Gây quỹ cộng đồng trong lĩnh vực xuất bản sách:

Phép cộng giữa tác giả và bạn đọc

THANH NGỌC

VHO - “Phá vỡ” rào cản của xuất bản truyền thống, phương thức gây quỹ cộng đồng ngày càng nhiều tác giả lựa chọn, bởi đây là cơ hội để họ cho ra mắt những tác phẩm, sáng tạo, kết nối với độc giả… Xu hướng này đã và đang mở ra hướng đi mới, mang đến nhiều lợi ích cho cả người viết và giới mộ điệu.

Phép cộng giữa tác giả và bạn đọc - ảnh 1
Gây quỹ cộng đồng được nhiều tác giả lựa chọn để đưa sách đến với độc giả Ảnh: ITN

 Cơ hội cho xuất bản, lan tỏa tri thức

Sự xuất hiện của nền tảng gây quỹ cộng đồng (crowdfunding) Kickstarter vào năm 2009 đã làm thay đổi ngành xuất bản sách thế giới. Đến nay, đã có hàng chục nghìn dự án sách gây quỹ cộng đồng thành công trên nền tảng này với tổng số tiền lên tới hàng trăm triệu USD.

Tại Việt Nam, đây cũng là một trong những phương thức được triển khai thời gian qua, nhằm hiện thực hóa những ý tưởng, dự án sáng tạo, trở thành một trong những cách phổ biến để có thể xuất bản, lan tỏa sách đến với bạn đọc.

Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực gây quỹ cộng đồng cho các dự án sáng tạo của tác giả trẻ suốt 10 năm qua, ông Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Comicola cho biết: “Đây không phải ý tưởng mới mẻ hoặc mới xuất hiện. Hoạt động tương tự đã có từ nhiều thế kỷ trước, như cách nhạc sĩ Mozart và Bethoven gọi vốn để có thể tổ chức các buổi hòa nhạc và phát triển sản phẩm âm nhạc mới. Tuy nhiên, từ những năm 2010, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, mô hình gây quỹ cộng đồng trên nền tảng Internet ngày càng trở nên phổ biến”.

Tiên phong trong lĩnh vực này tại Việt Nam, Comicola bắt đầu triển khai gây quỹ cộng đồng từ năm 2014, với tác phẩm truyện tranh Long Thần Tướng. Dự án đạt được thành công ngoài mong đợi, với hơn 1 tỉ đồng thu được. Gần 10 năm qua, Comicola duy trì hoạt động xuất bản truyền thống và vẫn vận hành nền tảng gây quỹ cộng đồng cho khoảng 2-3 dự án mỗi năm. Đa phần đây là những dự án có nội dung, hình thức thể hiện khác biệt, chẳng hạn như cuốn truyện tranh Long Thần Tướng - tác phẩm Việt Nam đầu tiên được giải Bạc cuộc thi truyện tranh quốc tế International Manga Award do Bộ ngoại giao Nhật Bản tổ chức, phiên bản tiếng Tây Ban Nha được đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ban Nha chọn là một trong 10 tác phẩm truyện tranh tiêu biểu năm 2018, được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân mua bản quyền để chuyển thể thành phim điện ảnh; hay Dệt nên triều đại, cuốn sách nghiên cứu song ngữ về trang phục thời Lê, được thư viện Đại học Harvard, Yale, Cambridge… đưa vào hệ thống của họ.

Mới đây, nhờ gây quỹ mà cuốn sách truyện Để mẹ hạnh phúc đã được Raise - Trợ lý ảo cho cha mẹ - ra mắt độc giả, mang đến những nội dung giáo dục bổ ích và lý thú. Đại diện dự án cho biết: “Raise không thể thực hiện dự án này một mình. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ và đóng góp từ cộng đồng để có thể sản xuất những cuốn sách chất lượng cao, tiếp cận với nhiều người hơn và đem lại tác động tích cực với xã hội…”.

Cần sự hỗ trợ để mô hình gây quỹ cộng đồng phát triển

Theo phương thức truyền thống, tác phẩm chỉ được bán cho độc giả sau khi đã hoàn thiện và xuất bản. Với phương thức gây quỹ cộng đồng, tác phẩm sẽ “bán” ngay từ khi còn là bản thảo. Phương thức này cũng tạo cơ hội cho các tác giả ít tên tuổi hoặc những tác phẩm thuộc thể loại kén độc giả.

“Những dự án thành công đều có điểm chung: Tác giả của dự án đã có cộng đồng độc giả quan tâm từ trước, từng có sản phẩm truyền thống thành công và mong muốn thử nghiệm một hướng đi mới, chưa từng có tiền lệ. Do vậy, uy tín của tác giả cùng với tính đổi mới, sáng tạo và sự mới lạ là điều kiện tiên quyết để một dự án gây quỹ cộng đồng có thể thành công”, ông Nguyễn Khánh Dương nhận định.

Vừa qua, có nhiều dự án, tác phẩm, kế hoạch thực hiện gây quỹ cộng đồng, tuy nhiên, mô hình này không phải là “chiếc đũa thần vạn năng” giúp mọi dự án có thể ra đời, đến tay độc giả. Thực tế, đã có những dự án không đạt được mục tiêu gây quỹ, và ngay cả khi dự án đã có nguồn vốn để sản xuất, sẽ vẫn phát sinh những khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, đặc biệt là với sản phẩm đặc thù như sách. Từng có dự án bị hủy bỏ và hoàn tiền cho người ủng hộ do tác phẩm có nội dung quá mới lạ tại thời điểm ra mắt và không xin được giấy phép xuất bản…

Có thể thấy, gây quỹ là mô hình phù hợp với những tác giả, những nhà sáng tạo trẻ đã có cộng đồng bạn đọc trong tay và muốn trải nghiệm những ý tưởng mới. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để hỗ trợ cho mô hình gây quỹ cộng đồng phát triển, cần sự ủng hộ về mặt chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, cần nghiên cứu khung pháp lý cho hoạt động gây quỹ cộng đồng, có cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) về hoạt động gây quỹ cộng đồng nói riêng và tài chính công nghệ (fintech) nói chung. Bên cạnh đó, vì chưa từng có tiền lệ, nên hoạt động này cần nhận được sự bao dung, cởi mở của các cơ quan quản lý, để có thể đưa được sản phẩm ra thị trường…

Khi khung pháp lý và cơ chế hoàn thiện hơn, gây quỹ cộng đồng phát triển minh bạch sẽ giúp tác giả chủ động trong việc xuất bản tác phẩm, kết nối trực tiếp với độc giả. Bên cạnh đó, người đọc có cơ hội tiếp cận với tác phẩm đa dạng và phong phú hơn, có thể trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo và xuất bản sách, ủng hộ những tác phẩm tâm huyết, từ đó góp phần lan tỏa tri thức…