Tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số

ĐÌNH TOÁN

VHO - Từ ngày 17 – 21.6 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) sẽ phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ VHTTDL Hàn Quốc tổ chức Hội nghị quốc tế về Thực thi bản quyền trên môi trường số.

 Thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10.4.2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5.7.2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023 – 2030 của Chính phủ, trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia các điều ước quốc tế đa phương và các điều ước quốc tế song phương về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là các điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan do WIPO quản lý.

Tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số - ảnh 1
Hội nghị diễn ra với nhiều chủ đề

Đến nay, Việt Nam đã gia nhập nhiều điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Geneva về bảo hộ nhà sản xuất bản ghi âm chống việc sao chép không được phép bản ghi âm của họ; Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối tín hiệu mang chương trình truyền hình qua vệ tinh; Công ước Rome về bảo hộ quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và các tổ chức phát sóng; Hiệp định TRIPs về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ; Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT); Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT); Hiệp ước về tạo điều kiện cho người khuyết tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng đọc tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (Hiệp ước Marrakesh).

Theo Cục Bản quyền tác giả, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến nhiều công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.

Đứng trước bối cảnh chung toàn cầu về tình hình quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và ghi nhận sự chủ động, tham gia tích cực của phía Việt Nam trong các hoạt động hội nhập, hợp tác quốc tế trong khu vực và các quốc gia cũng như tại WIPO, lãnh đạo WIPO và Bộ VHTTDL Hàn Quốc đã đề xuất phối hợp với Việt Nam (đại diện là Cục Bản quyền tác giả) tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền, trong đó tập trung vào thực thi bản quyền trên môi trường số.

Đây là Hội nghị có sức ảnh hưởng và tầm quan trọng lớn trong khu vực và quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan. Thông qua Hội nghị quốc tế này, các cán bộ cơ quan quản lý, thực thi, chuyên gia quốc tế, diễn giả trong nước sẽ được cập nhật tình hình bảo hộ và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan tại mỗi quốc gia; chia sẻ các xu hướng xây dựng chính sách, thách thức trước những xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan và đặc biệt sẽ là cơ hội cho các quốc gia có thể xây dựng các chương trình hợp tác trong hoạt động quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trong tương lai.

Tổ chức Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số - ảnh 2
Hội nghị sẽ nêu ra nhiều giải pháp ngăn chặn vi phạm bản quyền trên môi trường số

Hội nghị với 34 chủ đề và 50 bài tham luận đến từ các chuyên gia quốc tế và Việt Nam như WIPO, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Bộ VHTTDL Hàn Quốc, Cơ quan Bảo vệ bản quyền Hàn Quốc (KCOPA), Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn quốc tế, Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, Liên minh Dịch vụ trung gian Trực tuyến quốc tế, Liên đoàn Quốc tế các Hiệp hội Tác giả và Nhà soạn nhạc (CISAC).

Hội nghị dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam cùng 70 chuyên gia đến từ quốc tế và Việt Nam. Các đại biểu quốc tế đến từ 15 quốc gia trên thế giới (khu vực Đông Nam Á, khu vực Châu Phi, khu vực Ả Rập, khu vực Châu Mỹ - Latinh).

 Về phía đại biểu Việt Nam, Hội nghị có sự tham dự của các cơ quan quản lý và thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, đại diện Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT, Bộ Công thương, Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp...

Hội nghị tập trung vào các nội dung như giới thiệu về hệ thống thực thi quyền tác giả của các quốc gia; giá trị của bản quyền và sự đóng góp của các ngành công nghiệp sáng tạo cho nền kinh tế; các phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến phổ biến và các mối đe dọa liên quan đến việc sử dụng nội dung vi phạm bản quyền; thẩm quyền và luật áp dụng trong tranh chấp bản quyền trực tuyến; phương thức giải quyết vi phạm bản quyền trực tuyến; thu thập, bảo quản bằng chứng, cách tiếp cận cân bằng để thực thi bản quyền và sử dụng công nghệ để ngăn chặn vi phạm bản quyền; vai trò và trách nhiệm của các bên trung gian; sự phát triển của án lệ bản quyền - luật giải quyết tranh chấp của WTO.

Hội nghị cũng sẽ thảo luận về thiệt hại trong các trường hợp vi phạm bản quyền; các biện pháp biên giới; giải quyết tranh chấp; thực thi bản quyền và các hiệp định thương mại; hợp tác công - tư để chống vi phạm bản quyền trực tuyến, quan hệ đối tác công - tư và hợp tác giữa chủ sở hữu quyền; điều phối thực thi bản quyền: hợp tác giữa các cơ quan; kinh nghiệm quốc gia: những thách thức và cơ hội để thực thi hiệu quả bản quyền, vai trò của lệnh cấm hiệu quả trong việc ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến; những thách thức và cơ hội để thực thi bản quyền hiệu quả, giáo dục bản quyền và nhận thức cộng đồng…

Cùng với đó trong khuôn khổ Hội nghị, một số hoạt động bên lề Hội nghị sẽ được tổ chức nhằm giao lưu, quảng bá văn hóa Việt Nam, đồng thời là cơ hội để các khách mời quốc tế tham dự có thời gian trao đổi, tăng cường gắn kết giữa các quốc gia.