Việc tăng trưởng ở mọi chỉ số cho thấy sự nỗ lực của ngành Xuất bản
VHO - Sáng ngày 31.7, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ TTTT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2024 nhằm đánh giá công tác xuất bản 6 tháng đầu năm và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2024.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm ; Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn chủ trì Hội nghị.
Báo cáo đánh giá hoạt động xuất bản và nội dung xuất bản 6 tháng đầu năm 2024, Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản Tống Văn Thanh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các nhà xuất bản đã thực hiện xuất bản 25.510 cuốn với gần 397,8 triệu bản (tăng gần 19% về cuốn và tăng 31% về bản).
Trong đó, Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 23.066 cuốn với hơn 370 triệu bản (tăng 20% về cuốn và tăng hơn 29% về bản); Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.550 xuất bản phẩm (tăng 1,4%); Xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 894 xuất bản phẩm với hơn 27,2 triệu bản (tăng 29% về số xuất bản phẩm và tăng gần 63% về bản).
Về nội dung xuất bản phẩm, đã xuất bản nhiều ấn phẩm chất lượng, có giá trị lý luận và thực tiễn, phục vụ tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước, ngành, địa phương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xuất bản các ấn phẩm đa dạng về đề tài, chuyên sâu về nội dung, phát huy vai trò định hướng giáo dục, thẩm mỹ cho bạn đọc; tăng cường khai thác bản quyền, xuất bản các đầu sách dịch, đưa xuất bản phẩm Việt Nam ra quốc tế, phục vụ công tác thông tin đối ngoại Đảng, Nhà nước;...
Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành xuất bản tiếp tục được đẩy mạnh. Các định dạng sách nói, audio book, sách tương tác... tiếp tục tăng mạnh, tạo đà cho văn hóa đọc phát triển.
Trong 6 tháng đầu năm, có thêm 4 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Thái Nguyên, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Nhà xuất bản Thông tấn, nâng số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử sẽ tăng lên thành 28/57 nhà xuất bản.
Con số tăng trưởng về số đầu sách, bản sách trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường thế giới cũng như trong nước cho thấy hoạt động của ngành xuất bản trong 6 tháng đầu năm vẫn duy trì nhịp độ tăng ổn định, đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát nhấn mạnh, việc tăng trưởng dương ở mọi chỉ số của ngành Xuất bản cho thấy sự quyết tâm của toàn ngành.
“Con số gần 400 triệu bản sách trong 6 tháng đầu năm đáng ghi nhận, bản thân người làm quản lý xuất bản như chúng tôi cũng bất ngờ. Trong bối cảnh suy thoái, số sách các nhà xuất bản làm ra tăng trưởng lớn, thể hiện sự nỗ lực của các đơn vị xuất bản”, ông Nguyễn Nguyên nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xuất bản 6 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế. Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát Nguyễn Nguyên, vẫn còn tình trạng những xuất bản phẩm có chất lượng kém, có những nội dung vi phạm về tư tưởng chính trị đến mức phải xử lý; tình trạng buông lỏng hoạt động liên kết làm giảm vai trò, uy tín, thương hiệu nhà xuất bản.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản vẫn còn diễn ra, thậm chí có nơi để tình trạng này kéo dài đến mức cơ quan chỉ đạo, quản lý phải có văn bản nhắc nhở.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan quản lý nhà nước xử lý đã xử lý 10 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung với mức độ khác nhau. Bên cạnh đó, so với quy mô nhập khẩu sách, dòng chảy xuất khẩu sách còn rất nhỏ bé, khiêm tốn; thiếu một chiến lược đầu tư dịch thuật, quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài.
Tại Hội nghị, lãnh đạo một số nhà xuất bản đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Theo chia sẻ của Giám đốc NXB Giáo dục VN Nguyễn Tiến Thanh, việc xuất bản SGK hiện nay được nhiều nhà xuất bản cùng tham gia. Nhà xuất bản không chỉ tổ chức bản thảo, biên tập, trình thẩm định, in ấn và phát hành SGK như trước đây mà là đơn vị đảm nhiệm thêm nhiều công đoạn, từ lựa chọn tác giả, biên tập, thực nghiệm, trình thẩm định, in ấn - phát hành, giới thiệu, tập huấn giáo viên sử dụng.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (GDVN) đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, trong đó có đông đảo đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đến từ các trường đại học sư phạm, các trường đại học chuyên ngành, các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục phổ thông tham gia.
Tuy nhiên, do thực hiện xã hội hoá, nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia biên soạn SGK nên việc lựa chọn tổng chủ biên, chủ biên và tác giả của NXB GDVN gặp nhiều khó khăn hơn.
“Tôi không có số liệu đối với bộ SGK xã hội hoá mang tên “Cánh Diều” của Công ty Vepic, nhưng đối với 2 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” của NXB GDVN, số lượng tác giả biên soạn tới hơn 1.000 người, với hơn 2.000 lượt tham gia, trong đó có gần 600 GS, PGS, TS”, ông Nguyễn Tiến Thanh cho biết.
Cũng theo ông Tiến Thanh, chất lượng của một bộ SGK không chỉ phụ thuộc vào việc huy động được đông đảo đội ngũ tổng chủ biên, chủ biên, tác giả tài năng mà còn được tạo nên từ việc xây dựng và thực hiện quy trình biên soạn bài bản, công phu, chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ những quy định theo quy trình biên soạn của Bộ GD&ĐT.
Quy định của pháp luật đối với các loại hình doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức xuất bản - in - phát hành SGK khác nhau tạo nên cơ chế cạnh tranh không bình đẳng. Các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty cổ phần được quyền chủ động tổ chức sản xuất; chủ động mua sắm vật tư, dịch vụ in trực tiếp theo nhu cầu thực tế mà không phải thực hiện các quy trình thủ tục đấu thầu với nhiều thời gian, hồ sơ thủ tục như doanh nghiệp nhà nước nên thời gian, tiến độ cạnh tranh hơn doanh nghiệp nhà nước.
Giám đốc NXB Giáo dục VN đề xuất, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách làm sao đảm bảo sự bình đẳng giữa các đơn vị trong hoạt động xuất bản, in ấn, phát hành SGK.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà ngành Xuất bản đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
“Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành Xuất bản phải luôn giữ vững định hướng chính trị, tư tưởng, bảo đảm hài hòa giữa nhiệm vụ chính trị và sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc", ông Phan Xuân Thủy nói và yêu cầu ngành Xuất bản cần tập trung đánh giá, tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành văn bản mới thay thế, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tập trung triển khai kế hoạch, đề tài, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; tích cực triển khai các chương trình sách quốc gia, nhất là việc tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VII theo hướng nâng tầm vị thế, uy tín của Giải theo chức năng, nhiệm vụ. Tạo ra các liên kết quốc tế để mở rộng thị trường xuất bản và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.