Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
VHO - Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, khi tôi từ báo Quân khu 7 về làm ở báo Quân đội nhân dân thì đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Ủy viên Ban Biên tập, rồi làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, vì vậy chúng tôi có dịp gặp nhau trong các sự kiện chính trị đặc biệt của đất nước và nghề nghiệp.
Sau này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được giao nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước, Quốc hội… Tiếp tục con đường làm báo, chúng tôi có dịp gặp ông, càng hiểu về một người con ưu tú của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội thiêng liêng, ngàn năm văn hiến.
Nay nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, cũng như bao công dân nước Việt Nam khác, lòng chúng tôi quặn đau, tiếc thương một người anh, người đồng chí, đồng nghiệp - một nhân cách lớn, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta.
Nhà lý luận xuất sắc, kiên định mục tiêu, lý tưởng
Được đào tạo bài bản, lại thấm đẫm thực tiễn, đặc biệt thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận xuất sắc, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng. Những năm trước thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi chưa đảm nhận các nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, cánh báo chí chúng tôi đã nhận ra tố chất ấy ở ông. Kiệm lời, thận trọng trong nhận xét, đánh giá vấn đề, nhưng khi phát biểu ý kiến, ông luôn có chính kiến rõ ràng và đủ cơ sở thực tiễn, lý luận để bảo vệ quan điểm ấy. Sau này đảm nhiệm các chức vụ quan trọng như: Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương… ông luôn có nét riêng không lẫn vào ai được. Dấn thân cho sự nghiệp cách mạng khi đất nước và thế giới có nhiều biến động phức tạp, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, ông học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Trong lúc tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, khó lường, ông chủ động đề xuất “đường lối ngoại giao cây tre”. Lúc đầu không phải ai cũng thuận. Nhưng “cứ đi sẽ thành đường”. Thực tiễn chứng minh rõ điều ấy. Tổng Bí thư kiên định quan điểm duy trì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Một vấn đề lý luận vĩ mô không dễ thống nhất. Nhưng ông trăn trở, dụng công nghiên cứu, phân tích và nhận dạng “con đường đi lên CNXH ở Việt Nam”. Đây thực sự là vấn đề khó, khi Liên Xô tan rã và hệ thống XHCN thế giới sụp đổ.
Sự kiên định mục tiêu lý tưởng, khẳng định con đường đã chọn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất rõ. Sinh thời, ông dành nhiều tâm huyết và thời gian viết hàng chục cuốn sách, bài báo để phân tích, chứng minh, bảo vệ quan điểm của mình và cũng là đường lối, quan điểm của Đảng ta.
Gương mẫu và nghĩa tình
Được học tập trên đất nước của Lênin, ông hiểu nhiều về Liên Xô, đặc biệt là văn hóa. Rõ nhất, ông ảnh hưởng lý tưởng sống của những huyền thoại Xô viết, đặc biệt của tác giả “Thép đã tôi thế đấy”. “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa, ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng viết như thế và đã làm như thế. Rất nhiều chuyện thường ngày thể hiện cách sống của ông. Tôi ấn tượng với lối sống giản dị, gần gũi mọi người và tình nghĩa thầy trò, bạn học của ông. GS Hoàng Như Mai là người thầy trực tiếp dạy ông và cũng là người hướng dẫn luận văn tốt nghiệp Đại học Tổng hợp ngành Văn của tôi. Nhớ lại, sinh thời GS Hoàng Như Mai luôn lấy gương học trò cũ của mình răn dạy chúng tôi: “Làm người sống phải có thủy có chung. Càng làm lớn càng phải gương mẫu”. Khi thầy giáo của chúng tôi - GS Hoàng Như Mai qua đời, vòng hoa viếng thầy của ông ghi: “Học trò Nguyễn Phú Trọng kính viếng Thầy”.
“Cần kiệm liêm chính chí công vô tư” là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn mọi người, nhất là công bộc của dân. Ông suốt đời phấn đấu và noi gương điều ấy. Đối với bạn học cùng thời, trong đó có nhà báo, nhà giáo, ông luôn đầy đặn nghĩa tình. Mỗi lần hội trường cũ, ông cố gắng sắp xếp thời gian đến dự và đề nghị không giới thiệu chức danh hoặc bận quá thì nhờ người gửi hoa, quà để biếu thầy cô và chia sẻ cùng các bạn.
Những gì đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm được, đủ căn cứ cả về lý luận và thực tiễn để tôn vinh, đó là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời phấn đấu học tập, làm theo tấm gương đạo đức cách mạng và phong cách của Người.