú Gia Lan (xã Khánh Yên thượng) cùng với đó rất nhiều các điểm tham quan khác.
Với tiềm năng lịch sử - văn hoá phong phú, Văn Bàn cũng đang tập trung phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện đang phấn đấu đến năm 2025 thực hiện quy hoạch và xây dựng 2 điểm du lịch và 1 làng, bản văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển 5 nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương với gần 30 sản phẩm; trong nhiệm kỳ đón từ 500 nghìn lượt khách trở lên, nguồn thu của ngành du lịch trong tổng thu ngân sách của huyện ước đạt từ 3% đến 5%.
Đặc biệt, từ năm 2022, huyện Văn Bàn đã triển khai 4 nội dung của Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt được các kết quả rõ rệt.
Theo đó, trong năm 2022, huyện đã thực hiện nội dung “Xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số”. UBND huyện tổ chức mở được 3/5 lớp truyền dạy, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Tại Xã Khánh Yên Trung do nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Quản đứng lớp Truyền dạy hát dân ca và nghệ thuật múa truyền thống dân tộc Tày, tham gia lớp học có 20 học viên. Tại xã Làng Giàng do nghệ nhân ưu tú Hoàng Thị Quanh đứng lớp Truyền dạy hát dân ca và nghệ thuật múa truyền thống dân tộc Tày, tham gia lớp học có 20 học viên. Tại xã Tân An do nghệ nhân ưu tú Triệu Văn Thêu đứng lớp truyền dạy thực hành và trao truyền phong tục tập quán, chữ Nôm Dao và lễ hội Cầu làng của người Dao trên địa bàn huyện Văn Bàn, tham gia lớp học có 20 học viên.
Trong năm 2023 vừa qua đã triển khai 4 nội dung cụ thể. Nội dung thứ nhất là bảo tồn Tết tháng 7 của người Mông Xanh xã Nậm Xé. UBND huyện đã mở 1 lớp tập huấn, truyền dạy phương pháp, kỹ năng bảo tồn các lễ hội truyền thống, bảo tồn Tết tháng 7 của người Mông Xanh với 90 học viên là người Mông Xanh; Tổ chức trình diễn, tái hiện Tết tháng 7 của người Mông Xanh gồm phần lễ và phần hội có trên 100 người Mông Xanh tham gia; Tổ chức sản xuất phim tài liệu phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, giới thiệu Tết tháng 7 của người Mông Xanh.
Nội dung thứ hai là hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. UBND huyện chia làm 2 phần hỗ trợ cho đội văn nghệ truyền thống: Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Truyền thông cử viên chức có chuyên môn xuống thôn hướng dẫn đội văn nghệ khai thác vốn dân ca, dân vũ vốn có của dân tộc, dàn dựng một số tiết mục văn nghệ cho đội; Mua sắm trang thiết bị, đạo cụ, nhạc cụ, trang phục hỗ trợ hoạt động cho đội văn nghệ truyền thống của 10 thôn thuộc 10 xã (Khánh Yên Thượng, Khánh Yên Trung, Liêm Phú, Tân An, Làng Giàng, Hòa Mạc, Dần Thàng, Nậm Xé, Dương Quỳ, Chiềng Ken).
Nội dung thứ ba là hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; chương trình quảng bá xúc tiến du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn sản phẩm đặc trưng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. UBND huyện ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 27.9.2023 về Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch huyện Văn Bàn. Theo đó đã tổ chức Cuộc thi sáng tác biểu tượng (logo) và khẩu hiệu (slogan) du lịch Văn Bàn; Thiết kế bộ công cụ nhận diện thương hiệu du lịch huyện Văn Bàn.
Nội dung thứ tư là xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số. UBND huyện cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức mở 1 lớp truyền dạy Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng của người Tày xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn. Đang hoàn thiện các bước mở lớp.