Hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động xuất bản

MINH HÀ; ảnh: ĐỨC HUY

VHO - Ngày 19.8, tại Hà Nội, Bộ TT&TT phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản".

Hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động xuất bản - ảnh 1
Hội thảo khoa học "Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản"

Dự và chủ trì Hội thảo có Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, trong 20 năm qua, nhịp độ tăng trưởng khoảng 6-8%/ năm, số đầu sách tăng 1,8 lần, số bản sách tăng 2,2 lần, doanh thu tăng 3,2 lần.

Năm 2022 đạt 6 bản/người/năm, năm 2023 có gần 37.000 đầu xuất bản phẩm, trên 530 triệu bản sách in và sách điện tử, đưa tỉ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 5,3 bản/người/năm.

Lĩnh vực in tăng trưởng cả về quy mô và số lượng, với tăng trưởng toàn ngành khoảng 6%. Đến năm 2023, cả ngành có trên 2.100 cơ sở in với doanh thu gần 100 ngàn tỷ, vươn mình trở ngành công nghiệp phát triển.

Tuy nhiên, quy mô của cả 3 lĩnh vực còn hạn chế với tổng doanh thu mới đạt khoảng 102.000 tỉ năm 2023. Lĩnh vực xuất bản doanh thu vượt 100 tỉ đồng/năm còn ít. Lĩnh vực in quy mô còn nhỏ lẻ, năng lực công nghệ còn hạn chế, thiết bị lạc hậu. Hệ thống phát hành phát triển không đều, nhiều yếu tố bất cập; việc đưa sách về các địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn...

Nhiều vấn đề bất cập mới đã nảy sinh đòi hỏi phải sớm có biện pháp khắc phục: Quy định về chính sách; quy định về mô hình; việc thực hiện các thủ tục hành chính; các quy định về xuất bản điện tử...

Ba nguyên nhân chủ quan dẫn đến các hạn chế, gồm: Việc thể chế hóa các nội dung, định hướng, chỉ đạo của Chỉ thị 42 còn chậm, thiếu quan tâm bố trí nguồn lực; nhận thức trách nhiệm của các cơ quan chưa đầy đủ; hạn chế, yếu kém của một bộ phận lãnh đạo.

Tại Hội thảo, các tham luận chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong quy định về chính sách; quy định về mô hình; việc thực hiện các thủ tục hành chính; các quy định về xuất bản điện tử...

Đại diện NXB Thế giới cho rằng, mô hình hoạt động, tổ chức của các nhà xuất bản hiện nay chưa thống nhất để có thể đưa ra cơ chế chính sách chung, sao cho các nhà xuất bản đều được hưởng những cơ chế, chính sách một cách hợp lý, chưa tạo điều kiện thuận lợi để một số nhà xuất bản phát huy hết nội lực của mình để phát triển.

“Ngay trong nội tại mô hình tổ chức và hoạt động của các nhà xuất bản hiện nay cũng đang tạo ra sự cạnh tranh “chưa bình đẳng”. Các nhà xuất bản theo mô hình Công ty TNHH MTV tự hạch toán, tự chủ về tài chính trong hoạt động lại phải “cạnh tranh” với các nhà xuất bản theo mô hình sự nghiệp công lập tự chủ được đảm bảo chi thường xuyên hay đảm bảo đầu tư hạ tầng, hỗ trợ chi phí”, đại điện NXB Thế giới nhấn mạnh.

Đại diện NXB Thế giới mong muốn có sự thống nhất về mô hình của các nhà xuất bản vì chỉ như vậy mới có thể đưa ra những cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển đồng nhất cho các nhà xuất bản.

Cần phải xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp các NXB với tư cách là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng.

Đó là cơ chế, chính sách về giá thuê nhà đất, trụ sở, về miễn, giảm các loại thuế, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ, ưu đãi lãi suất vay vốn ngân hàng, các dự án đặt hàng lâu dài, có chiều sâu…

Đại diện NXB Trẻ đề xuất cải cách thủ tục hành chính phù hợp yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đã đưa ra các giải pháp chính: Đẩy nhanh hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; hoàn thiện bộ thủ tục hành chính về xuất bản, in và phát hành.

