Tự xuất bản:

Xu hướng thúc đẩy sáng tạo và đa dạng sách

THANH NGỌC

VHO - Xu hướng tự xuất bản tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của các tác giả nổi tiếng và cả người mới bắt đầu văn nghiệp, góp phần khuyến khích sáng tạo, mang đến nhiều lợi ích cho người cầm bút và độc giả, đồng thời đa dạng hóa thị trường sách…

 Xu hướng thúc đẩy sáng tạo và đa dạng sách - ảnh 1
Nhiều tác giả chọn lựa xu hướng tự xuất bản để ra mắt tác phẩm. Ảnh: ITN

 Cơ hội đưa tác phẩm đến với độc giả

Thị trường xuất bản đang chứng kiến sự bùng nổ của những xu hướng mới, đáp ứng nhu cầu của tác giả và thị hiếu ngày càng đa dạng của người đọc. Bên cạnh những đầu sách truyền thống được in ấn và phát hành bởi các nhà xuất bản uy tín, nhiều hình thức mới mẻ như sách giới hạn, sách nói, sách điện tử, gọi vốn, đặc biệt là hình thức tự xuất bản đã được triển khai lâu nay hiện đang dần phổ biến với nhiều phương thức mới mẻ.

Tự xuất bản là hình thức tác giả bỏ vốn in ấn, phát hành tác phẩm của mình. Xu hướng này không chỉ dành cho những tên tuổi đã nổi danh mà còn là con đường đầy tiềm năng đối với những tay viết không chuyên. Có nhiều lý do khiến tự xuất bản đang ngày càng trở nên hấp dẫn: Cho phép tác giả chủ động hoặc can thiệp vào hầu hết các khâu của xuất bản từ biên tập, thiết kế mỹ thuật đến in ấn... Bên cạnh đó, tác giả còn có thể giữ bản quyền tác phẩm của mình để khai thác cho các mục đích khác.

Đây cũng là xu hướng đang phổ biến trên thế giới. Nhờ sự phát triển của công nghệ và Internet, có thể thấy, việc xuất bản và phân phối sách không còn phụ thuộc nhiều vào các nhà xuất bản. Tác giả tự đăng tải, phát hành tác phẩm qua các nền tảng trực tuyến, tiếp cận độc giả tiềm năng trên toàn quốc và cả thế giới, kết nối chặt chẽ với độc giả, xây dựng cộng đồng người hâm mộ và nhận phản hồi ngay lập tức…

Tuy nhiên, cũng cần khẳng định, đây không phải là con đường trải hoa hồng. Người tự xuất bản cũng phải đối mặt với không ít thách thức như tự chi trả toàn bộ chi phí in ấn, phát hành và PR cho tác phẩm của mình; tác giả cũng cần có kỹ năng nhất định về marketing, quảng bá để thu hút người tiêu dùng.

Cầu nối đưa ý tưởng, bản thảo thành sách

Tại Việt Nam, một số người trẻ tài năng đang chọn con đường tự xuất bản để mang đến cho độc giả những tác phẩm mới mẻ và độc đáo. Không chỉ những nhà văn chuyên nghiệp, ngày càng nhiều người ở các lĩnh vực khác nhau cũng chọn hướng đi này để công bố tác phẩm của mình.

Cũng có người cho biết, đã có ý tưởng và định hình đề tài, nội dung sách, muốn tập hợp bài viết hiện có của mình trên các nền tảng xã hội, website một cách có hệ thống, hay hoàn thiện bản thảo dang dở… nhưng chưa biết cách biến trang viết trở thành cuốn sách được thị trường đón nhận và nhiều người biết đến. Trước bối cảnh như vậy, nhiều nhà sách và công ty truyền thông bắt đầu nhận ra tiềm năng của thị trường tự xuất bản, mở đường cho những hỗ trợ, hợp tác với các tác giả tự do để đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng. Các đơn vị như Thái Hà Books, Alpha Books… đã và đang đẩy mạnh các dịch vụ hợp tác xuất bản đa dạng, hỗ trợ tác giả “từ A đến Z” nhằm góp sức cho ra đời một cuốn sách.

Đại diện Thái Hà Books cho biết, đơn vị cung cấp dịch vụ từ bản quyền, thương thảo với các nhà xuất bản trên thế giới mua bản quyền cho tới chấp bút, thực hiện bản thảo, phân phối, phát hành, marketing và truyền thông… Công ty TNHH Xuất bản và Giáo dục Mochibooks cũng vừa giới thiệu phương thức xuất bản sách thử nghiệm, mở ra cơ hội cho các tác giả Việt tự xuất bản “đứa con tinh thần” của mình với chi phí hợp lý, khi bắt đầu với chỉ 100-200 cuốn sách. Nếu được thị trường đón nhận và phản hồi tốt, tác giả có thể tái bản cuốn sách chỉ trong 5-7 ngày.

Theo đại diện Mochibooks, một trong những rào cản lớn nhất đối với tác giả khi xuất bản sách là chi phí. Với phương thức thử nghiệm, tác giả chỉ cần đầu tư một khoản tiền nhỏ, điều này giúp giảm thiểu rủi ro tài chính. Xuất bản sách số lượng ít cũng giúp tác giả không phải lo lắng về chi phí lưu kho và bảo quản sách. Bên cạnh đó, có thể in thêm khi cần, tránh lãng phí và tồn đọng…

Nhiều tác phẩm ngay khi ra mắt đã được độc giả nhiệt tình đón nhận. Đặc biệt là người đọc trẻ ngày càng có xu hướng tìm đến các tác phẩm tự xuất bản vì nội dung mới mẻ. Bởi vậy, đây không chỉ là cơ hội cho các tác giả tự do thể hiện sự sáng tạo mà còn giúp độc giả tiếp cận được nhiều tác phẩm với đa dạng đề tài.

Có thể thấy, tự xuất bản là một trong những xu hướng tiềm năng, mở ra cơ hội cho các tác giả tên tuổi và cả những cây viết còn chưa nổi danh. Tuy nhiên, để thành công trong lĩnh vực này, tác giả cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cả kiến thức và kỹ năng. Việc nâng cao chất lượng, chuyên nghiệp hóa hoạt động và tiếp cận hiệu quả thị trường sẽ là chìa khóa để người viết thực hiện theo phương thức này gặt hái thành công, góp phần tạo nên sự phong phú cho nền xuất bản Việt Nam.