Cần có chiến lược và quy hoạch bài bản để phát triển du lịch đường sông
VHO - Nhằm làm rõ thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam, ngày 18.9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam - Định hướng và giải pháp”.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy và Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thế Hùng; Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) Lê Anh Tuấn; đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam; đại diện các Sở quản lý Du lịch địa phương; các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp du lịch, đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí...
Du lịch đường sông phần lớn vẫn ở dạng tiềm năng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết, thời gian qua, Việt Nam tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như: du lịch biển, đảo; du lịch sinh thái; du lịch văn hóa; du lịch đô thị… Với tiềm năng, lợi thế này, Việt Nam tăng cường phát triển một số loại hình du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với xu hướng mới của thị trường như: du lịch golf, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch đường sắt.
Bên cạnh đó, với lợi thế về hệ thống sông ngòi dày đặc, tạo điều kiện cho du lịch đường sông của Việt Nam phát triển, điển hình như: du lịch sông Hồng, hệ thống các sông ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong phát triển hạ tầng hệ thống du lịch, văn hóa đặc trưng vùng miền, môi trường… nên phần lớn, du lịch đường sông vẫn còn ở dạng tiềm năng.
Thông qua Hội thảo này, ông Phạm Văn Thủy mong muốn các đại biểu, khách mời sẽ cùng nhau thảo luận, trao đổi, đánh giá thực trạng; chỉ ra tồn tại, hạn chế; đề xuất các định hướng, giải pháp phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam. Đồng thời, kết nối các địa phương, doanh nghiệp để cùng hợp tác, tạo ra các sản phẩm mới, hấp dẫn. Từ đó góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến du lịch đường sông ở Việt Nam, đưa du lịch sông của Việt Nam trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, độc đáo.
Hiện nay, du lịch đường sông đã nổi lên như một trong các loại hình du lịch quan trọng của ngành du lịch toàn cầu. Du lịch đường sông góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, làm phong phú thêm các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm đến du lịch lịch sử và văn hóa thông qua trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, hệ sinh thái và hệ thống di sản văn hóa ven sông.
Việc phát triển du lịch đường sông cũng có thể thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng, như cảng du lịch, bến tàu, và các khu vực xung quanh. Ngoài ra, khai thác du lịch đường sông có thể góp phần giảm áp lực lên các điểm du lịch và hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt tại các thành phố lớn.
Bên cạnh những đóng góp về kinh tế và văn hóa, bằng cách thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm, du lịch đường sông có thể góp phần bảo tồn các hệ sinh thái quan trọng dưới nước và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Phát biểu đề dẫn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam có mạng lưới sông ngòi phong phú với hơn 2.360 con sông lớn nhỏ có tổng chiều dài khoảng 41.900km, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch đường sông.
“Từ miền Bắc đến miền Nam, mỗi vùng sông nước đều có nét đặc trưng riêng về cảnh quan và văn hóa, tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm du lịch. Cùng với đó, nhiều di tích lịch sử, làng nghề truyền thống và danh lam thắng cảnh nằm dọc các tuyến sông, tạo điều kiện phát triển du lịch văn hóa - lịch sử. Các khu vực sông nước có hệ sinh thái phong phú, là cơ sở để phát triển du lịch sinh thái và bảo tồn thiên nhiên”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Nhiều địa phương trên cả nước đã chú trọng phát triển du lịch đường sông và đạt được một số thành công ban đầu, điển hình như: du lịch sông Nho Quế (Hà Giang), sông Hương (Huế), sông Sài Gòn (TP.HCM)… là những điểm sáng trong phát triển du lịch đường sông.
Tuy nhiên, đến nay, du lịch đường sông ở Việt Nam phát triển còn chưa tương xứng với tiềm năng do hạ tầng giao thông đường thủy chưa được đầu tư đúng mức; ô nhiễm môi trường; thiếu liên kết trong phát triển du lịch đường sông; bất cập trong công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên du lịch…
Nhìn chung, du lịch đường sông phát triển chậm, bỏ phí tài nguyên, thậm chí, các tour du lịch đường sông khai thác kém và nhiều tour hiện có rất ít khách du lịch, có thể phải dừng khai thác.
Du lịch Việt Nam được định hướng phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch đường sông gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái là một trong những hướng ưu tiên hàng đầu.
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế và để khai thác tốt hơn du lịch đường sông, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp: Nâng cấp hạ tầng giao thông đường thủy, xây dựng bến tàu, cầu cảng và phát triển dịch vụ hỗ trợ; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên giá trị lịch sử, văn hóa và hệ sinh thái riêng biệt của mỗi dòng sông; thúc đẩy liên kết giữa các địa phương thông qua các chương trình du lịch liên vùng; áp dụng các biện pháp kiểm soát ô nhiễm, xử lý nước thải, rác thải hiệu quả và xây dựng các khu bảo tồn thiên nhiên ven sông.
