Về Lại Đà nghe kể tấm gương đức độ của Tổng Bí thư

NGỌC TRUNG - HUY AN

VHO - Người dân thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) đau xót trước thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhưng rất đỗi tự hào vì một tấm gương đạo đức sáng ngời, trọn đời vì nước, vì dân. Hình ảnh một người lãnh đạo sống cuộc đời giản dị, chân thành và hết mực chính trực, liêm khiết vẫn vẹn nguyên trong ký ức bà con, chòm xóm nơi đây.

Về Lại Đà nghe kể tấm gương đức độ của Tổng Bí thư - ảnh 1
Cổng làng thôn Lại Đà

 Nét trầm buồn bên kia sông Đuống

Từ trung tâm TP Hà Nội, qua cầu Chương Dương, rẽ sang cầu Đông Trù, thôn Lại Đà nằm bên kia sông Đuống, những ngày này phảng phất nét trầm buồn. Từ sáng sớm ngày 20.7, sau khi thông tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, không ai bảo ai, dân làng cùng nhau dọn dẹp sạnh sẽ từ sân đình, nhà văn hóa đến từng con ngõ để chuẩn bị tiễn đưa Tổng Bí thư.

“Từng gốc cây, ngọn cỏ như vẫn thấy bóng dáng bác Trọng (cách gọi cung kính và trìu mến của người dân nơi đây). Ngày trước, mỗi lần về quê, bác Trọng lại ngồi trên bậc thềm đối diện cổng nhà để trò chuyện cùng bà con chòm xóm. Gần gũi mà mộc mạc lắm. Ai đi qua bác cũng giơ tay chào hỏi, niềm nở tươi cười. Không xa cách gì hết”, cụ Nguyễn Thị Bình, một người dân sống trong thôn nhớ lại. Mắt mờ, chân chậm, lưng còng, bà cụ đã gần 90 tuổi này ra đầu ngõ ngóng nhìn như muốn tìm lại hình ảnh Tổng Bí thư. “Mỗi lần Bác về, cả xóm như mở hội. Từ bậc cao niên đến trẻ nhỏ, ai ai cũng nô nức”, cụ kể. Thế nhưng, làng Lại Đà từ nay sẽ vắng bóng người con thân thương trở về.

Về Lại Đà nghe kể tấm gương đức độ của Tổng Bí thư - ảnh 2
Cụ Nguyễn Thị Bình

“Thương bác lắm!”, ngồi bên bậu cửa căn nhà gạch ba gian cũ kỹ, đơn sơ, bà Lương Thị Dung nghẹn ngào nói trong nước mắt, “từ lúc nghe tin bác mất, tôi cứ bần thần xót xa. 80 tuổi người ta vui vầy bên con cháu, đằng này cả một đời lo việc nước, việc dân, chưa được nghỉ ngơi ngày nào”. Bà Lương Thị Dung và Tổng Bí thư có mối quan hệ họ hàng. “Bà nội tôi với bố bác Trọng là anh em ruột. Họ hàng ruột thịt đấy, nhưng cấm có nhờ vả được bác. Bác bảo con cháu ai học hành được thì tự cố gắng tu dưỡng, làm việc chứ không xin xỏ, tư lợi cho bất kỳ ai. Vì việc nước, bác hy sinh nhiều lắm. Đến tang chị cũng không về được vì phải đi công tác”, bà Dung cho biết thêm.

 Bác Trọng ngày xưa học giỏi nức tiếng cả vùng. Lớn lên Bác thoát ly, làm lãnh đạo bao nhiêu năm nhưng nhất mực liêm khiết, không tơ hào, chỉ lo cho dân, cho nước sao cho ngày càng vững bền, phát triển. Cái đức độ ấy cũng là được thừa hưởng từ ông cụ thân sinh. Ông cụ ngày xưa tóc bạc, râu dài, trông quắc thước lắm, dù một nắng hai sương đến mấy cũng giữ gìn nề nếp, gia phong.

(Bà LƯƠNG THỊ DUNG, người dân thôn Lại Đà)

Bà lại kể, thôn Lại Đà vốn là vùng quê giàu truyền thống hiếu học, nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy nghèo nhưng các cụ thân sinh vất vả đến mấy vẫn lo cho con cái học hành nên người. “Bác Trọng ngày xưa học giỏi nức tiếng cả vùng. Lớn lên Bác thoát ly, làm lãnh đạo bao nhiêu năm nhưng nhất mực liêm khiết, không tơ hào, chỉ lo cho dân, cho nước sao cho ngày càng vững bền, phát triển. Cái đức độ ấy cũng là được thừa hưởng từ ông cụ thân sinh. Ông cụ ngày xưa tóc bạc, râu dài, trông quắc thước lắm, dù một nắng hai sương đến mấy cũng giữ gìn nề nếp, gia phong”, bà Lương Thị Dung chia sẻ.

