Tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

Trái tim người cộng sản luôn dành chỗ cho tình yêu đời, yêu người, yêu văn học nghệ thuật...

PGS.TS. ĐỖ LỆNH HÙNG TÚ, CHỦ TỊCH HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

VHO - Ai cũng nghĩ một ngày buồn như hôm nay sẽ đến, nhưng chẳng muốn rằng nó sẽ đến hôm nay.

Trái tim người cộng sản luôn dành chỗ cho tình yêu đời, yêu người, yêu  văn học nghệ thuật... - ảnh 1

Đồng chí Hà Xuân Trường trao tặng kỷ niệm chương cho nhà báo Nguyễn Phú Trọng, ảnh: tư liệu

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tạo nên những hụt hẫng, mất mát to lớn với toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đông đảo văn nghệ sĩ và người làm công tác báo chí, xuất bản…

Sinh thời, Tổng Bí thư từng là một nhà báo đích thực. Nhìn hình ảnh đồng chí Hà Xuân Trường trao tặng kỷ niệm chương cho phóng viên Tạp chí Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, khi ấy còn rất trẻ đã cho thấy sự cống hiến và trưởng thành của người làm báo chân chính. Tổng Bí thư là một nhà nghiên cứu khoa học, lý luận đúng nghĩa với rất nhiều tác phẩm đã in thành sách để lại cho đời sau. Những trang viết đầy ắp kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của ông thể hiện sự cẩn trọng, cân nhắc qua từng ngôn từ, câu chữ - mà tác giả - người trực tiếp “cày ải” trên cánh đồng chữ nghĩa đã dành cho nghiên cứu lý luận rất nhiều thời gian, công sức.

Thực tế, để viết và hoàn thành một cuốn sách, đặc biệt trong lĩnh vực chính trị, xã hội không chỉ đòi hỏi sự tâm huyết của tác giả mà còn cần có sự thông tuệ, khả năng tu từ, nền tảng kiến thức khoa học mang tầm quốc tế. 

Để ý thấy rõ, những năm tháng cuối đời, Tổng Bí thư, GS. TS Nguyễn Phú Trọng dường như quan tâm nhiều hơn, làm việc nhiều hơn với công tác lý luận. Từng là “dân” học chuyên ngành văn, ông đã làm luận văn xuất sắc về thơ Tố Hữu. Có thể thấy, trong con người ông là sự kết tinh đầy đủ phẩm cách của nhà lãnh đạo chính trị, song vẫn đầy ắp tính nhân văn chan chứa tình người.

Trái tim người cộng sản luôn dành chỗ cho tình yêu đời, yêu người, yêu  văn học nghệ thuật... - ảnh 2
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn nghệ sĩ, người làm văn hóa bên lề Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021. Ảnh: TRẦN HUẤN

Trên diễn đàn nhiều cuộc họp Trung ương, bên cạnh những lập luận mang tính chỉ đạo, Tổng Bí thư còn nêu những dẫn chứng thơ, văn phù hợp với từng ngữ cảnh. Trái tim người cộng sản luôn phải rèn thành gang, thành thép để vững vàng, kiên trung nhưng vẫn dành chỗ xứng đáng cho tình yêu đời, yêu người, yêu thơ, yêu văn học nghệ thuật.

Tổng Bí thư đã luôn dành cho văn nghệ sĩ tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021, Tổng Bí thư chia sẻ: “Từ ngày 24.11.1946, hôm nay mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hoá với quy mô lớn thế này”. 

Với tầm nhìn của nhà lãnh đạo hiểu biết ngọn ngành, thấu đáo, ông vừa động viên những người làm văn hóa, văn học nghệ thuật nhưng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá, vì “chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí”.

 Tổng Bí thư cũng mổ xẻ việc “phát triển các lĩnh vực văn hoá chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Nhiều di sản văn hoá quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong. Nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc, nói nặng ra là "vô văn hoá", "phản văn hoá"...".

Trái tim người cộng sản luôn dành chỗ cho tình yêu đời, yêu người, yêu  văn học nghệ thuật... - ảnh 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tháng 7-2023. Ảnh: TRÍ DŨNG 

Ngày 25.7.2023, nhân lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ rõ: “một số văn nghệ sĩ phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ nghĩa vụ công dân, trách nghiệm xã hội, vì thế tác phẩm của những cá nhân này xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, đời sống nhân dân dẫn tới phát ngôn, xuất bản sách báo, sử dụng mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, nặng về cảm tính, thậm chí là cực đoan”“những thành tựu văn học nghệ thuật đạt được trong những năm qua nhưng có những mặt còn chưa tương xứng với sự đổi mới của Đảng và đất nước; chất lượng chưa hài hòa với số lượng, chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự hút và quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan tỏa làm rung động lòng người, còn ít tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ nổi tiếng...

Tiếc thương một nhà lãnh đạo như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hôm nay, trong niềm xúc động nghẹn ngào, tôi đã thấy rất nhiều người dân, rất nhiều  người làm công tác văn hóa, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo, trong đó có nhiều nghệ sĩ điện ảnh – truyền hình đã khóc (!).

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc