Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Nhà lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm đến công tác văn hóa và văn học, nghệ thuật

THÙY TRANG - SƠN THÙY (thực hiện)

VHO - “Không văn hoa, sáo rỗng, không hàn lâm kinh điển, không học hàm, học vị, không chức vụ, quyền uy. Rất mộc mạc, giản đơn nhưng đầy sự kính trọng, nghĩa tình. Đó là trí tuệ và nhân cách, là phong cách và phẩm giá của Cụ…”, đó là một trong những tình cảm của đông đảo bạn đọc Văn Hóa gửi về Tòa soạn bày tỏ sự tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Văn Hóa xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gần xa.

Nhà lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm đến công tác văn hóa và văn học, nghệ thuật - ảnh 1

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm đồng bào các dân tộc tại xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế

“Những chỉ đạo của Tổng Bí thư mang tính định hướng cho sự phát triển văn hóa của đất nước trong giai đoạn mới”

Nhà lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm đến công tác văn hóa và văn học, nghệ thuật - ảnh 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất thân từ lò đào tạo khoa học xã hội và nhân văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông lại là GS.TS phụ trách nhiều chức vụ quan trọng, đứng đầu Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã chỉ đạo rất nhiều vấn đề về lĩnh vực văn hóa của nước ta, thể hiện rõ nhất là bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 để triển khai những vấn đề mà Nghị quyết Đại hội thứ XIII của Đảng đề ra.

Từ những chỉ đạo ấy đã khơi nguồn cảm hứng và động lực để các cấp, các ngành và toàn xã hội có những việc làm cụ thể, thiết thực để phát triển văn hóa, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Thông qua các phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã toát lên những điểm quan trọng về đường lối văn hóa của Đảng ta từ xưa đến nay, từ Đề cương Văn hóa 1943 cho đến Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 33 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, và những vấn đề chung của ngành Văn hóa, thể hiện tính chất xác định vai trò, vị trí của văn hóa trong sự phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định lại quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, đó là “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển đất nước… nhằm phản ánh những cái mới mà hiện nay chúng ta đang nghiên cứu, đó là các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư mang tính định hướng cho sự phát triển văn hóa của đất nước trong sự phát triển chung, đưa vai trò văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không những là người lãnh đạo, chỉ đạo về văn hóa, mà còn là một nhà văn hóa, phản ánh qua các công trình, tác phẩm, những cống hiến của ông trong lĩnh vực văn hóa.

Ông vừa là nhà lãnh đạo, là một nhà khoa học nên nắm rất kỹ về lý luận, đồng thời vừa phản ánh thực tiễn sâu sắc của đất nước, nhu cầu phát triển của đất nước, nằm trong hệ thống phát triển chung của thời đại hiện nay.

(PGS.TS PHAN XUÂN BIÊN)

“Cuốn sách của Tổng Bí thư là di sản, kim chỉ nam, động lực…

Nhà lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm đến công tác văn hóa và văn học, nghệ thuật - ảnh 3

Cá nhân tôi cũng như toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ của TP.HCM khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, đã vô cùng bàng hoàng và không dám tin đó là sự thật, không muốn đó là sự thật. Điều đó cho thấy sự yêu quý của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vô cùng to lớn. Về sự nghiệp văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng, tôi không so sánh mà tôi cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo Đảng rất quan tâm đến công tác văn hóa và văn học nghệ thuật.

Nói theo một cách lý tính, từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên năm 1946 cho đến Hội nghị Văn hóa lần thứ hai 1948, thì sau đó mãi đến 2021, Đảng và Nhà nước mới có được một hội nghị quy mô toàn quốc bàn về văn hóa. Trong lịch sử dân tộc, có hai đời lãnh đạo Đảng, Nhà nước triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc là Chủ tịch Hồ Chí Minh (1946) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2021), cũng là hai vị lãnh đạo cao nhất có tác phẩm riêng về lĩnh vực văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh có rất nhiều tác phẩm về văn hóa, tiêu biểu là tác phẩm Đời sống mới; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cả hai vị lãnh đạo đã rất xem trọng và đặt văn hóa đúng vị trí nền tảng tinh thần của xã hội.