Nghiên cứu, ứng dụng nền tảng số để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền, sách lậu, sách giả; nâng cao vai trò lãnh đạo, quản lý của Cục Xuất bản, In và Phát hành trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Công ty Cổ phần Phát hành Sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa) cho biết, năm 2023 của Fahasa đạt hơn 3.900 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến đạt doanh thu 4.000 tỉ đồng, nhân sự là 2.100 người.

Tuy nhiên, nhìn nhận về những hạn chế, khuyết điểm, Fahasa cho rằng, hiện chưa có nhiều giải pháp cạnh tranh mạnh mẽ để phối hợp với các đơn vị xuất bản góp phần giảm vấn nạn sách giả sách kém chất lượng trên thị trường, đặc biệt là trên các nền tảng kinh doanh online.

Công tác phát hành sách trực tiếp vào các thư viện ở các trường học, thư viện ở các tỉnh, các cơ quan ban ngành còn nhiều hạn chế.

Hoàn thiện cơ chế chính sách cho hoạt động xuất bản - ảnh 2
Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, trong 20 năm qua, nhịp độ tăng trưởng khoảng 6-8%/ năm

Các nguyên nhân được xác định, gồm: Tình trạng sách giả ngày càng nhiều; chưa đầu tư đội ngũ nhân sự; chính sách bán hàng chưa linh hoạt.

Thời gian tới, Fahasa và nhiều đơn vị xác định tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển hệ thống nhà sách chuyên nghiệp, hiện đại nhằm góp phần đem những xuất bản phẩm chất lượng đến phục vụ người dân trên khắp các mọi miền đất nước, bảo đảm nguồn sách phục vụ cho học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu khi có nhu cầu học hành, tham khảo…. qua đó góp phần nâng cao văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho xã hội.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác uy tín ở nước ngoài, mở thêm các nhà sách, gian hàng sách Tiếng Việt tại các nước để phục vụ bạn đọc là các du học sinh, Việt kiều, người nước ngoài yêu thích văn hóa Việt Nam, góp phần mở rộng thị trường, giới thiệu và phát hành sách của các nhà xuất bản trong nước ra nước ngoài.

Về lĩnh vực in, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh trong phân khúc sản phẩm in chất lượng cao trong nước do sự chênh lệch về lợi thế cạnh tranh, năng lực tiếp thị, trình độ công nghệ và năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị chất lượng sản phẩm.

Vì thế, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp in cần có sự cải cách, sửa đổi, bổ sung về mặt thể chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp in phát triển vững chắc và hài hòa hơn.

Phát triển xanh và chất lượng cao sẽ trở thành xu hướng phát triển công nghệ của ngành in trong tương lai.

Vì thế, đại diện Công ty Cổ phần In Công đoàn Việt Nam đề nghị: Cần đẩy mạnh nghiên cứu xu hướng phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp in để phù hợp với tình hình kinh tế.

Cần nghiên cứu triển khai thí điểm phát triển mô hình nhà máy in thông minh; Xây dựng 4 tiêu chuẩn ứng dụng công nghiệp in bao gồm: Tiêu chuẩn chung cơ bản, thiết bị in thông minh, nhà máy in thông minh, dịch vụ in thông minh.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thuỷ khẳng định, những vấn đề đặt ra tại hội thảo là cơ sở vô cùng quan trọng, cần thiết để Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam lắng nghe, ghi nhận những đề xuất của các NXB, đơn vị in, phát hành.

Cùng nhau nghiên cứu, phối hợp, đề xuất các giải pháp căn cơ trong quá trình tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; kịp thời tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng có chủ trương, đường lối mới, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định sẽ tiếp thu và sẽ cụ thể hoá để thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển hơn nữa trong thời gian tới.