Tháo gỡ "điểm nghẽn", thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển:
Tăng trưởng về chiều rộng, chưa đạt tới chiều sâu
VHO - Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25.8.2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” đóng vai trò là nền tảng chính trị vững chắc cho sự phát triển của ngành Xuất bản, in và phát hành. Tuy nhiên, sau hai thập kỷ thực thi, thực tế hiện nay đặt ra những thách thức mới, yêu cầu phải có bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản nói chung, nội dung của các ấn phẩm nói riêng.
Những đòi hỏi này phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu của xã hội, cũng như sự phát triển không ngừng của công nghệ và phương thức tiếp cận thông tin, đòi hỏi ngành Xuất bản phải thích ứng và đổi mới để phục vụ công chúng tốt hơn.

Ngành Xuất bản Việt Nam trong suốt những năm qua đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là về số lượng đầu sách và bản sách, thể hiện sự phát triển không ngừng của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, dù đạt được những bước tiến đáng kể, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng chất lượng xuất bản phẩm chưa thực sự đạt đến mức độ tinh lọc và hoàn thiện cần thiết.
Thực tế cho thấy, sự thiếu vắng các công trình nghiên cứu có giá trị, cùng với tình trạng sai sót trong các ấn phẩm vẫn còn khá phổ biến, điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao chất lượng, không chỉ về số lượng mà còn về tính sâu sắc và uy tín của nội dung xuất bản phẩm.
Sách đang vươn lên “đồng hành” với đời sống
Tại Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng xuất bản phẩm trong tình hình mới do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ VHTTDL, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức mới đây, PGS. TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: Hai mươi năm qua, Chỉ thị số 42-CT/ TW là cơ sở chính trị quan trọng để hoạt động xuất bản phát triển. Đến nay, các chỉ số tăng trưởng đã đạt và vượt mức đề ra tại Chỉ thị 42 và Kết luận số 19; năng lực sản xuất của ngành Xuất bản tăng hơn 2,3 lần; tỷ lệ sách bình quân đầu người đạt 6,1 bản vào năm 2023, giúp Việt Nam lọt top 3 khu vực Đông Nam Á.
Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành đang diễn ra mạnh mẽ, với 4.500 đầu sách điện tử năm 2023, chiếm 15,3% tổng xuất bản phẩm. Ứng dụng AI, công nghệ cao trong biên tập, xuất bản, phát hành trở nên phổ biến. Xuất bản điện tử ngày càng phát triển với 32 NXB đã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này.
Xuất bản phẩm có sự phong phú, đa dạng về thể loại, đề tài, chất lượng nội dung phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Các NXB đã cho ra đời được nhiều sách lý luận, chính trị, giáo khoa, khoa học công nghệ, văn hóa, văn học nghệ thuật có giá trị…
Từ việc đọc, viết nhận xét, nghe các chuyên gia thảo luận sách trong 8 năm qua, với khoảng 10.000 cuốn sách đã được xuất bản ở nước ta, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương nêu cảm nhận: Cuộc sống trong những năm gần đây xuất hiện rất nhiều lĩnh vực mới, nhu cầu mới và sách đang vươn lên đồng hành với đời sống và cố gắng “chiếm lĩnh” các lĩnh vực này.
Từ đó, một loạt những loại sách mới xuất hiện mà trước đây còn thưa thớt và có khi vắng bóng. Bên cạnh đó, một số NXB quan tâm xây dựng các “tủ sách”, theo hướng một hệ thống sách theo dạng chuyên đề như NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ Việt Nam, NXB Thế giới, NXB Tổng hợp TP.HCM, NXB Trí thức, NXB Dân trí...
Đất nước có tới 100 triệu dân với nhiều tầng lớp, nghề nghiệp, lứa tuổi, trình độ, nhu cầu... khác nhau, các tủ sách vừa phổ cập, vừa mang tính chuyên đề như vậy thật sự cần thiết, đúng với chức năng “nâng cao dân trí” của xuất bản. Tỷ lệ sách dịch ngày càng tăng, mang đến nhiều tri thức giá trị và sự mới mẻ cho người đọc.