Đối với những người làm văn hóa đều có cảm nhận rằng, với những phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, ngoài câu chuyện nhắc lại những lời dặn của Bác Hồ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, ông đã tiếp tục nhấn mạnh, “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội…”. Sau Hội nghị ấy, giới văn nghệ sĩ đều hiểu rằng Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư đã quan tâm đến văn hóa như vậy thì mọi người đã có thêm động lực rất lớn, cùng suy nghĩ làm sao phải có được những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang tính tư tưởng lớn hơn, đáp ứng lòng mong mỏi của Tổng Bí thư. Từ đó, trong sáng tác văn học, nghệ thuật, anh chị em văn nghệ sĩ đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Lời chỉ đạo, nhắn nhủ của Tổng Bí thư đã tác động rất lớn, như là lời hiệu triệu, mọi người hiểu rằng văn hóa nói chung và văn học, nghệ thuật nói riêng không có cảm giác bị bỏ rơi như trong một thời gian khá dài trước đó.

Năm 2023 vừa qua, chúng ta tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Gần đây, chúng ta có Kết luận 84 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23… Tôi nghĩ rằng liên tiếp có những chỉ đạo như vậy trong thời kỳ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, chỉ đạo đã cho thấy sự quan tâm của Đảng và bản thân Tổng Bí thư đến sự nghiệp văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung của đất nước.

Ngày 16.7 vừa qua, tôi ra Hà Nội dự sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Cuối buổi sơ kết, Thường trực Đoàn Chủ tịch có thông báo sẽ tặng mỗi thành viên đoàn chủ tịch của Liên hiệp các Hội VHNT một quyển sách mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết về văn hóa, đó là quyển: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi rất cảm động khi cầm cuốn sách trên tay, cảm giác ấy còn hơn cả khi tôi nhận những bằng khen mà cá nhân tôi được nhận trong hoạt động văn học, nghệ thuật, có lẽ rằng quyển sách là di sản, là kim chỉ nam, làm động lực để tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng những người làm văn hóa giai đoạn mới.

(KTS NGUYỄN TRƯỜNG LƯU, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP.HCM)

“Bác Trọng đã sống vì nước, vì dân đến tận hơi thở cuối cùng”

Nhà lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm đến công tác văn hóa và văn học, nghệ thuật - ảnh 4

Cuối năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 54 thể hiện đầy đủ, toàn diện chủ trương và sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Xuất phát từ quan điểm “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế” với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá; công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Thông điệp cơ bản của Nghị quyết 54 cũng chính là tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Huế nhất thiết khẳng định được mình trong tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không gì khác là trên nền tảng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan môi trường và thông minh. Văn hóa Huế, con người Huế hiển hiện trực quan, sinh động trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam thời đại mới, đa cực, nhiều chiều. Phát triển văn hóa, nền tảng tinh thần luôn phải đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, nền tảng vật chất, tạo bằng được sự hài hòa, tương hỗ trong phát triển các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại, quốc phòng an ninh...

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nỗi mất mát vô cùng to lớn của đất nước ta khi tư tưởng dẫn đường của người vẫn đang trên đỉnh thành tựu, “Lò vĩ đại” vẫn đang rực cháy. Tuy nhiên, trước lúc ra đi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kịp để lại cho Đảng, Nhà nước, dân tộc, Tổ quốc khối tài sản vô giá, nối tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường đi lên XHCN. Một hệ thống lý luận khoa học, khách quan, toàn diện, biện chứng về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị qua các công trình đồ sộ được công bố mấy năm nay. Và gần nhất là công trình “Quốc hội trong tiến trình đổi mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” vừa có lễ ra mắt hôm 16.7 vừa qua. Lời nói và việc làm của Tổng Bí thư thật sự đã trở thành biểu tượng của phẩm giá, lương tri, danh dự con người và người cộng sản lan tỏa khắp quốc gia và ra ngoài quốc tế.

