Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Xuất bản, In và Phát hành năm 2025
VHO - Chiều ngày 22.4, tại TP.HCM, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ VHTTDL) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm – năm 2025.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành đã khái quát tình hình hoạt động của ngành trong năm 2024.
Tính đến hết ngày 31.12.2024, cả nước có 57 nhà xuất bản thuộc 53 cơ quan chủ quản. Tổng số xuất bản phẩm là 51.443 xuất bản phẩm với 597.182.861 bản (tăng 37,2% về xuất bản phẩm và tăng 11,3% về bản/lượt truy cập.
Tổng doanh thu toàn ngành đạt 4.528,249 tỉ đồng (tăng 10,3%); nộp ngân sách 212,198 tỉ đồng (giảm 44,67%); lợi nhuận (sau thuế) đạt 507,470 tỉ đồng (tăng 11,41%). Trong đó có 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỉ đồng.

Vượt qua khó khăn, hoạt động toàn ngành tiếp tục duy trì và phát triển ổn định. Các chỉ số năng lực hoạt động của các nhà xuất bản đều tăng đưa tỷ lệ sản xuất sách/người đạt 5,9 bản/người/năm, tiệm cận mức cao năm 2022.
Đặc biệt doanh thu và lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản tăng tương đối cao (cao nhất trong 03 năm trở lại đây, đạt 10,3%), góp phần củng cố, tạo thêm nguồn lực để nhà xuất bản duy trì hoạt động và tiếp tục phát triển.
Nội dung các xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao để đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú của đông đảo bạn đọc. Đặc biệt trong năm 2024, nhiều xuất bản phẩm có giá trị được xuất bản để phục vụ những sự kiện quan trọng của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại diện ngành xuất bản cũng chỉ ra những hạn chế, tồn đọng trong thời gian qua.
Đó là, nguồn nhân lực tại các nhà xuất bản tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thiếu bước phát triển đột phá, đặc biệt trong việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng, trình độ về công nghệ thông tin và ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt chức danh lãnh đạo tại một số nhà xuất bản chậm được khắc phục, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhà xuất bản nói chung và quản lý nội dung xuất bản phẩm nói riêng
Chuyển đổi số nhưng chưa đi vào chiều sâu, trở thành động lực phát triển. Thị trường sách điện tử - thị trường giàu tiềm năng vẫn ở giai đoạn “khởi động”; qui mô chỉ đạt khoảng 112 tỉ, chỉ chiếm 2,6% tổng doanh thu toàn ngành, và có dấu hiệu chững lại.
Liên kết và kinh tế xuất bản vẫn là bài toán đầy thách thức với các nhà xuất bản. Số lượng các nhà xuất bản có doanh thu trên 10 tỉ dừng lại ở mức dưới 50%...

Cũng tại hội nghị, các đại biểu cũng đã mang đến những tham luận giàu giá trị cho ngành. Qua đó, tiếp tục chỉ ra những khó khăn, phân tích các nguyên nhân, hạn chế của ngành xuất bản trong năm 2024, đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 2025.
Các bài tham luận như: Thực trạng và kiến nghị về phát triển văn hoá đọc và sự xâm hại bản quyền sách hiện nay; Xây dựng mô hình, bộ máy nhà xuất bản theo hướng tinh gọn phù hợp với yêu cầu tự chủ tài chính và chuyển đổi số; Tái cấu trúc mạng lưới phát hành xuất bản phẩm theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thích ứng với thị trường trực tuyến;...
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhấn mạnh, toàn ngành cần tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa nhằm phát huy kết quả đã đạt được năm 2024.
Đồng thời nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm và nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đưa ngành Xuất bản phát triển vững mạnh trong kỷ nguyên mới của đất nước.