Đường Sách là thước đo yêu cầu thị trường đọc, nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm

TÙNG THƯ; ảnh: DŨNG PHƯƠNG

VHO - Ngày 11.9, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Phan Xuân Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng đoàn đã đến tham quan, khảo sát Đường Sách TP.HCM, nhân tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản”.

Đường Sách là thước đo yêu cầu thị trường đọc, nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm - ảnh 1
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy phát biểu tại buổi làm việc

Đường Sách TP.HCM có chiều dài 144m, lòng đường rộng 8m với 30 gian hàng của 5 NXB; 9 công ty sách; 4 gian sách quý – sách xưa; 2 quán café sách; 2 gian hàng quà lưu niệm và các không gian diễn ra hoạt động giao lưu, trải nghiệm dành cho bạn đọc.

Đường Sách có các không gian dành cho nghệ thuật đóng sách và phục chế sách quý; xe bus sách - thư viện mini phục vụ bạn đọc miễn phí; sân chơi thiếu nhi; sân khấu dành để tổ chức hoạt động sự kiện.

Bên cạnh đó là khu trưng bày sách hỗ trợ dạy và học dành cho học sinh; khu vực đọc sách tiếng Anh miễn phí; chiếu nghỉ để bạn đọc dừng chân đọc sách hay lòng đường phục vụ các chương trình triển lãm, sự kiện, lễ hội, sân chơi tương tác.

Đường Sách có lối kiến trúc đặc sắc với không gian mở nhưng vẫn đảm bảo được sự hài hòa kiến trúc với các cụm di tích văn hóa, lịch sử truyền thống lân cận như Nhà thờ, Bưu điện… Tất cả đã góp phần tạo dựng nên diện mạo năng động, sôi nổi, đậm nét văn hóa của thành phố.

Năm 2023, Đường Sách TP.HCM được giới chuyên môn và người tiêu dùng du lịch bình chọn là một trong 10 điểm mua sắm thú vị, được công nhận là một trong 100 điều thú vị của TP.HCM.

Đường Sách là thước đo yêu cầu thị trường đọc, nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm - ảnh 2
Ông Lê Hoàng (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu đến Đoàn khảo sát hoạt động trưng bày tủ sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh đang diễn ra tại Đường sách TP.HCM.

Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM cho biết, Ban Giám đốc Công ty Đường Sách thường xuyên phổ biến tinh thần, nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW cho toàn thể cán bộ, nhân viên, nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm của Đường Sách trong công tác điều hành các hoạt động đi đúng tinh thần, chức năng và nhiệm vụ.

Qua đó, các đơn vị hiểu rõ về vai trò của xuất bản trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn điện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập.

Đường Sách TP.HCM (thành lập tháng 1.2016), và Đường Sách TP Thủ Đức (ra đời tháng 12.2023) là nơi quy tụ các NXB, công ty phát hành sách uy tín và là nơi lưu hành, mua bán sách và vật phẩm văn hóa phục vụ nhu cầu của người dân; là con đường buôn bán cố định, lâu dài mà sản phẩm đặc thù là sách và các vật phẩm văn hóa.

Đường Sách còn là thước đo yêu cầu thị trường đọc, nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm khi bạn đọc, du khách đến Đường Sách ngày càng nhiều, đặt ra yêu cầu về chất lượng xuất bản phẩm cần được đầu tư về nội dung lẫn hình thức.

Đường Sách là thước đo yêu cầu thị trường đọc, nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm - ảnh 3
Ông Phan Xuân Thủy và Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương tham quan hoạt động đóng sách thủ công diễn ra tại Đường Sách ngày 11.9

Trong 8,5 năm qua, Đường Sách TP.HCM đã tổ chức, điều hành các hoạt động tại Đường Sách khoảng 2.000 sự kiện. Chỉ trong 6 tháng đi vào hoạt động, tại Đường Sách TP Thủ Đức diễn ra hơn 150 sự kiện phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân trên địa bàn.

Đường Sách là sân chơi của nhiều giới, nhiều lĩnh vực, trong đó có nhiều hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hóa, đặc biệt là phát triển thêm một số sân chơi văn hóa nghệ thuật tổ chức phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm thúc đẩy phát triển du lịch của thành phố.