“Thật cảm động, bác Trọng đã sống vì nước vì dân đến tận hơi thở cuối cùng. Sẽ có nhiều người như tôi, càng tiếc thương, kính trọng người thì càng biến những tư tưởng cao quý của người thành hành động đồng bộ, mạnh mẽ và chuyển tấm gương sáng trong, minh triết, thanh danh đến mọi vùng miền, nông thôn và thành thị, biên giới hay hải đảo, hay nơi nào xa xôi, khốn khó để lửa đoàn kết, sự thành công Việt Nam mãi trường tồn”, bà Sửu bày tỏ.

(TS NGUYỄN THỊ SỬU, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thừa Thiên Huế)

“Đó là trí tuệ, nhân cách, là phong cách và phẩm giá của Cụ”

Nhà lãnh đạo của Đảng luôn quan tâm đến công tác văn hóa và văn học, nghệ thuật - ảnh 5

Chiều 19.7 vừa qua, truyền thông báo chí của nhà nước đưa tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, dường như tôi đã khóc. Xin phép cho tôi được dùng từ “Cụ” khi nói về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bởi với tôi, danh từ đó đã hàm ẩn nhiều sự tôn kính. Cụ đã trở thành con người của lịch sử và hình ảnh, giọng nói, suy nghĩ, hành động và tất cả sự tận hiến của Cụ đã trở thành những kỷ niệm, kỷ vật, ký ức của thời gian.

Lịch sử không nên nói từ “giá như” nhưng cuộc sống thì vẫn phải diễn ra theo quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”. Đa số người dân đất Việt đã bày tỏ cảm xúc đặc biệt, bất ngờ, thương xót, tiếc nuối, từ ngoài đời đến không gian mạng trong một buổi chiều “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” từ Bắc vào Nam. Nói về Cụ, quá nhiều người đã nói, đã viết, nhất là những người đã từng có may mắn trở thành những đồng chí, đồng nghiệp, đồng môn, đồng hương. Tôi chỉ là một giáo viên phổ thông, chưa từng có may mắn được gặp gỡ, chuyện trò với Cụ. Những gì tôi biết, tôi hiểu về Cụ là không nhiều và chỉ biết từ xa.

Với tâm thế của một người dân, tôi cho rằng, nhiều năm vừa qua, đa số người dân Việt Nam đều bày tỏ tình cảm đặc biệt với Cụ khi Cụ đang sống, làm việc, phụng sự, hiến dâng. Là một giáo viên dạy Sử, cá nhân tôi nghĩ rằng, trong lịch sử hơn 94 năm Đảng Cộng sản Việt Nam, Cụ là một Tổng Bí thư đặc biệt trong một thời kỳ lịch sử đặc biệt của đất nước. Trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, tình hình chính trị và cục diện thế giới diễn ra nhiều phức tạp, khó lường tác động sâu sắc đến mọi quốc gia, dân tộc, Cụ với tư cách là người đứng đầu Đảng đã thể hiện trí tuệ, nhân cách, bản lĩnh của một Tổng Bí thư, lãnh đạo và chỉ đạo tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương có nhiều chủ trương quyết sách đúng đắn, đưa đất nước từng bước vượt qua nhiều thách thức để hội nhập và phát triển trong xu thế toàn cầu hóa.

