Tháo gỡ "điểm nghẽn", thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển (Bài cuối):

Công nghệ hóa xuất bản - chuyển mình trong thời đại mới

THANH NGỌC

VHO - Kỷ nguyên số đang mở ra cả cơ hội và thách thức sâu rộng đối với ngành Xuất bản.

Trong bối cảnh này, việc nắm bắt các xu hướng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là chú trọng đến chất lượng sản phẩm sẽ là yếu tố quyết định để ngành Xuất bản Việt Nam không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của độc giả.

Công nghệ hóa xuất bản - chuyển mình trong thời đại mới - ảnh 1
Cần một tư duy và mô hình phát triển mới định hướng xuất bản phát triển (ảnh minh họa)

 Xuất bản trước làn sóng công nghệ

Giám đốc Công ty cổ phần Xuất bản khoa học và giáo dục Thời đại (TIMES), ông Vũ Trọng Đại, đã khẳng định ngành Xuất bản Việt Nam đã trải qua bốn làn sóng quan trọng kể từ năm 1986, bao gồm: 1990-2000, 2000-2010, 2015-2020 và từ 2020 đến nay.

Trong đó, làn sóng thứ tư, bắt đầu từ năm 2020, đã chứng kiến sự bùng nổ của Internet, với 5,45 tỉ người (tương đương 67,1% dân số toàn cầu) sử dụng tính đến tháng 7.2024 (theo số liệu từ Statista.com).

Sự phổ biến của Internet đã làm thay đổi cách thức tiếp cận tri thức, vượt qua những giới hạn vật lý mà sách in trong kỷ nguyên Gutenberg từng phải đối mặt. Internet vạn vật (IoT) và khả năng cá nhân hóa nội dung nhờ Big Data đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong ngành Xuất bản.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các sản phẩm nội dung số như ebook, audio book và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp giảm thiểu chi phí sản xuất, từ in ấn đến nhân công…

Ông Vũ Trọng Đại cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh của làn sóng thứ tư này, ngành Xuất bản có cơ hội hình thành một ngành công nghiệp nội dung số mạnh mẽ thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm kết hợp giữa giấy và số.

Điều này không chỉ tạo ra nhu cầu mới, mà còn giúp tăng quy mô doanh thu và hiệu quả kinh tế cho toàn ngành. Mặc dù doanh thu ngành Xuất bản Việt Nam hiện nay chỉ tương đương với một tổng công ty cỡ trung bình, nhưng tiềm năng phát triển rất lớn trong tương lai.

Bên cạnh cơ hội, ngành Xuất bản còn đóng vai trò như một “mỏ dữ liệu” quý giá, trong khi dữ liệu đang trở thành một nguồn tài nguyên quan trọng đối với quốc gia.

Để tận dụng hiệu quả, việc áp dụng phương thức sản xuất mới, trong đó AI đóng vai trò then chốt, là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, để phát triển ngành Xuất bản trong kỷ nguyên số, các biên tập viên cần có tư duy mới, coi AI là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công việc của mình.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi từ mô hình xuất bản truyền thống sang kỷ nguyên nội dung số cũng đặt ra không ít thách thức. Ngành và các doanh nghiệp xuất bản cần điều chỉnh, làm mới mô hình quản trị để phù hợp với xu hướng hiện đại, đồng thời nâng cấp năng lực đội ngũ để có thể nắm bắt và vận dụng thành tựu công nghệ mới, đặc biệt là trong lĩnh vực AI.

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là AI, trong mọi lĩnh vực, bao gồm ngành Xuất bản.

Trong bối cảnh này, bài viết Học tập suốt đời của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng phản ánh rõ nét sự gắn kết giữa quá trình học tập liên tục và sự phát triển của ngành Xuất bản trong kỷ nguyên số.

Chủ tịch Alpha Books, ông Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ: Ngành Xuất bản, giống như các ngành nghề khác, cần phải “Phổ cập AI” theo cách mà các phần mềm như Word, Excel đã từng được phổ biến rộng rãi trong xã hội.

Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, việc phục vụ AI thông qua sách giấy sẽ gặp phải những hạn chế lớn cả về thời gian và ngân sách. Do đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ kỹ thuật số trong xuất bản, là một bước đi cần thiết và không thể tránh khỏi.

Với niềm tin mạnh mẽ vào tiềm năng vô tận của AI, ông Nguyễn Cảnh Bình khẳng định, một nền kinh tế số và một xã hội văn minh không thể thiếu sự tham gia của ngành Xuất bản.

Để hiện thực hóa điều này, Alpha Books sẽ công bố Trung tâm ứng dụng AI trong xuất bản ngay trong tháng 4, mở ra một hướng đi mới cho ngành Xuất bản Việt Nam, không chỉ trong việc tối ưu hóa quy trình sản xuất mà còn trong việc cung cấp những sản phẩm trí tuệ, sáng tạo và dễ tiếp cận với độc giả.