Tất bật quét dọn đường sá để chuẩn bị đón tiếp thân nhân gia đình Tổng Bí thư cùng các đoàn khách về thăm quê, thắp những nén nhang thơm đưa tiễn người con kiệt xuất của quê hương, trên nét mặt cương nghị của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam Trịnh Xuân Giang man mác nét trầm buồn. “Với cương vị là quân nhân, là người dân huyện Đông Anh, tôi luôn cảm thấy tự hào vì quê hương đã sản sinh ra một nhân tài kiệt xuất, một vị lãnh đạo lỗi lạc như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sự ra đi của Tổng Bí thư là mất mát lớn, nhưng công lao của bác đối với đất nước, sự chính trực, liêm khiết của bác sẽ mãi mãi là tấm gương sáng để thế hệ trẻ chúng tôi noi theo”, anh Trịnh Xuân Giang nói.

Về Lại Đà nghe kể tấm gương đức độ của Tổng Bí thư - ảnh 3
Người dân thôn Lại Đà dọn dẹp vệ sinh môi trường phong quang sạch sẽ. Ảnh: VOV

“Tôi chỉ là người con của thôn làng”

Càng bước đi trên đường quê Lại Đà, Đông Hội, chúng tôi lại càng cảm nhận được sự chân thành, giản dị và hết mực chính trực, liêm khiết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ai ai cũng rưng rưng, nghẹn ngào bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi quá nhanh đến bất ngờ của Tổng Bí thư.

Ông Ngô Quý Dục, bạn đồng niên của Tổng Bí thư không khỏi xót xa. Ông Dục cho biết, từ bé đến lớn, ông Nguyễn Phú Trọng luôn là người hiền lành, đức độ, tình cảm, ấm áp. Đến lúc làm Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư rồi mà vẫn gần gũi với mọi người, hết lòng lo cho dân, cho nước. “Đạo đức cách mạng, sự liêm khiết, chính trực của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nói cả ngày cũng không hết. Ông ấy luôn vì cái chung, chưa từng suy nghĩ cục bộ, tư lợi bao giờ. Nhớ có lần tôi nói: “Anh Trọng ơi, anh xem làm lại ngõ ngách trong làng cho mọi người đi lại thuận tiện hơn”. Ông ấy ôn tồn nói: “Đường sá quê mình như thế này là tốt lắm rồi, đi lại trên các vùng cao còn khổ sở hơn nhiều mà còn chưa lo hết được cho đồng bào”. Câu trả lời nhẹ nhàng, sâu sắc ấy của anh Trọng khiến tôi thêm phần cảm phục”, ông Ngô Quý Dục nhớ về người bạn đồng niên của mình.

Về Lại Đà nghe kể tấm gương đức độ của Tổng Bí thư - ảnh 4
Ông Ngô Quý Dục

Khắp thôn Lại Đà, khi được hỏi, ai cũng kính nể về đức độ, ứng xử mộc mạc, chân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính vì không để xảy ra tư tưởng giúp đỡ vào vị trí này, vị trí kia trong người thân họ hàng, người quen biết mà người dân thôn Lại Đà ai cũng biết và kính trọng về tấm gương vì nước, vì dân, sống trọn đời chính trực, liêm khiết, chí công, vô tư của người đứng đầu đất nước - người con của mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Không chỉ là tấm gương về sự liêm khiết, chính trực, những câu chuyện, những hình ảnh giản dị về người con lỗi lạc của mảnh đất này luôn thấm đẫm trong từng lời kể của người dân nơi đây. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, từ lâu ông đã là người của dân, của nước, cả một đời lo cho dân, cho nước, nhưng mỗi lần về thăm quê, Tổng Bí thư luôn hướng về quê hương nguồn cội bằng tình cảm chân thành, mộc mạc, giản dị nhất.

Người dân nơi đây cho biết, khi nắm giữ những trọng trách, chức vụ cao, những lần về thăm quê có ít hơn. Tuy vậy, vào dịp lễ Tết, Tổng Bí thư vẫn dành thời gian về nhà, thăm hỏi người dân. Mỗi lần về làng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn ân cần hỏi thăm làng xóm, bạn bè và để lại những kỷ niệm tốt đẹp trong mắt người dân. Tổng Bí thư thăm dân làng, chúc thọ các cụ cao niên, chuyện trò với hàng xóm, láng giềng trong không khí rất thân tình, không có khoảng cách. Mỗi lần về, ông chỉ nói: “Tôi chỉ là người con của thôn làng”.

Vùng quê bên kia sông Đuống vẫn thật đẹp tươi, vẫn “xanh xanh bãi mía bờ dâu, vẫn ngô khoai biêng biếc”, xa xa vẳng đến tiếng chuông chùa như để kính tiễn đưa một người con của quê hương Đông Anh, một nhân cách lớn của dân tộc.