Thực thi các quy định về bản quyền, hướng đến phát triển bền vững ngành sáng tạo nội dung số, công nghiệp văn hóa

ĐÌNH TOÁN

VHO - Hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26.4), Ngày Sách và bản quyền thế giới (23.4), sáng 17.4 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Liên minh Sáng tạo nội dung số tổ chức toạ đàm "Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số".

Đóng góp quan trọng cho GDP

Tọa đàm là dịp để giao lưu, trao đổi nhiều nội dung thú vị, bổ ích về quyền tác giả, quyền liên quan; góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) theo tinh thần của Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH của Việt Nam, hướng tới mục tiêu xây dựng nền CNVH phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.

Thực thi các quy định về bản quyền, hướng đến phát triển bền vững ngành sáng tạo nội dung số, công nghiệp văn hóa - ảnh 1
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng phát biểu tại toạ đàm

Tọa đàm được chia thành hai phần. Phần thứ nhất trình bày các vấn đề liên quan đến chính sách bản quyền, chính sách phát triển CNVH và các công cụ hỗ trợ thúc đẩy bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số. 

Ở phần thứ hai, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi các vấn đề về bảo vệ bản quyền trên môi trường số với các chuyên gia trong các lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan và CNVH; chính sách thuế; thông tin và truyền thông và lĩnh vực sáng tạo nội dung số.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, theo số liệu khảo sát công bố năm 2021 của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành CNVH dựa trên bản quyền, tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, đóng góp của các ngành này chiếm khoảng 11,99% GDP, Hàn Quốc là 9,89% GDP, Pháp là 7,02% GDP, Australia 6,8% GDP, Singapore 6,19% GDP, Canada 6,15% GDP … Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả bản quyền có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành), các ngành CNVH đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%.

Thực thi các quy định về bản quyền, hướng đến phát triển bền vững ngành sáng tạo nội dung số, công nghiệp văn hóa - ảnh 2
Toàn cảnh toạ đàm

Đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng, ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp bình quân ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD).

Hiện nay, các ngành CNVH Việt Nam đã có những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật, công nghệ và cách thức tiếp cận công chúng. Khía cạnh thương mại của các ngành CNVH cũng được chú trọng đầu tư, phát triển.

“Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nền CNVH phát triển lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước”, Ông Trần Hoàng nhấn mạnh.

Khó khăn trong bảo vệ quyền

Tại toạ đàm, các đại biểu đều khẳng định, bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia. 

Trong thời đại ngày nay, sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới. Đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. 

Thực thi các quy định về bản quyền, hướng đến phát triển bền vững ngành sáng tạo nội dung số, công nghiệp văn hóa - ảnh 3
Vi phạm bản quyền trên môi trường số đang diễn ra phức tạp

Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số. 

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Quản lý và hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả) cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vẫn còn tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau.

Bên cạnh đó, công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trong môi trường kỹ thuật số nói riêng còn chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, đầu tư nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh phòng ngừa và chống hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Ông Hoàng Long Huy, Trưởng phòng quản lý CNVH (Cục Bản quyền tác giả) cho hay, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ dẫn đến hoạt động sao chép được thực hiện dễ dàng. 

Bên cạnh đó, khó khăn trong tự bảo vệ bản quyền của chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan cũng là một trong những thách thức. Do đó, phát triển các ngành CNVH của Việt Nam đang đứng trước nhiều rào cản.

Những nguyên nhân được chỉ ra đến từ việc khó xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố nuớc ngoài.

Hơn nữa, vẫn còn câu chuyện nhận thức chưa đầy đủ của cá nhân, tổ chức về vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân. Nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền, lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền.

Một số tác giả, chủ sở hữu quyền còn chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Trước những khó khăn, thách thức, để tăng cường quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước WCT từ ngày 17.2.2022 và là thành viên của Hiệp ước WPPT từ ngày 1.7.2022.

Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đã có nhiều quy định mới về các nội dung liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cũng đã tích cực phối hợp với Bộ TT&TT trong công tác chuyển đổi số và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số.

Ý kiến bạn đọc