Cần một tư duy và mô hình phát triển mới cho ngành Xuất bản

Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, ông Phan Xuân Thủy đã chỉ ra rằng: Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, bối cảnh và tình hình hiện nay đã có sự thay đổi sâu sắc, đặt ra yêu cầu mới đối với việc nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, đặc biệt là chất lượng nội dung xuất bản phẩm.

So với thời điểm Chỉ thị số 42-CT/TW được ban hành, thực tiễn hiện nay đã có nhiều biến động quan trọng, đòi hỏi ngành Xuất bản phải có một mô hình phát triển mới, thích ứng với thời đại.

Theo ông Phan Xuân Thủy, thời gian tới, dự báo ngành sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng, nhờ vào sự quan tâm đầu tư từ Đảng và Nhà nước cùng với sự gia tăng nhu cầu đọc của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, chất lượng xuất bản phẩm ngày càng bị chi phối mạnh mẽ bởi các quy luật của nền kinh tế thị trường, và xuất bản điện tử sẽ nhanh chóng trở thành một trong những phương thức chủ yếu.

Song hành với sự phát triển của xuất bản số, vấn đề bản quyền cũng đang trở nên phức tạp hơn, khi mà hành vi sao chép, chia sẻ và phân phối trái phép nội dung số diễn ra phổ biến, gây thiệt hại lớn cho các NXB và tác giả.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của nội dung xuất bản phẩm, đồng thời thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của công tác xuất bản trong kỷ nguyên mới, ông Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, cần khẩn trương hoàn thiện thể chế và chính sách quản lý.

Cụ thể, cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định của Đảng và cơ chế chính sách của Nhà nước, nhằm giải quyết các điểm nghẽn, rào cản trong việc tạo động lực thúc đẩy hoạt động xuất bản nói chung, nội dung xuất bản phẩm nói riêng.

Ngoài ra, việc tiếp tục thể chế hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam từ năm 2016 đến nay, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển mới, sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ngành Xuất bản.

Đặc biệt, cần chú trọng đến các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đồng thời xem xét các chủ trương và chính sách lớn như thành lập Quỹ hỗ trợ Xuất bản, Quỹ dịch thuật hay phong trào hưởng ứng Ngày Toàn dân đọc sách (21.4) hằng năm.

Các sáng kiến này sẽ không chỉ tạo động lực phát triển cho thị trường sách mà còn khuyến khích các NXB, công ty sách cùng tham gia vào hoạt động nâng cao giá trị chung của ngành.

Việc không ngừng nâng cao năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức, chính trị của đội ngũ cán bộ, biên tập viên là trách nhiệm quan trọng mà các NXB phải thực hiện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.

Đồng thời, các NXB cũng cần ưu tiên bố trí nguồn lực hợp lý, tăng cường đầu tư vào cơ sở vật chất, kỹ thuật, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản.

Việc gắn kết chặt chẽ giữa nâng cao chất lượng nội dung xuất bản phẩm với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, như đã được nhấn mạnh trong Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy sự phát triển của ngành.

Bên cạnh đó, cần cải cách quy trình đặt hàng, loại bỏ cơ chế “xin - cho” và các thủ tục rườm rà, qua đó tối ưu hóa nguồn lực và tạo ra sự minh bạch trong hoạt động xuất bản.

Với hơn 30 năm gắn bó sâu sắc với ngành Xuất bản, GS.TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, đã chia sẻ những quan điểm sâu sắc về thực trạng ngành Xuất bản hiện nay.

Mặc dù các đơn vị xuất bản đã nỗ lực rất lớn để duy trì và phát triển trong bối cảnh mới, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với việc cung cấp sách cho vùng sâu, vùng xa - những khu vực còn thiếu hụt về mặt văn hóa và tri thức.

Ông cũng chỉ ra, dù Chỉ thị số 42-CT/TW đã đặt ra mục tiêu đưa sách đến cấp huyện và phần lớn các xã, để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm, nhưng tiến trình thực hiện đã chậm lại 13 năm so với kế hoạch.

Nhìn nhận bối cảnh hiện tại, GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định, ngành Xuất bản đang đối mặt với cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ. Ông đề nghị Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cần phối hợp với Bộ VHTTDL để nghiên cứu và đề xuất một Chỉ thị mới về hướng phát triển ngành Xuất bản, bởi nếu không, ngành sẽ “giậm chân tại chỗ”.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu một mô hình và cơ cấu mới cho hệ thống xuất bản, in ấn và phát hành, một mô hình hiện đại gắn liền với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn biến động lớn do tác động của công nghệ số.