Sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với văn nghệ sĩ
VHO - Trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã luôn quan tâm đến sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, Văn Hóa ghi nhận ý kiến của một số văn nghệ sĩ.
Nhiều người dân, nhiều văn nghệ sĩ và rất nhiều người làm công tác văn hóa… đã khóc
Ai cũng nghĩ một ngày buồn như hôm nay sẽ đến, nhưng chẳng muốn rằng nó sẽ đến hôm nay.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên sự hụt hẫng, mất mát to lớn với toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đông đảo văn nghệ sĩ và người làm công tác văn hóa… Sinh thời, Tổng Bí thư từng là một nhà báo. Nhìn hình ảnh đồng chí Hà Xuân Trường trao tặng phóng viên Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng khi còn rất trẻ đã cho thấy sự cống hiến và trưởng thành của một người làm báo chân chính.
Tổng Bí thư là một nhà nghiên cứu khoa học, lý luận đúng nghĩa với rất nhiều tác phẩm đã in thành sách để lại cho đời sau. Những trang viết đầy ắp kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của ông thể hiện sự cẩn trọng, cân nhắc qua từng ngôn từ - mà tác giả - người trực tiếp “cày ải” trên cánh đồng chữ nghĩa đã dành cho nghiên cứu lý luận rất nhiều thời gian, công sức. Thực tế, để viết và hoàn thành một cuốn sách, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, xã hội, không chỉ đòi hỏi tâm huyết của tác giả mà còn cần có sự thông tuệ, khả năng tu từ, nền tảng kiến thức khoa học mang tầm quốc tế.
Để ý thấy rõ, những năm tháng cuối đời, Tổng Bí thư, GS.TS Nguyễn Phú Trọng dường như quan tâm nhiều hơn, làm việc nhiều hơn với công tác lý luận. Có thể thấy, trong con người ông là sự kết tinh đầy đủ phẩm cách của nhà lãnh đạo chính trị, song vẫn đầy ắp tính nhân văn, chan chứa tình người. Trên diễn đàn nhiều cuộc họp Trung ương, bên cạnh những lập luận mang tính chỉ đạo, Tổng Bí thư còn nêu dẫn chứng thơ văn phù hợp với từng ngữ cảnh. Trái tim người chiến sĩ cộng sản luôn phải rèn thành gang, thành thép để vững vàng, kiên trung, nhưng vẫn dành chỗ xứng đáng cho tình yêu đời, yêu người, yêu thơ, yêu văn học nghệ thuật.
Chỉđạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Từ ngày 24.11.1946, hôm nay mới lại có Hội nghị toàn quốc về Văn hóa với quy mô lớn thế này”. Với tầm nhìn của nhà lãnh đạo hiểu biết ngọn ngành, thấu đáo, ông vừa động viên những người làm văn hóa, văn học nghệ thuật nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa.
Ngày 25.7.2023, nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: “Một số văn nghệ sĩ phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ nghĩa vụ công dân, trách nghiệm xã hội, vì thế tác phẩm của những cá nhân này xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, đời sống nhân dân dẫn tới phát ngôn, xuất bản sách báo, sử dụng mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, nặng về cảm tính, thậm chí là cực đoan”; và “thành tựu văn học nghệ thuật đạt được trong những năm qua có những mặt còn chưa tương xứng với sự đổi mới của Đảng và đất nước; chất lượng chưa hài hòa với số lượng, chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút và quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người, còn ít tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ nổi tiếng...”.
Tiếc thương một nhà lãnh đạo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hôm nay, trong niềm xúc động nghẹn ngào, tôi đã thấy rất nhiều người dân, rất nhiều người làm công tác văn hóa nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, trong đó có nhiều nghệ sĩ điện ảnh - truyền hình đã khóc.
(PGS.TS ĐỖ LỆNH HÙNG TÚ, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam)
Tiếp thu những lời nhắn nhủ, dặn dò của Tổng Bí thư, nỗ lực làm tròn nhiệm vụ
Cách đây hơn 10 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm khu Di sản Huế. Trò chuyện cùng những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Tổng Bí thư căn dặn anh chị em cần phải cố gắng học tập, tìm tòi những giá trị văn hóa nghệ thuật của người xưa, có như vậy mới bảo tồn và phát huy được những giá trị di sản mà cha ông chúng ta để lại.
Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản phi vật thể như: Nhã nhạc cung đình, tuồng cung đình và múa hát cung đình. Các loại hình nghệ thuật diễn xướng đã từng tồn tại hàng trăm năm dưới triều Nguyễn. Khi được Tổng Bí thư động viên, ghi nhận những nỗ lực, chúng tôi đã rất xúc động và luôn tự nhủ phải cùng cố gắng trau dồi đạo đức, phát huy khả năng, góp sức mình vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể mà Thừa Thiên Huế đang nắm giữ.
Sự quan tâm của Tổng Bí thư là động lực tiếp thêm sức mạnh cho các văn nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bản thân tôi cũng là một người đang trực tiếp gìn giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của đất nước, tôi luôn động viên các thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp thu những lời nhắn nhủ, dặn dò của Tổng Bí thư. Tập thể nhà hát luôn đoàn kết, nỗ lực hết mình làm tròn nhiệm vụ, lan tỏa bản sắc văn hóa Huế đến cộng đồng du khách trong nước và quốc tế.
