Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng:
Xây dựng chiến lược phát triển ngành Xuất bản, In và Phát hành phù hợp với tình hình thực tế
VHO - Chiều 27.3 tại Hà Nội, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Cục Xuất bản, In và Phát hành về tình hình triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025.

Cùng dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm cùng lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, Cục Xuất bản, In và Phát hành là tổ chức hành chính thuộc Bộ VHTTDL, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm.
Trình bày tổng quan về hoạt động xuất bản, Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho biết, về lĩnh vực xuất bản, tính đến tháng 12.2024, cả nước có 57 nhà xuất bản, xuất bản 43.000 đầu xuất bản phẩm với 550 triệu bản.
Doanh thu năm 2024 đạt 4.300 tỉ đồng; về lĩnh vực in, tính đến tháng 12.2024, cả nước có 2.771 cơ sở in, trong đó có 1.050 cơ sở in xuất bản phẩm. Doanh thu năm 2024 đạt 93.000 tỉ đồng; lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm, tính đến tháng 12.2024, cả nước có 705 doanh nghiệp phát hành sách, 1.500 hộ kinh doanh phát hành sách. Doanh thu năm 2024 đạt 4.500 tỉ đồng.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, ngành Xuất bản đã nỗ lực đưa các tác phẩm mới đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những đối tượng trẻ tuổi và độc giả tiềm năng, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Xuất bản và nhiều kênh truyền thông hiện đại khác.

Sự thay đổi này giúp nâng cao hiệu quả quảng bá và thúc đẩy doanh thu. Nhờ đó, xuất bản góp phần xây dựng diện mạo của ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.
Về triển khai các nhiệm vụ, trên cơ sở nhận thức hoạt động xuất bản là 1/12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá, quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng chuyển từ làm văn hoá sang quản lý nhà nước về văn hoá, Cục Xuất bản, In và Phát hành xác định các nhiệm vụ trọng tâm trên 4 phương diện, đó là: Xây dựng thể chế; tổ chức thực hiện pháp luật; thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; hỗ trợ các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành.
Trong đó có các nhiệm vụ cụ thể: Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản; hoàn thiện văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai Chương trình xuất bản sử dụng ngân sách nhà nước; định hướng đề tài xuất bản chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng;
Tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam lần thứ Tư; tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VIII; đẩy mạnh phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý in lậu và xâm phạm bản quyền trên không gian mạng; tham gia hoạt động đối ngoại ngành và xuất bản sách phục vụ đối ngoại; phát triển thị trường sách điện tử tương tác; sách tinh gọn, sách ngắn...

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cũng trình bày một số đề xuất, kiến nghị đến lãnh đạo Bộ VHTTDL.
Theo đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đề xuất lãnh đạo Bộ VHTTDL cho ý kiến chỉ đạo về việc giao nhiệm vụ cho Cục Xuất bản, In và Phát hành chuyển từ nhiệm vụ Lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản sang xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản theo Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật có hiệu lực từ ngày 1.4.2025.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ Tư, đề nghị sửa đổi Điều 2 Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam để phù hợp với tình hình thực tế sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về nhiệm vụ tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ VIII, Cục Xuất bản, In và Phát hành đề xuất lãnh đạo Bộ xem xét, ban hành Đề án Giải thưởng sách Quốc gia và Điều lệ Giải thưởng, Quy chế Giải thưởng, Quy chế Hội đồng chấm Giải thay thế cho các văn bản đã có.
Về công tác phòng chống in lậu, Tổ chức liên ngành về phòng, chống in lậu là tổ chức hoạt động xuyên suốt trong cả nước, để tổ chức liên ngành tiếp tục hoạt động và phát huy những thành tích đã đạt được trong 15 năm qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đề xuất Lãnh đạo Bộ VHTTDL giao cho Cục xây dựng dự thảo chức năng, nhiệm vụ và tiếp tục làm cơ quan thường trực của Đoàn liên ngành.



Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngay sau khi tiếp nhận Cục Xuất bản, In và Phát hành từ Bộ TT&TT trước đây về Bộ VHTTDL, lần đầu tiên đến thăm Cục XBIPH, nhìn nhận độ dài về thời gian của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy trầm tích về văn hóa mà thế hệ những người làm xuất bản đã xây dựng.
Sau khi lắng nghe báo cáo, Bộ trưởng đã tập trung vào ba nhóm vấn đề, đó là đánh giá lại kết quả công tác trong thời gian qua của Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhằm tìm ra những khó khăn, vướng mắc và đề ra nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thời gian qua, Cục đã có nhiều nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế.
Điều đáng mừng là từ chức năng quản lý, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã đi đúng hướng, đảm bảo, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị không để xảy ra sai sót, vi phạm trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách thông qua hoạt động xuất bản, in và phát hành. Nhiều ấn phẩm được đưa ra thị trường có tác động góp phần thúc đẩy nền kinh tế xã hội.
Sách là tri thức, sách là sức mạnh, sách là bậc thầy để mở ra cho chúng ta một chân trời mới. Câu nói của M. Gorki đã chỉ cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề này: "Hãy yêu sách, nó là nguồn kiến thức, chỉ có kiến thức mới là con đường sống".
Bộ trưởng ghi nhận và biểu dương những việc mà ngành xuất bản, in và phát hành đã làm được trong thời gian qua, đồng thời cũng đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành phải thể hiện rõ tư duy tăng cường công tác quản lý nhà nước.
Trước hết, phải ưu tiên hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực xuất bản, in và phát. Từ việc tháo gỡ khoảng trống về mặt thể chế để khơi thông “điểm nghẽn” cho ngành Xuất bản, In và Phát hành.


Muốn làm được việc này, trước mắt, Bộ trưởng đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành phải phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế tiếp gấp rút báo cáo cấp có thẩm quyền sửa Luật Xuất bản theo tinh thần mới là kiến tạo sự phát triển, tạo không gian cho sự phát triển.
Bộ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội thông qua Giải thưởng sách quốc gia.
Giải thưởng Sách Quốc gia bài bản, quy mô lớn, hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị. Giải thưởng phải kích thích sự sáng tạo của tác giả, khơi gợi không gian để tác giả tự do sáng tạo trên con đường nghệ thuật và phải lựa chọn được những tác phẩm tiêu biểu, tác giả tiêu biểu nhất.


Bên cạnh đó, việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam cũng phải được trú trọng nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người;
Khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và cộng đồng; phát hiện, tôn vinh các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển sách và văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam.

Đối với việc tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, Bộ trưởng giao Cục phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện.
Bộ trưởng cũng giao Cục nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng chuyển từ gặp gỡ giao lưu sang hợp tác đích thực, có sản phẩm cụ thể, có chiều sâu và hiệu quả lâu dài.
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan để đấu tranh, ngăn chặn với nạn vi phạm bản quyền xuất bản;

Cục Xuất bản, In và Phát hành phải thống kê, rà soát lại toàn bộ hệ thống các nhà xuất bản, cơ sở in, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát hành sách để xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu cơ bản trong lĩnh vực này và bộ cơ sở dữ liệu này phải liên tục được bổ sung, cập nhật;
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Xây dựng chiến lược phát triển ngành xuất bản, phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng thị trường.