Thúc đẩy các giải pháp thực thi bản quyền trên môi trường số

ĐÌNH TOÁN

VHO - Sáng 17.6 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ VHTTDL Hàn Quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong dự và phát biểu khai mạc Hội nghị.

Cùng dự Hội nghị còn có đại diện của WIPO, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bộ VHTTDL Hàn Quốc, Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA), Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn quốc tế, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Liên minh Dịch vụ trung gian Trực tuyến quốc tế, Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc (CISAC), Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, đại diện Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT, Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp...

Thúc đẩy các giải pháp thực thi bản quyền trên môi trường số - ảnh 1
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong phát biểu khai mạc Hội nghị

Hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đánh giá, sáng tạo trên môi trường số đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới; đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Sáng tạo nội dung số đã và đang từng bước khẳng định được vai trò, vị thế; được đánh giá là mảnh đất mới đầy tiềm năng dành cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất nội dung, các tổ chức, cá nhân và các nhãn hàng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, “sân chơi” này cũng đặt ra “bài toán” về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số, không riêng ở thị trường Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Thúc đẩy các giải pháp thực thi bản quyền trên môi trường số - ảnh 2
Thứ trưởng Hồ An Phong cùng các đại biểu dự Hội nghị

Cũng theo Thứ trưởng Hồ An Phong, thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về bản quyền, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số đến từ việc có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau. Qua đó, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia, tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kịp thời.

Thứ trưởng cho biết, nhằm đáp ứng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tạo nền tảng pháp lý hữu hiệu để bảo vệ các tác phẩm và quyền tác giả một cách minh bạch và hiệu quả, đặc biệt là trên môi trường số, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp ước về quyền tác giả và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm trong năm 2022.

Cùng với đó, Việt Nam hiện đang triển khai nghiên cứu về việc gia nhập Hiệp ước Bắc Kinh về bảo hộ cuộc biểu diễn nghe nhìn và tích cực tham gia các phiên thảo luận của Ủy ban thường trực về bản quyền của WIPO (SCCR) để đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện pháp lý quốc tế về bản quyền, trong khuôn khổ các Chương trình nghị sự của WIPO. Đây cũng là những hành động cụ thể, góp phần thực hiện chủ trương chủ động, tích cực tham gia chuyển đổi số cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về bản quyền tại Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện. Năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền cũng tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo hộ bản quyền và phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) của Việt Nam.

Thúc đẩy các giải pháp thực thi bản quyền trên môi trường số - ảnh 3
Toàn cảnh Hội nghị

“Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả những cơ hội có được từ việc gia nhập các điều ước quốc tế về bản quyền, trong đó có 2 Hiệp ước WCT, WPPT cũng như đáp ứng nhu cầu nội tại trong nước, Việt Nam vẫn phải từng bước nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền, nhất là trên môi trường số”, Thứ trưởng Hồ An Phong khẳng định.

Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng thông tin việc phát triển các ngành CNVH đang được Việt Nam rất quan tâm và được xác định là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một trong những yếu tố để xây dựng nền CNVH phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của mỗi quốc gia.

Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tăng cường năng lực quản lý, thực thi bảo hộ bản quyền và phát triển CNVH tại Việt Nam đã được xác định tại Chiến lược phát triển Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Việt Nam đến năm 2030.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam, Hội nghị lần này được tổ chức nhằm giúp các bên liên quan học hỏi kinh nghiệm về thực thi bản quyền hiệu quả cũng như tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với những mặt trái của việc môi trường số phát triển nhanh chóng, dẫn đến những vấn đề về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

Thúc đẩy các giải pháp thực thi bản quyền trên môi trường số - ảnh 4

Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Youngsam

Ông Xavier Vermandele, Cố vấn pháp lý cấp cao Ban Tôn trọng sở hữu trí tuệ của WIPO cho hay, thực thi bản quyền là một phần quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế. Thực thi bản quyền giúp người sáng tạo được đảm bảo các quyền lợi tương xứng, khuyến khích các đối tượng sản xuất nội dung mới. Thực thi bản quyền hiệu quả còn thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho việc đầu tư vào hoạt động sáng tạo của các ngành nghề, thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực này.

Cũng theo ông Xavier Vermandele, bảo hộ quyền  tác giả, quyền liên quan trên môi trường số đang đứng trước nhiều thách thức bởi đây là môi trường mà việc sao chép, phổ biến các tác phẩm sáng tạo diễn ra dễ dàng, đặt ra những thách thức cho nhà quản lý. Tình trạng vi phạm bản quyền đã, đang làm giảm giá trị tác phẩm, cản trở quá trình đổi mới, sáng tạo. Vì thế, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế giữa các cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan thuộc khu vực tư nhân, trung gian để giải quyết những vấn đề này.

Thúc đẩy các giải pháp thực thi bản quyền trên môi trường số - ảnh 5

Cố vấn pháp lý cấp cao Ban Tôn trọng sở hữu trí tuệ của WIPO Xavier Vermandele

Hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra từ ngày 17-21.6, gồm 34 chủ đề và 50 bài tham luận đến từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam, tập trung vào nhiều nội dung cụ thể. Đó là giới thiệu về hệ thống thực thi quyền tác giả của các quốc gia; giá trị của bản quyền, đóng góp của các ngành công nghiệp sáng tạo cho nền kinh tế. Cùng với đó là phổ biến các phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến phổ biến, mối đe dọa liên quan đến việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền; sự phát triển quốc tế trong thực thi và quản lý trực tuyến; thẩm quyền và luật áp dụng trong tranh chấp bản quyền trực tuyến; phương thức giải quyết vi phạm bản quyền trực tuyến; thu thập, bảo quản bằng chứng, cách tiếp cận cân bằng để thực thi bản quyền và sử dụng công nghệ để ngăn chặn vi phạm bản quyền...

Trong khuôn khổ Hội nghị còn có một số hoạt động giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam.