Quảng bá và lan tỏa “sức hút” của văn hóa Cố đô Huế

SƠN THÙY

VHO - Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 là điểm nhấn văn hóa du lịch, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nhiều chương trình, sự kiện của tuần lễ đã mang sức hút để tiếp tục quảng bá và lan tỏa điểm đến văn hóa Cố đô Huế.

Quảng bá và lan tỏa “sức hút” của văn hóa Cố đô Huế - ảnh 1
Chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 tại không gian trước điện Kiến Trung, Đại Nội Huế

Hội tụ văn hóa                                         

Lần đầu tiên, chương trình khai mạc được tổ chức ở bên trong khu di sản Hoàng cung Huế. Đặc biệt, không gian sân khấu độc đáo kết hợp nghệ thuật âm thanh, công nghệ ánh sáng hiện được trình diễn ở trước điện Kiến Trung lộng lẫy, góp phần tôn vinh nghệ thuật kiến trúc và thẩm mỹ của di tích này.

Đêm khai mạc Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 với chủ đề “Rạng rỡ ngàn sau” đã mang đến các tiết mục được dàn dựng công phu, đặc sắc nhằm chuyển tải giá trị di sản của một vùng đất văn hóa có bề dày gần 720 năm lịch sử. Từ trong di sản đã làm nên một thành phố Festival hội nhập cùng quốc tế, để Huế hôm nay là nơi giao lưu, hội tụ văn hóa, hội tụ âm nhạc cùng muôn phương.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 quy tụ hàng trăm nghệ sĩ của gần 30 đoàn nghệ thuật đến từ các nước như: Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam.

Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 diễn ra trong 6 ngày đêm (từ ngày 7 đến 12.6) với 12 chương trình, lễ hội chính, đã mang đến cho khán giả và cộng đồng du khách những “bữa tiệc” văn hóa đặc sắc.

Quảng bá và lan tỏa “sức hút” của văn hóa Cố đô Huế - ảnh 2
Đoàn cà kheo của Vương quốc Bỉ biểu diễn tại Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa"

Hàng loạt chương trình với dấu ấn của văn hóa xứ Huế, bản sắc văn hóa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, như: chương trình nghệ thuật khai mạc; Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”; chương trình Dạ yến Hoàng cung; show ẩm thực Đêm Hoàng cung; Lễ hội Ánh sáng; Lễ hội Hoa đăng và Lễ hội Ẩm thực chay; Ngày hội “Sóng nước Tam Giang”; chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn; chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế...

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh: Festival Huế 2024 sẽ tiếp tục khẳng định và quyết tâm xây dựng Huế thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam. Đồng thời, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế.

Quảng bá và lan tỏa

Tại lễ khai mạc, ông Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương đã đánh giá: những tiềm năng, lợi thế riêng có của Thừa Thiên Huế ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Những giá trị, di sản văn hoá và con người ngày một được gìn giữ và quảng bá một cách phong phú, đặc biệt là 8 di sản thế giới đã được UNESCO công nhận.

Quảng bá và lan tỏa “sức hút” của văn hóa Cố đô Huế - ảnh 3
Quảng diễn tuồng Huế đến cộng đồng tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024

Nhiều công trình văn hoá, di sản, nhiều lễ hội văn hoá đặc sắc được trùng tu, phục dựng, tạo nên những nét văn hoá hấp dẫn mới đối với cả du khách trong nước và quốc tế. Các hình thức biểu đạt văn hoá mới và các công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được phát huy. Thừa Thiên Huế do đó ngày càng thể hiện là trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của cả nước và khu vực.

Những di sản văn hóa thế giới mà Thừa Thiên Huế “sở hữu” đã được giới thiệu và quảng bá một cách tinh tế, tạo sức lan tỏa qua các chương trình, hoạt động tại Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024.

Không gian khu di sản Huế lung linh trong các chương trình chính của Tuần lễ Festival Huế; trong đó, những hình ảnh về thơ văn cung đình, nghệ thuật trang trí trên các công trình kiến trúc của khu di sản.

Nhã nhạc cung đình và nghệ thuật diễn xướng cung đình cũng được giới thiệu đến đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong đêm khai mạc, chương trình dạ yến...

Quảng bá và lan tỏa “sức hút” của văn hóa Cố đô Huế - ảnh 4
Giới thiệu ẩm thực chay, một nội dung quan trọng trong hệ thống ẩm thực xứ Huế.

Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” cũng góp phần quảng bá các di sản xứ Huế như: Tuồng cung đình, Ca Huế, Áo dài Huế... Hay di sản nghệ thuật Bài chòi đã được giới thiệu để du khách cùng trải nghiệm qua các hoạt động cộng đồng.

Thừa Thiên Huế được các chuyên gia đánh giá lợi thế về lĩnh vực ẩm thực và sở hữu nhiều món ăn của Việt Nam. Và đã có nhiều hoạt động quảng bá ẩm thực tại Tuần lễ như: chương trình Dạ yến Hoàng cung; show ẩm thực Đêm Hoàng cung; lễ hội ẩm thực chay... đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.

Theo ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Phó Ban Tổ chức Festival Huế 2024, việc tổ chức các chương trình về ẩm thực tại cung Trường Sanh và sân điện Cần Chánh (Đại Nội Huế) lần này là cơ sở để đánh giá, hoàn thiện và khai thác tour ban đêm tại khu di sản Huế. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế đêm theo định hướng của Chính phủ, đồng thời tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến Huế.

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế đã đón hơn 101.000 lượt khách trong nước và quốc tế, doanh thu từ du lịch ước đạt 159 tỉ đồng. Trong đó, vào các ngày 7, 8.6 và 11, 12.6, nhiều khách sạn ở trung tâm TP.Huế đạt công suất từ 80 - 90%.

Kỳ vọng sau sự kiện của Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, sẽ tiếp tục có đông đảo du khách lựa chọn Huế làm điểm đến để trải nghiệm văn hóa, danh lam thắng cảnh và các dịch vụ du lịch an toàn, thân thiện, giàu bản sắc.