Ước mơ một chốn đi về sau hành trình “cắm bản”

GIA BẢO

VHO - Nằm ở vùng biên cương xa xôi của tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát được biết đến bởi những cung đường hiểm trở, những dãy núi cao ngút tầng mây, những con suối hung dữ mùa mưa lũ, và cũng là nơi lưu giữ biết bao câu chuyện thầm lặng về những người gieo chữ giữa đại ngàn.

 Ước mơ một chốn đi về sau hành trình “cắm bản” - ảnh 1
Giáo viên tại điểm trường bản Cá Giáng (xã Trung Lý) phải sinh hoạt trong điều kiện tạm bợ do chưa có nhà công vụ. Ảnh: ĐÌNH GIANG

Ngày ngày, thầy cô giáo nơi đây kiên trì bám trường, bám lớp, vượt đèo, lội suối để mang con chữ đến với học trò. Họ chính là người truyền hy vọng, gắn kết cộng đồng và thắp sáng tương lai cho bao gia đình nghèo khó nơi vùng cao heo hút.

Thế nhưng, đằng sau những tiết dạy đầy nhiệt huyết, đằng sau nụ cười của trẻ khi viết được nét chữ đầu tiên, là những gian nan chưa thể gọi thành tên.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà thầy cô đang phải đối mặt chính là tình trạng thiếu nhà công vụ - nơi họ dừng chân sau mỗi hành trình “cắm bản”.

Hành trình gian nan đến trường

Với địa hình chia cắt mạnh, nhiều điểm trường ở Mường Lát nằm cách trung tâm xã hàng chục kilomet. Đường đất nhỏ hẹp, trơn trượt vào mùa mưa khiến việc đến trường trở thành thử thách gian nan.

Thầy cô phải vượt rừng, băng suối, còn học sinh thì đi bộ hàng giờ mới kịp vào lớp. Những ngày xấu trời, bản làng mù sương, nhiều em đành phải nghỉ học - một thực tế đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sĩ số và chất lượng giáo dục vùng cao.

Trước khó khăn ấy, để đảm bảo chương trình giảng dạy, nhiều giáo viên buộc phải ở lại bản tại các điểm trường lẻ. Họ chấp nhận xa nhà, sống tạm trong những căn phòng tạm bợ, thậm chí là mượn nhà dân hoặc ở nhờ trong chính lớp học của mình.

“Điểm trường bản Cá Giáng cách trung tâm xã gần 50km. Chúng tôi ở lại bản, điều kiện thiếu thốn đủ bề. Không có nhà công vụ, mọi sinh hoạt đều bất tiện. Nếu có một mái nhà kiên cố, chúng tôi sẽ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với vùng đất này”, thầy Phạm Văn Mùi, giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 2, chia sẻ.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, toàn huyện hiện có 436 giáo viên có nhu cầu ở nhà công vụ, nhưng mới chỉ 256 người được bố trí chỗ ở. Gần 180 thầy cô còn lại vẫn đang sống trong cảnh tạm bợ.

Đặc biệt, nhiều nhà công vụ hiện đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn, trong khi quỹ đất xây dựng tại nhiều điểm trường, nhất là bậc mầm non, lại quá hạn chế.

Nhằm khắc phục tình trạng này, huyện Mường Lát đang triển khai đầu tư xây dựng 89 phòng công vụ mới từ các nguồn vốn của Nghị quyết 11 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Dù vậy, để đáp ứng đủ nhu cầu chỗ ở cho toàn bộ giáo viên, huyện vẫn cần thêm ít nhất 80 phòng nữa.

“Mục tiêu của chúng tôi là đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành ít nhất 50% số phòng công vụ cần xây dựng và tiếp tục hoàn thiện phần còn lại trong năm 2026. Đây không chỉ là việc xây nhà cho giáo viên mà là xây nền tảng để giữ người, giữ lớp, giữ tương lai cho vùng biên”, ông Lê Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, khẳng định.

Chắp cánh ước mơ từ những mái nhà vùng biên

Hành trình gieo chữ giữa đại ngàn Mường Lát không chỉ có nỗ lực của từng giáo viên, mà còn là sự chung tay của các nhà trường và chính quyền địa phương.

Trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, các trường học trên địa bàn đã không ngừng tìm cách hỗ trợ, sẻ chia và tạo điều kiện tốt nhất có thể cho đội ngũ giáo viên đang gắn bó với vùng cao.

Tại Trường Tiểu học Trung Lý 2, mô hình luân chuyển nhân sự giữa trung tâm và các điểm trường lẻ đã được triển khai nhằm san sẻ gánh nặng, tạo sự công bằng, giúp thầy cô không phải “cắm bản” quá lâu ở những nơi xa xôi, thiếu thốn.

Không chỉ vậy, Ban giám hiệu các nhà trường còn là điểm tựa tinh thần vững chắc, thường xuyên động viên, hỗ trợ sinh hoạt cho các thầy cô.

Những phần quà nhỏ, những lời chia sẻ ấm áp giữa núi rừng, dù giản dị, nhưng đủ để sưởi ấm trái tim, tiếp thêm động lực cho những nhà giáo tiếp tục bám lớp, bám trường bằng tất cả tình yêu nghề và trách nhiệm với học trò.

Tuy nhiên, những nỗ lực từ cơ sở chỉ có thể là giải pháp tình thế. Về lâu dài, việc đầu tư xây dựng hệ thống nhà công vụ không thể dừng lại ở khái niệm “nơi ở”, mà phải là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển giáo dục để giữ chân giáo viên, giữ vững sĩ số và giữ gìn tương lai của những đứa trẻ vùng biên.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng Thanh Hóa, hiện nay đa phần các điểm trường trên địa bàn huyện Mường Lát đã có nhà công vụ đảm bảo tiêu chí an toàn, sạch sẽ, khang trang.

Song bài toán lớn nhất vẫn nằm ở việc mở rộng quỹ đất, đặc biệt tại các điểm trường mầm non - nơi nhu cầu ở lại của giáo viên là cấp thiết nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa theo kịp.

Chính quyền huyện Mường Lát đang tích cực đề xuất, vận động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu và sự ủng hộ của cộng đồng xã hội để từng bước hoàn thiện, xây mới hàng chục phòng công vụ còn thiếu.

Giữa núi non điệp trùng của Mường Lát, nơi mà mỗi con chữ được gieo xuống đều mang theo hy vọng thoát nghèo, vươn lên, những mái nhà công vụ không chỉ là nơi tránh mưa tránh nắng - mà còn là biểu tượng của sự quan tâm, của tình người, của niềm tin vào nền giáo dục nước nhà.

Để những người thầy, người cô có thể yên tâm giảng dạy, sống và cống hiến, cần nhiều hơn nữa sự vào cuộc từ các cấp chính quyền, từ doanh nghiệp, tổ chức và từng gia đình trong cộng đồng.

Mỗi viên gạch xây nên nhà công vụ hôm nay chính là đang góp phần xây dựng tương lai cho trẻ em nơi địa đầu Tổ quốc.