Các hoạt động giao lưu giới thiệu sách thu hút trung bình khoảng 100 người tham dự/buổi với nhiều thể loại từ văn học nghệ thuật, nghiên cứu, khoa học công nghệ, kinh tế, lịch sử, kiến trúc, sách thiếu nhi, chính trị - pháp luật, tôn giáo, lịch sử… đáp ứng được đa dạng nhu cầu tìm đọc và nghiên cứu của bạn đọc.

Bên cạnh đó, Đường Sách còn tổ chức các hoạt động thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc với nhiều chương trình như: Phát triển văn hóa đọc cho học sinh trong nhà trường; Kết hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với hoạt động phát triển văn hóa đọc, gieo niềm tin và thói quen đọc đến với học sinh từ ghế nhà trường…

Riêng tại Đường Sách thành phố Thủ Đức có xây dựng “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” với nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm.

 Đường Sách thường xuyên phối hợp với các đơn vị xuất bản, phát hành tổ chức, huy động các nguồn lực để chăm lo phát triển nhu cầu văn hoá đọc của các tầng lớp nhân dân, thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Phối hợp với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, Hội Xuất bản Việt Nam (Văn phòng phía Nam) xây dựng kế hoạch dài hạn đào tạo, bồi dưỡng và phát triển năng lực đội ngũ…

Đường Sách là thước đo yêu cầu thị trường đọc, nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm - ảnh 4
Các đại biểu tham quan và khảo sát tại Đường Sách

Tính đến tháng 6.2024, doanh thu bán hàng của tất cả các đơn vị tại Đường Sách TP.HCM đạt hơn 345 tỷ đồng, với số bản sách bán ra đạt 5.7 triệu cuốn. Doanh thu Đường Sách TP Thủ Đức đạt khoảng 7 tỷ đồng với 90.000 cuốn sách bán ra.

Chỉ thị 42-CT/TW về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, xây dựng ngành xuất bản trở thành một ngày kinh tế toàn diện, vững chắc, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn.

Bên cạnh những kết quả, ông Lê Hoàng cũng cho hay, hoạt động về xuất bản và phát triển văn hoá đọc tại Đường Sách TP.HCM cũng còn những tồn tại nhất định trong sự tồn tại chung của ngành xuất bản.

Sự phát triển chưa đồng đều về kinh tế, văn hóa dẫn đến sự chênh lệch về cảm thụ tri thức khác nhau nên việc phát triển hoạt động xuất bản cũng còn hạn chế. Các đơn vị xuất bản, phát hành tại TP.HCM nhiều nhưng hoạt động về xuất bản và tuyên truyền xuất bản phẩm chưa được phổ biến với đông đảo bạn đọc.

Khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận kinh tế có sự ảnh hưởng đến hoạt động xuất bản; trường hợp sách giả, sách lậu, gian lận thương mại, vi phạm bản quyền vẫn tồn tại làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, ảnh hưởng đến niềm tin của người đọc.

Bên cạnh đó, các loại hình vui chơi, giải trí ngày càng nhiều, trong khi chưa có nhiều công trình văn hóa đọc hiệu quả, nhu cầu tìm đọc sách trong cộng đồng dân cư chưa phổ quát.

Do đó để chuyển dịch và thay đổi thói quen tiêu dùng và tập quán giải trí trong người dân để việc lan tỏa sách trở thành mặt hàng văn hóa thiết yếu trong đời sống cộng đồng cũng gặp không ít khó khăn.

Đường Sách là thước đo yêu cầu thị trường đọc, nâng cao chất lượng các xuất bản phẩm - ảnh 5
Sự kiện “Du hành vui cùng sách” diễn ra tại Đường Sách TP.HCM ngày 11.9

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đánh giá cao mô hình và cách thức hoạt động của Đường sách TP.HCM. Theo ông, mô hình này cho thấy sự sáng tạo trong việc lan tỏa văn hóa đọc của TP.HCM. Đường sách TP.HCM đã kết nối các NXB, công ty sách và các đơn vị phát hành, quán cà phê… để tạo ra không gian văn hóa, nơi không chỉ có sách…

Ông Phan Xuân Thủy mong muốn trong thời gian tới, Đường Sách TP.HCM tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, phát huy và lan tỏa những giá trị mà Đường Sách mang lại, nhằm đẩy mạnh các giá trị của Đường Sách trên lĩnh vực văn hóa đọc.