Nhận thức đúng và đầy đủ về du lịch đường sông
Tại Hội thảo, các đại biểu, diễn giả đã trình bày một số tham luận và thảo luận về phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam: Du lịch đường sông và một số định hướng chính về phát triển du lịch đường sông ở Việt Nam (GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Đính), Du lịch sông Sài Gòn- Sản phẩm du lịch đặc thù của TP.HCM (ông Nguyễn Hữu Ân, Sở Du lịch TP.HCM; Một số giải pháp về quản lý hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy tại Việt Nam (ông Lê Xuân Trọng, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải; Khai thác tour du lịch sông nước gắn với miệt vườn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ông Vũ Văn Tuyên, Công ty Travelogy Việt Nam)…
Theo GS.TS.NGND. Nguyễn Văn Đính, Việt Nam có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, đó là hệ thống sông ngòi, kênh, rạch rải khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, để phát triển du lịch đường sông tương xứng với tiềm năng, ngoài nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, vị trí của việc phát triển du lịch đường sông, cần có chiến lược và quy hoạch về du lịch đường sông một cách hoàn chỉnh, bài bản; cần có các chính sách phát triển du lịch đường sông; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như phải có nguồn nhân lực du lịch chất lượng.
Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) Nguyễn Hữu Ân thông tin, trong Chiến lược phát triển du lịch TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ phấn đấu phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy trở thành một trong các sản phẩm du lịch tạo sự khác biệt của Thành phố.
Từ đó, thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa nhân văn của khách du lịch quốc tế và nội địa. Để hoàn thiện, phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đường thủy trên địa bàn TP.HCM, đại diện Sở Du lịch TP.HCM đề xuất, cần sớm triển khai nội dung của Chiến lược sau khi UBND TP.HCM phê duyệt.
Tiếp tục phối hợp với sở, ngành, quận, huyện giải quyết vấn đề còn tồn tại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; đôn đốc Sở, ngành chuyên môn hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống bờ sông, kênh, rạch và hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch đường thủy trên địa bàn Thành phố. Cần đồng bộ, thống nhất về tổ chức và không gian cảnh quan trên toàn bộ tuyến; khai thông một số luồng, tuyến và công trình cầu đường thủy nội địa.
Nhận định sự phát triển của vận tải hành khách du lịch đường thủy đã và đang đóng góp tích cực vào nền kinh tế du lịch quốc gia, ông Lê Xuân Trọng, Phó Trưởng phòng Phòng Giao thông đô thị và nông thôn (Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải) nhấn mạnh, vận tải du lịch đường thủy còn là cầu nối quan trọng giúp giới thiệu và quảng bá văn hóa Việt Nam đến với du khách quốc tế.
Hoạt động du lịch đường thủy cũng mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo và phong phú khi khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và văn hóa dọc theo các dòng sông, biển và kênh rạch.
Để tăng cường quản lý hoạt động vận tải khách du lịch đường thủy, ông Lê Xuân Trọng cho rằng, cần đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đường thủy; tăng cường an toàn giao thông trong hoạt động vận chuyển khách du lịch đường thủy nội địa; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch đường thủy nội địa; nâng cao nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch đường thủy nội địa; cải thiện quản lý và quy hoạch.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu, khách mời, doanh nghiệp đã góp ý, chia sẻ về những tiềm năng, lợi thế cũng như các hạn chế, bất cập còn tồn tại và đề xuất, góp ý một số giải pháp để du lịch đường sông phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Trong đó, các đại biểu, diễn giả, doanh nghiệp du lịch cho rằng cần nghiên cứu kết hợp du lịch đường thủy gắn với hoạt động tìm hiểu lịch sử, tái hiện lịch sử, các trận chiến hào hùng trên sông nước; gắn với tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa truyền thống, văn hóa bản địa.
Nghiên cứu số liệu khách du lịch qua đường thủy, phân tích các thị trường nguồn, thị trường tiềm năng để tìm hướng tăng cường thu hút khách du lịch. Đề xuất nghiên cứu xây dựng đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa để xây dựng một quy chuẩn nhất định, từ đó làm định hướng cho các địa phương triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, chú trọng đến yếu tố giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, phát triển du lịch bền vững…
Kết luận tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy nhấn mạnh, để du lịch đường sông phát triển tương xứng với tiềm năng, cần kết hợp giữa quy hoạch địa phương, quy hoạch vùng, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch giao thông kết nối liên vùng; quy hoạch sản phẩm.
Trong đó, cần đề ra các giải pháp về nguồn lực và tài chính, đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng chính sách, thể chế phát triển du lịch đường sông; kế hoạch quảng bá, giới thiệu điểm đến. Xây dựng các sản phẩm lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, ẩm thực kết hợp với du lịch đường sông. Đảm bảo môi trường sinh thái, cảnh quan vùng sông nước, cơ sở hạ tầng để mời gọi doanh nghiệp tham gia, đầu tư.
“Sau Hội thảo, trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu, khách mời, chuyên gia, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tổng hợp và báo cáo cấp trên, đề xuất xây dựng Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa trong thời gian tới”, ông Phạm Văn Thủy cho biết.