Lào Cai phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

THANH LƯƠNG

VHO - Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 10 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, góp phần thu hút du khách đến với địa phương.

Lào Cai phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 1

Khách du lịch trải nghiệm mùa lúa chín tại Y Tý, huyện Bát Xát. Ảnh: Quang Phấn

Là tỉnh vùng cao, biên giới, Lào Cai có 25 thành phần dân tộc cùng chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng, đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch. Với giá trị di sản văn hoá truyền thống mang tính riêng biệt của vùng dân tộc thiểu số đã và đang trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển du lịch du lịch cộng đồng, tạo nên các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, thu hút đông đảo du khách trong những năm gần đây.

Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam xây dựng, áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng gắn với xoá đói, giảm nghèo cho cộng đồng các dân tộc thiểu số với sự hỗ trợ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo tại Sa Pa -1998). Tổ chức Bánh mì thế giới đã hỗ trợ xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm tại 2 xã Bản Hồ và San Sả Hồ (Sa Pa). Sau 2 năm đi vào vận hành mô hình du lịch cộng đồng do Tổ chức Bánh mì thế giới hỗ trợ triển khai đã được chứng minh là hiệu quả trong việc nâng cao sinh kế và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Giai đoạn trước năm 2015, du lịch cộng đồng chủ yếu phát triển tại Sa Pa và phần lớn mang tính tự phát. Sau đó, du lịch cộng đồng từng bước phát triển có hệ thống và đã được đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030.

Với việc quan tâm phát triển từ rất sớm, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 10 điểm du lịch cộng đồng được công nhận, cùng với đó là hệ thống các làng, thôn, bản có thực hiện các hoạt động kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, bao gồm: Điểm du lịch cộng đồng thôn Lao Chải; Điểm du lịch cộng đồng thôn Dền Sáng; Điểm du lịch trung tâm xã Bản Xèo; Điểm Du lịch cộng đồng thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai; Điểm Du lịch Cát Cát; Điểm du lịch thôn Má Tra – xã Sa Pả; Điểm du lịch cộng đồng xã Tả Phìn; Điểm du lịch cộng đồng thôn Sín Chải; Điểm du lịch thôn Choản Thèn; Điểm du lịch xã Nghĩa Đô.

Lào Cai phát triển du lịch cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số - ảnh 2

Những ngôi nhà nấm ở bản Kin Chu Phìn - Xã Nậm Pụng, Bát Xát, Lào Cai

Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng tập trung chủ yếu ở Sa Pa, Bắc Hà và từng bước mở rộng sang Bát Xát, Bảo Yên.

Song song với đó, các dịch vụ, sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai tương đối đa dạng, gồm các sản phẩm, dịch vụ chính đó là: Homestay; du lịch văn hóa; du lịch tham quan Ruộng bậc thang; du lịch nông nghiệp và du lịch ẩm thực.

Đặc biệt, toàn tỉnh có 466 cơ sở homestay trong đó tập chung chủ yếu tại Sa Pa (355 hộ) huyện Bắc Hà (53 hộ), huyện Bát Xát (30 hộ), huyện Bảo Yên (27 hộ), thành phố Lào Cai (1 hộ). Các nhà nghỉ lưu trú tại gia cơ bản đã đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lưu trú như: chăn, ga, gối, đệm, buồng ngủ, nhà vệ sinh, bếp nấu ăn… đáp ứng nhu cầu tối thiểu khi khách lưu trú tại gia đình. Hiện nay, tỉnh Lào Cai có 3 nhóm cơ sở lưu trú tại gia (homestay) của đồng bào dân tộc Giáy tại xã Tả Van (Sa Pa) và dân tộc Tày tại Tà Chải (Bắc Hà), xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên) được Hiệp hội du lịch các quốc gia ASEAN công nhận đạt chuẩn homestay ASEAN. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu du lịch cộng đồng của tỉnh với khách du lịch.

Hiện nay, du lịch cộng đồng đang thu hút khoảng 2.000 lao động tham gia, thu nhập trung bình của các hộ làm du lịch cộng đồng từ 50 - 70 triệu đồng/năm, đặc biệt có hộ đạt 150 - 200 triệu đồng/năm. Du lịch cộng đồng góp phần quan trọng trong việc giải quyết việc làm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng thành công nông thôn mới.

Đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu đón 1,7 triệu lượt khách tham quan loại hình du lịch cộng đồng; thu từ du lịch cộng đồng chiếm 10% tổng số thu từ khách du lịch của tỉnh. Có 7 mô hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn ASEAN, 25 mô hình du lịch cộng đồng đáp ứng điều kiện điểm du lịch cấp tỉnh...

Ý kiến bạn đọc