Chống vi phạm bản quyền trong sáng tạo nội dung số:
Luật pháp cần đi đôi với công nghệ
VHO - Sự phát triển của công nghiệp sáng tạo nội dung trên môi trường số đã đặt ra nhiều thách thức trong vấn đề bảo vệ bản quyền, cùng với đó, tình trạng xâm phạm quyền tác giả đang diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Trong đó, tính chất xuyên biên giới đang là vấn đề khiến các cơ quan quản lý tại Việt Nam “đau đầu” khi xử lý vi phạm.
Thiệt hại theo cấp số nhân
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) cho biết, môi trường số là môi trường xuyên biên giới, khó xác định các chủ thể và hành vi vi phạm, do đó nạn đánh cắp bản quyền lại càng nghiêm trọng, khó giải quyết. Phát triển ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số cũng vì thế đứng trước nhiều thách thức, kéo theo những khó khăn trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH).
Cụ thể, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý và Hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả) cho hay, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi pháp luật nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số diễn ra ngày càng phức tạp.
Vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau. Ngoài ra, đầu tư về nguồn nhân lực tại Trung ương và địa phương, nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thực thi, đấu tranh, phòng ngừa và chống xâm phạm bản quyền trên môi trường số, xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.
Nêu câu chuyện cụ thể, Giám đốc Trung tâm đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Phạm Hoàng Hải chia sẻ, tình trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ và vô cùng tinh vi, phức tạp. Theo số liệu đơn vị này thống kê được, có khoảng 100 trang web vi phạm bản quyền bóng đá. Chỉ trong mùa giải 2022- 2023, các trang web này đã thu hút khoảng 1,5 tỉ người xem, thiệt hại tính theo cấp số nhân. Đối với nội dung về phim và các sản phẩm văn hóa khác, hiện có khoảng 200 trang web lậu, mỗi tháng thu hút hàng trăm triệu lượt xem và con số này tiếp tục tăng lên không ngừng.
“Cá biệt gần đây, chúng tôi còn phát hiện ra một số trang web đặt máy chủ ở nước ngoài vi phạm bản quyền về các sản phẩm truyện tranh, điển hình là truyện tranh Nhật Bản. Vì vậy, đã có những đơn vị, tổ chức của Nhật Bản đến làm việc với Bộ TT&TT và có ý kiến nói rằng, vi phạm về truyện tranh trên không gian mạng đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho các đơn vị sở hữu bản quyền và đề nghị cần có giải pháp nhanh chóng để dứt điểm tình trạng này”, ông Phạm Hoàng Hải nêu.
Chú trọng giải pháp công nghệ
Theo ông Phạm Thanh Tùng, Việt Nam có nghĩa vụ bảo hộ quyền tác giả không chỉ cho công dân Việt Nam mà cả các đơn vị, cá nhân tại nhiều quốc gia là thành viên của các tổ chức công ước, hiệp ước quốc tế như Berne, Rome, Geneva, WCT… Để làm được điều này, Việt Nam đã, đang hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật như Luật Sở hữu trí tuệ cùng nhiều văn bản liên quan.
“Chúng tôi đã phân định rõ các quyền như sao chép, phân phối, kể cả những nhà cung cấp dịch vụ trung gian để có thể giúp kiểm tra, xử lý những vấn đề này khi có tranh chấp. Các chủ thể có thể tự kiểm tra và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng được đồng bộ và tương thích với luật quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta đã có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan và thực thi bảo vệ bản quyền”, ông Phạm Thanh Tùng cho biết thêm.
Thế nhưng, ông Tùng nêu vấn đề đặt ra hiện nay là cần đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực tại Trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý hiệu quả những vụ việc có tính chất xuyên biên giới. Về phía các doanh nghiệp, cần nâng cao trách nhiệm xã hội, không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền. Đồng thời, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc thực thi quyền tác giả trên môi trường kỹ thuật số.
Giám đốc Trung tâm Bản quyền số (Hội Truyền thông số Việt Nam) Hoàng Đình Chung đề xuất Bộ VHTTDL, Bộ TT&TT cần tăng cường phối hợp, thể hiện rõ hơn nữa vai trò trong quá trình tham mưu, ban hành cũng như thực thi các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 đã có nhiều điểm mới về quyền tác giả, quyền liên quan nhưng vấn đề thực thi còn hạn chế.
Ngoài ra, cần có sự tích cực hơn nữa từ phía chủ sở hữu bản quyền trong các trường hợp sai phạm. Các đơn vị này có thể chủ động cung cấp chứng cứ của các bên phát hành bất hợp pháp, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian, lưu trữ máy chủ và đơn vị quản lý nhà nước nhằm giải quyết triệt để các vi phạm.
Ông Hoàng Đình Chung cho biết thêm, các doanh nghiệp làm nội dung của Việt Nam thường là doanh nghiệp nhỏ, khó có khả năng thuê luật sư để xử lý khi gặp vấn đề vi phạm bản quyền. Do đó, giải pháp khả thi, hiệu quả các doanh nghiệp có thể thực hiện là đăng ký xác thực bản quyền để chống đánh cắp trên môi trường số. Với giải pháp này, toàn bộ nội dung khi đưa lên không gian mạng sẽ được mã hóa, rà quét tự động và có tích hợp trí tuệ nhân tạo AI để phát hiện, báo cáo vi phạm bản quyền.