Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Nhà khoa học và văn hoá lớn

PGS.TS VŨ TUẤN HƯNG, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHXH vùng Nam Bộ

VHO - Nói đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài vai trò là một nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; một nhà lãnh đạo Kiên trung - Trí - Tâm - Tài - Đức, trọn cả cuộc đời dành tâm huyết và trí tuệ cho Đảng, dân tộc Việt Nam, chúng ta còn thấy vai trò của một nhà khoa học, một nhà lãnh đạo văn hóa lớn.

Nhà khoa học và văn hoá lớn - ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1967 và sau đó học nghiên cứu sinh Tiến sĩ, năm 1992, Tổng Bí thư được phong phó giáo sư, 10 năm sau vào năm 2002, Tổng Bí thư được phong giáo sư và đã có nhiều năm làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương. Cho đến nay, với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người có học hàm, học vị cao nhất.

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, cũng như trong lĩnh vực văn hóa nói chung, Tổng Bí thư đã có nhiều tâm huyết dành cho công tác bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam. Từ những năm 1968 – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những bài nghiên cứu, bài viết sâu sắc về văn hóa. 

Gần đây, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật phối hợp với các cơ quan đã tổ chức xuất bản cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư.

Nội dung chính của cuốn sách thể hiện rõ nhận thức có tính hệ thống về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với những nội dung này, cuốn sách sẽ góp phần thúc đẩy việc phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Trong giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam, với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mạnh mẽ, Văn hóa vẫn là cội nguồn, là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Với xuất phát từ một nhà khoa học, nhà lý luận, trong suốt những năm công tác, đặc biệt trong khoảng thời gian với cương vị Chủ tịch Quốc hội và sau đó là Tổng Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có vai trò to lớn trong việc “truyền lửa”, lãnh đạo công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và nguồn lực nhân văn trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam hiện nay.

Với nhiều văn bản, phát biểu chỉ đạo, định hướng, Tổng Bí thư cùng BCH Trung ương đã xác định rõ mục tiêu “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Những định hướng này đã giúp Việt Nam bảo tồn, phát huy tốt, hiệu quả giá trị văn hóa, nguồn lực nhân văn trong giai đoạn hội nhập và phát triển vừa qua.

Như vậy, có thể nói, Tổng Bí thư – Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo kiên trung, ưu tú, một người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là một nhà khoa học, một nhà lãnh đạo văn hóa lớn – Người có vai trò to lớn trong việc “truyền lửa”, lãnh đạo công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và nguồn lực nhân văn trong bối cảnh mới của cách mạng Việt Nam hiện nay.