Còn theo đại diện Thành ủy TP.HCM, sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, hoạt động xuất bản của TP đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển nhanh về quy mô, số lượng, chất lượng, góp phần bảo đảm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới, số đầu sách hằng năm đều tăng, nội dung đa dạng, phong phú, chất lượng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Bên cạnh đó, TP cũng luôn quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển văn hóa đọc, nhiều hoạt động định kỳ đã trở thành điểm nhấn văn hóa, thu hút đông đảo người dân như Lễ hội Đường sách Tết Nguyên đán, Hội sách TP.HCM, Ngày sách và văn hóa đọc, Xe sách lưu động…
Cần đổi mới để nâng cao chất lượng và giá trị tri thức
Dù khẳng định sách ngày càng có khả năng bao quát các lĩnh vực và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đời sống đương đại, GS.TS Đinh Xuân Dũng cũng nêu ra thực tế: “Cứ cuối năm, sách phong thủy, tử vi, bói toán… lại được sao chép, xào xáo và đồng loạt xuất hiện. Kinh nghiệm cổ xưa được trình bày thoạt nhìn có vẻ “uyên bác” song trùng lặp rất nhiều và không một lý giải nào đủ sức thuyết phục.
Sách hướng dẫn kỹ năng sống là vô cùng cần thiết, đặc biệt cho tuổi trẻ, song không ít cuốn chỉ phơi bày kinh nghiệm cá nhân, coi đó là chuẩn mực chung, không dựa trên cơ sở khoa học và nhân văn cần thiết.
Sách dạy ngoại ngữ dù đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, song chất lượng một số rất đáng lo ngại, lỗi nhiều không thống kê nổi...
“Ngành Xuất bản của chúng ta những năm qua đang phát triển, tăng trưởng về chiều rộng nhưng chưa đạt tới chiều sâu. Thực tế, sách gửi đi dự Giải thưởng Sách quốc gia đạt giải cao thật hiếm hoi, trong khi nhiều sách “làng nhàng”, “vô thưởng vô phạt”, chưa kể khi gặp phải cuốn sách mắc nhiều lỗi sơ đẳng về nghiệp vụ xuất bản… Nhiều cuốn có giá trị thì số lượng in rất ít, trong khi các cuốn sách chạy theo thị hiếu nhất thời thì số lượng phát hành cao hơn gấp nhiều lần…”, GS Đinh Xuân Dũng nhận định.
PGS.TS Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị số 42-CT/ TW vẫn còn những hạn chế nhất định.
Mặc dù số lượng xuất bản phẩm phong phú, đa dạng, nhưng chưa đạt đến sự tinh lọc cần thiết; thiếu vắng các công trình có giá trị đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực.
Sách chuyên sâu như cẩm nang, hướng nghiệp, dạy nghề hay sách ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội… còn ít; vẫn còn nhiều sách chất lượng trung bình, hàm lượng tri thức và thông tin thấp.
Dù số lượng sai sót đã giảm dần, trong mấy năm gần đây không còn những cuốn sách sai phạm về chính trị tư tưởng, nhưng những sai sót ở một số chi tiết vẫn còn khá phổ biến, thậm chí có những sai phạm lặp đi lặp lại và chậm được khắc phục.
Một số lỗi đã xuất hiện từ 20 năm trước vẫn tiếp tục tái diễn, chẳng hạn như phản ánh lịch sử thiếu khách quan, không dựa trên quan điểm lịch sử cụ thể. Ngoài ra, các lỗi về văn hóa, văn phong, ngữ pháp vẫn ít nhiều tồn tại.
Đội ngũbiên tập viên các NXB tuy đã có sự tăng cường về số lượng, công tác đào tạo, bồi dưỡng biên tập viên được quan tâm, nhưng việc ứng dụng công nghệ mới, hiện đại còn nhiều hạn chế, thiếu tính hiệu quả…
Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển và hội nhập của ngành, khiến ngành Xuất bản chưa bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số và nhu cầu của độc giả trong giai đoạn hiện nay.
(Còn tiếp)