Là một nhà giáo đang giảng dạy bậc phổ thông, trong thời kỳ mà đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, đạo nghĩa thầy trò đang dần phai nhạt và bị chi phối bởi nhiều yếu tố, thì những gì tôi biết về tình cảm, suy nghĩ và cách hành xử của Cụ với thầy cô giáo cũ càng làm cho tôi phải suy nghĩ, trăn trở. Điều cao quý và thiêng liêng mà ngày nay không nhiều người học trò cũ khi đã trở thành lãnh đạo cao cấp dám làm và làm được với thầy cô ngày xưa của mình. Tôi rất xúc động và vô cùng cảm kích về một bức thư chúc Tết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi cô giáo dạy Toán của Cụ thời phổ thông nhân dịp Tết năm 2019. Chức vụ của Cụ thì to, vị trí công tác của Cụ thì rất cao, nhưng khi viết thư cho cô giáo, Cụ vẫn luôn hành xử đúng đạo lý thầy trò, Cụ vẫn luôn khiêm nhường, coi mình là một học trò bé nhỏ ngày xưa với cô.

Không văn hoa, sáo rỗng, không hàn lâm kinh điển, không học hàm, học vị, không chức vụ, quyền uy. Rất mộc mạc, giản đơn nhưng đầy sự kính trọng, nghĩa tình. Đó là trí tuệ và là nhân cách, là phong cách và phẩm giá của Cụ trong cái “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Có thể nói cảm xúc của tôi về Cụ, dành cho Cụ khi Cụ còn sống và khi Cụ đã giã từ sự sống chỉ với hai từ: Thương yêu Kính trọng. Câu nói “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Cụ như là một tâm niệm, một lời nhắc nhủ, dặn dò của Cụ đối với cá nhân tôi, với tất cả mọi người, với cán bộ, đảng viên đã và đang làm việc. Kính tiễn Cụ từ xa.

(Thầy giáo TRẦN TRUNG HIẾU, Giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An)

 “Sẽ luôn ghi nhớ tình cảm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho xã Hồng Hạ”

 Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhân dân ở xã Hồng Hạ với 5 dân tộc Pa Cô, Pa Hy, Tà Ôi, Cơ Tu, Kinh đã rất đau buồn. Nhiều người đã có mặt ở Nhà Gươl truyền thống, công trình mà Tổng Bí thư đã kịp thời chỉ đạo đầu tư xây dựng tặng cho đồng bào xã Hồng Hạ, để tổng dọn vệ sinh, chuẩn bị công tác tưởng nhớ vị lãnh đạo Đảng đáng kính.

Tôi vẫn còn nhớ như in chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hơn 10 năm trước (tháng 3.2014), lúc đó tôi vinh dự được phát biểu và chia sẻ về đời sống của đồng bào vùng cao xã Hồng Hạ đến Tổng Bí thư và nhận được lời khen, tán dương của Tổng Bí thư. Đó là những kỷ niệm khó quên của tôi. Dịp đó, Tổng Bí thư cũng đã tham quan mô hình trồng cao su của bà con, khảo sát trạm y tế và thăm trường học của con em vùng cao. Đến đâu, Tổng Bí thư cũng ân cần hỏi thăm, trò chuyện, động viên cán bộ và nhân dân địa phương. Sự gần gũi và bình dị của vị lãnh đạo Đảng đã lưu lại nhiều dấu ấn trong lòng đồng bào vùng cao A Lưới. Được biết trong chuyến công tác đó, chính quyền địa phương cũng báo cáo tình hình kinh tế, xã hội đến Tổng Bí thư và được Tổng Bí thư chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng 2 công trình: Nhà Gươl truyền thống và cầu Ưng Hong bắc qua thượng nguồn sông Bồ.

Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ tình cảm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho xã Hồng Hạ. Bà con có niềm tin son sắt vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước với tấm gương sáng của Tổng Bí thư. Chúng tôi sẽ luôn đoàn kết, không ngừng chăm lo sản xuất, vươn lên thoát nghèo; tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, cùng xây dựng quê hương ngày một đi lên.

(Già làng PI HOIH CU LAI, 77 tuổi, xã Hồng Hạ, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế)