Tháo gỡ "điểm nghẽn", thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển (Bài 2):
Sức ép thị trường, “điểm nghẽn” nguồn lực
VHO - Mặc dù ngành Xuất bản Việt Nam đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, nhưng vẫn còn không ít thách thức cần vượt qua.
Sự chi phối ngày càng rõ rệt của cơ chế thị trường, kết hợp với những điểm nghẽn về nguồn lực và vướng mắc trong cơ chế vận hành… vẫn đang là những yếu tố kìm hãm sự phát triển bền vững của ngành.
Để vươn lên mạnh mẽ, ngành Xuất bản cần phải đánh giá lại thực trạng, thực hiện tái cấu trúc toàn diện, từ đó tạo ra những đột phá chiến lược, khai thác tối đa tiềm năng công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm xây dựng một ngành Xuất bản năng động và đổi mới trong tương lai.

“Bài toán” lợi nhuận và chất lượng
Xã hội hóa và thương mại hóa hoạt động xuất bản là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm kêu gọi sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào phát triển ngành Xuất bản trong nước và làm phong phú thị trường xuất bản phẩm.
Theo TS Vũ Thùy Dương, Trưởng Khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền), việc xã hội hóa và thương mại hóa thông qua hình thức liên kết đã mang lại những biến chuyển tích cực, làm thay đổi diện mạo ngành, góp phần cho ra đời nhiều xuất bản phẩm với nội dung phong phú và hình thức hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của độc giả, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận mặt trái của cơ chế thị trường, khi áp lực lợi nhuận đôi khi khiến các đơn vị xuất bản tập trung vào việc sản xuất những cuốn sách không có giá trị thực sự, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả, dẫn đến tình trạng sản phẩm kém chất lượng.
Thực tế đã chỉ ra rằng, quá trình xã hội hóa, thương mại hóa xuất bản đã để xảy ra không ít sai phạm về nội dung xuất bản phẩm. Báo cáo từ Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2023 cho biết, qua kiểm tra hơn 1.100 xuất bản phẩm lưu chiểu, đã phát hiện và xử lý 25 xuất bản phẩm vi phạm (giảm 3,8% so với năm 2022), trong đó có 21 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung (giảm 16%).
Nguyên nhân chủ yếu là do một số NXB chưa thực hiện đúng quy định về liên kết, để đối tác chi phối nội dung sách, dẫn đến sự hỗn loạn và cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường xuất bản.
Tình trạng vi phạm quyền tác giả cũng diễn ra khá phổ biến; sự thiếu hụt nhân lực và cả vật lực đã khiến một số NXB không thể kiểm soát chặt chẽ nội dung xuất bản phẩm.
Đặc biệt, đội ngũ biên tập viên không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn và nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong công tác biên tập và xuất bản vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến sản xuất, in và phát hành xuất bản phẩm. Tuy nhiên, theo TS Trần Chí Đạt, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông, các NXB Việt Nam vẫn chưa áp dụng hiệu quả công nghệ vào việc phân tích dữ liệu, điều này một phần do hạn chế về tư duy lãnh đạo và nguồn lực tài chính.
Bên cạnh đó, vấn đề vi phạm bản quyền vẫn còn rất nghiêm trọng. Dù các NXB đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng sao chép, in lậu vẫn tiếp tục tồn tại.

Vướng mắc về cơ chế và nguồn lực
Trong bối cảnh hiện nay, ngành Xuất bản Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn và thách thức do nhiều nguyên nhân.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Thế giới Phạm Trần Long thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong hoạt động hiện tại: Cơ chế doanh thu ngày càng bị thu hẹp, đầu tư của Nhà nước có giới hạn, trong khi các khoản thuế, phí lại tăng cao, tạo ra một nghịch lý khi các NXB vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị, vừa phải tự hạch toán kinh doanh. Điều này khiến họ phải đối mặt với bài toán khó trong việc duy trì hoạt động bền vững.
Mặt khác, mô hình và cơ cấu tổ chức của các NXB cũng chưa được quy định rõ ràng, khiến hoạt động bị chi phối bởi những bộ luật mâu thuẫn. Luật Xuất bản 2013 coi NXB là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, trong khi Luật Doanh nghiệp lại xem NXB như những đơn vị sản xuất kinh doanh thuần túy.
Sự chồng chéo trong cơ chế chính sách và các quy định pháp lý đã tạo ra không ít khó khăn cho hoạt động của NXB, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Theo ông Phạm Trần Long, hiện tại, NXB Thế giới đang phải đối mặt với khoản nợ đọng lớn về tiền thuê nhà, thuê đất, trong khi việc tuyển dụng và giữ chân nhân lực chất lượng cao gặp nhiều khó khăn.
Điều này khiến lực lượng cán bộ biên tập, biên dịch ngày càng mỏng, khó có thể đáp ứng được khối lượng công việc.
Đại diện NXB Văn hóa Dân tộc cũng chỉ ra những khó khăn riêng của đơn vị, khi phải ưu tiên phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Mảng đề tài xuất bản chủ yếu tập trung vào các chủ đề khó như lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, chính trị phổ thông, nhưng lại thiếu sự đầu tư từ các tác giả. Thời gian biên tập, xuất bản kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các chính sách về miễn giảm tiền thuê nhà, đất và bổ sung vốn cho hoạt động xuất bản chưa được triển khai hiệu quả. Tiền thuê nhà, đất quá cao, chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí của đơn vị, trong khi việc hợp tác kinh doanh, liên kết để khai thác mặt bằng sẵn có lại bị hạn chế bởi các quy định pháp lý hiện hành.
Các NXB công lập như NXB Văn hóa Dân tộc, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV cũng gặp khó khăn trong việc được giao nhiệm vụ, đầu tư trực tiếp từ Bộ VHTTDL do các ràng buộc của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước.
Đại diện Thành ủy TP.HCM cũng nhận định rằng, việc sắp xếp các NXB theo hướng tinh gọn đã được thực hiện, nhưng chất lượng và hiện đại hóa vẫn còn chậm.
Chưa có chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội vào hoạt động xuất bản, in, phát hành. Năng lực của các NXB còn chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều đơn vị không thích ứng được với cơ chế thị trường, phụ thuộc vào đối tác liên kết, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện kế hoạch.
Trước những thách thức và khó khăn này, ngành Xuất bản Việt Nam cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới và đóng góp tích cực vào sự phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước.
(Còn tiếp)