(NSƯT HOÀNG TRỌNG CƯƠNG, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế)
Đặt văn hóa ngang tầm với chính trị, kinh tế, xã hội
Văn hóa lúc nào cũng là vấn đề quan trọng của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, trong thời điểm hội nhập với quốc tế hiện nay, văn hóa càng quan trọng hơn bao giờ hết. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa và dân tộc luôn phải song hành cùng nhau, cho nên, Tổng Bí thư Trường Chinh đưa ra Đề cương vềVăn hóa Việt Nam với nhiều nội dung quan trọng, nhưng yếu tố dân tộc là trên hết, sau mới đến đại chúng và khoa học… Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa được những quan điểm đó và tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh giá trị quan trọng của văn hóa trong thời đại ngày nay.
Trước đó, Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước cũng đã nhấn mạnh: Văn hóa phải được đặt ngang tầm với chính trị, kinh tế và xã hội. Điều này cho thấy, trong mỗi Nghị quyết của Đảng, tầm quan trọng của văn hóa đều được nhắc lại và nhấn mạnh, phát triển một cách cao hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ quan tâm đến văn hóa, mà còn quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực, nhưng riêng đối với văn hóa, văn học - nghệ thuật thì được ông nhấn mạnh và đặt ở vị trí xứng tầm. Đối với Tổng Bí thư, có phát triển văn hóa, con người Việt Nam thì chúng ta mới giữ được vị thế đất nước, vị thế dân tộc… Mong rằng, những nền tảng mà Tổng Bí thư đã dày công đặt để, sẽ được thực thi ngày càng hiệu quả, mang lại những giá trị to lớn cho nền văn hóa nước nhà.
(Nhà điêu khắc NGUYỄN XUÂN TIÊN, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM)
Sự quan tâm của Tổng Bí thư đối với văn hóa đã tiếp thêm sức mạnh cho đội ngũ những người sáng tạo
Khi tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần vừa công bố, tôi đã đổi ngay hình đại diện để tang trên Facebook của mình. Cảm xúc ấy cũng giống như khi tôi mất đi người cha vậy, vì cha tôi cũng mới qua đời được 100 ngày, nên tôi hiểu cảm giác mất mát này đối với mình là quá lớn. Không chỉ riêng tôi, anh chị em trong giới nghệ sĩ đều thấy vô cùng bàng hoàng, hụt hẫng…
Dù tôi chưa được vinh dự gặp Tổng Bí thư, nhưng qua những việc ông đã làm, đã chỉ đạo, qua lời kể của nhiều người, qua báo chí truyền hình cũng như tình cảm của nhân dân dành cho Tổng Bí thư, tôi biết rằng không chỉ riêng mình mà rất nhiều văn nghệ sĩ, người dân đều yêu kính, trân trọng ông.
Tấm lòng Tổng Bí thư lo cho dân cho nước không khác gì một người cha, một người thân thiết ruột thịt. Hình ảnh giản dị, thanh liêm, dù tuổi cao sức yếu, bệnh nặng nhưng vẫn miệt mài làm việc đến hơi thở cuối cùng khiến ai cũng cảm phục, xúc động. Đặc biệt, sự quan tâm của Tổng Bí thư đối với văn hóa đã tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho đội ngũ những người sáng tạo, văn học nghệ thuật, để cùng nguyện chung sức, gắng lòng, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đàbản sắc dân tộc như lúc sinh thời Tổng Bí thư kỳ vọng.
Không chỉ với đồng bào Việt Nam, qua theo dõi trên các kênh truyền thông trong và ngoài nước có thể thấy, nhiều quốc gia bày tỏ lòng kính trọng, tiếc thương đối với Tổng Bí thư. Điều này cho thấy tài năng và đức độ của ông đã vượt qua biên giới, nhận được sự kính quý của các nguyên thủ và người dân nhiều nước khác.
(Nhà thiết kế LÊ SĨ HOÀNG, Chủ tịch Viện Trang phục Việt)
Tổng Bí thư gần gũi như người ông, người cha trong gia đình
Những ngày qua, tôi và anh chị em nghệ sĩ trong Đoàn luôn dõi theo tin tức liên quan đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để hiểu thêm về một nhân cách lớn của dân tộc, một người luôn hết lòng, hết sức phụng sự cho Tổ quốc đến hơi thở cuối cùng.
Những lời chỉ đạo của Tổng Bí thư, đối với chúng tôi, chân tình như lời dặn dò, chỉ bảo của một người ông, người cha nói với các con các cháu, nhẹ nhàng màý nghĩa, giá trị biết bao. Những câu từ ông dùng không sáo rỗng, không khoa trương, không hàn lâm mà vô cùng thiết thực.
Chúng tôi luôn nhớ lời Bác Hồ đã căn dặn: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, nên từ lâu, lực lượng văn nghệ sĩ chúng tôi nỗ lực, say mê biểu diễn, sáng tạo, góp thêm cho đời những cung bậc thăng hoa… Bản thân tôi vàcác anh chị em trong nghề luôn phấn đấu hết lòng vì nghệ thuật. Chúng tôi tự thấy mình may mắn khi những năm qua dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhànước vàbản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã luôn quan tâm chỉ đạo, sát cánh kề vai với ngành Văn hóa, với đội ngũ văn nghệ sĩ. Điều này như một “tấm pin” cung cấp nguồn năng lượng vô cùng quý giá để nuôi dưỡng tâm hồn của những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” chúng tôi.
(NSƯT NGỌC KHANH, Trưởng đoàn Hát Bội - Tuồng cổ Ngọc Khanh )