Những quan điểm chỉ đạo sâu sắc của Tổng bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam
VHO - Phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho người dân cả nước.
Mới đây, cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt cán bộ, đảng viên, Nhân dân cả nước.
Đối với cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều thời gian, tâm huyết có lẽ vì Tổng Bí thư sinh ra và lớn lên ở vùng đất Kinh Bắc - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, nên từ khi còn nhỏ, đồng chí đã có sự yêu thích đặc biệt với ca dao, dân ca và truyền thống văn hóa của dân tộc.
Tổng Bí thư từng học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bắt đầu từ công việc biên tập ở một tạp chí lý luận của Đảng. Sau này, nhiều năm đồng chí phụ trách công tác văn hóa - tư tưởng - khoa giáo của Đảng, cho đến khi trở thành người đứng đầu Đảng ta…
Do đó, số lượng bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn báo chí trực tiếp đề cập về văn hóa nhiều hơn so với các lĩnh vực khác. Chúng tôi khảo sát có gần 200 bài, bài viết đầu tiên của Tổng Bí thư năm 1968 là bài viết về văn hóa với chủ đề “Phong vị ca dao, dân ca trong thơ Tố Hữu” đăng trên Tạp chí Văn học, số tháng 11.1968.
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, dành nhiều thời gian, tâm huyết đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Đảng và Nhà nước, dù trên bất cứ cương vị nào, Tổng Bí thư cũng luôn đưa ra những quan điểm chỉ đạo sâu sắc về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” thể hiện rất rõ những quan điểm, chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với lĩnh vực văn hóa và là minh chứng cho thấy bước trưởng thành, phát triển về tư duy lý luận và năng lực lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bằng tư duy lý luận sắc bén và sự am tường thực tiễn, đồng chí Tổng Bí thư đã khái quát toàn diện những thành tựu, hạn chế, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân; đồng thời chỉ đạo toàn diện, sâu sắc về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền văn hóa Việt Nam trên nhiều phương diện khác nhau, bao quát hầu hết các lĩnh vực của văn hóa.
Đồng chí nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới là khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, các hệ giá trị văn hóa, phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa; chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức.
Đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, đoàn thể, Tổng Bí thư đều có những chỉ đạo cụ thể, định hướng cho sự phát triển trong thời gian tới, hoạch định đường hướng căn bản và lâu dài đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí trong cuốn sách được rút ra từ thực tiễn phong phú, khẳng định tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục, góp phần làm sáng tỏ tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa.
Tổng Bí thư luôn thể hiện quan điểm chỉ đạo nhất quán đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Điều đó thể hiện rất rõ trong nội dung xuyên suốt của cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc".
Trong đó, Tổng bí thư nhấn mạnh việc khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc; phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam, tạo nguồn lực nội sinh và động lực đột phá để thực hiện thành công mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị văn hóa mới. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân - thiện - mĩ. Nâng cao đời sống văn hóa của Nhân dân; xây dựng đời sống văn hóa vui tươi, lành mạnh, hạnh phúc; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền của đất nước.
Phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền; phát triển các phong trào văn hóa sâu rộng, thực chất; cải thiện điều kiện, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, bảo đảm sự công bằng. Đề cao, phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.
Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng; hiệu quả quản lý của Nhà nước; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp phát triển văn hóa.
Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.
Để thực hiện cuốn sách này, chúng tôi đã rà soát tổng thể các bài viết, bài phát biểu, bài nói, trả lời phỏng vấn, bài lược ghi, thư… của Tổng Bí thư về văn hóa và hình ảnh của Tổng Bí thư gắn với các hoạt động văn hóa đăng trên báo, tạp chí, các sách đã xuất bản, lưu trữ ở nhiều cơ quan, để có một cái nhìn tổng thể về mức độ bài và sự bao quát toàn diện về những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa.
Qua khảo sát đã cho thấy, các bài viết, bài phát biểu, bài nói, thư, trả lời phỏng vấn của đồng chí Tổng Bí thư rất phong phú, trên nhiều lĩnh vực như: văn hóa nghệ thuật, đạo đức, lối sống, văn hóa yêu nước, giáo dục - đào tạo, báo chí - xuất bản,… qua nhiều giai đoạn, với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Với khối lượng tư liệu lớn và hình ảnh phong phú, Nhà xuất bản đã xây dựng đề cương sơ bộ và xác định tiêu chí chọn bài, ảnh đưa vào sách. Câu hỏi đặt ra với chúng tôi là, làm sao để các bài chọn in vừa thể hiện được rõ nét những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa, lại vừa bao quát được hết những vấn đề, những lĩnh vực cụ thể mà Tổng Bí thư đã dành tâm huyết chỉ đạo, căn dặn đối với từng ngành, từng lĩnh vực.
Các bài viết được chọn lọc đều mang dấu ấn và thể hiện quan điểm, tư tưởng, sự chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa, hội nghị văn hóa, các buổi làm việc với cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa, các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức đang hoạt đọng trong lĩnh vực văn hóa trên mọi miền Tổ quốc. Việc lựa chọn tư liệu, sắp xếp bài viết, tiêu đề cũng được tính toán để làm thế nào cuốn sách bảo đảm được tính logic về hình thức, cấu trúc, tính khoa học, tính chính trị và có độ chính xác cao.
Đối với các hình ảnh in trong cuốn sách, qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy có rất nhiều hình ảnh quý mà nhìn vào những bức ảnh đó sẽ nói lên rất nhiều điều. Ví dụ như: chúng tôi thấy, trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo.
Trong cuốn sách có hai bức thư Tổng Bí thư viết tay, gửi thăm thầy, cô giáo cũ khi đã ở cương vị cao nhất là Tổng Bí thư. Hoặc có những bức ảnh lần đầu tiên công bố như bức ảnh ngày 27 Tết năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng (Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư cũng gói bánh chưng). Rồi ảnh đọc sách báo hằng ngày của Tổng Bí thư trong bệnh viện… rất giản dị, nhưng cũng thật sâu sắc.
Điều đó nói lên rằng, bên cạnh tầm văn hóa, tư duy văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa.
Tác phẩm "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt trong thời điểm này có ý nghĩa chính trị và lý luận sâu sắc, đó là: Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và đang nỗ lực, đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Và đặc biệt, hiện nay chúng ta đang chuẩn bị Văn kiện cho Đại hội XIV của Đảng, tổng kết 40 năm đổi mới, do đó, việc hệ thống hóa những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam có ý nghĩa sâu sắc, giúp chúng ta có thêm những luận cứ để khẳng định vai trò to lớn của văn hóa trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước; để văn hóa ngang hàng với kinh tế và chính trị; để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực nội sinh cho quá trình phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có những bước chuyển biến quan trọng, từ nhận thức đến hiệu quả hành động, từ trung ương đến địa phương, sau hơn hai năm thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021. Do đó, cuốn sách là một đóng góp quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Hiện nay, tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số,... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa. Việt Nam có nhiều cơ hội để giao lưu, tiếp xúc văn hóa, tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp của thế giới nhưng đi liền với đó cũng dễ đánh mất bản sắc văn hóa, nguy cơ đồng dạng hóa các giá trị văn hóa theo một khuôn mẫu.