Gieo chữ - giữ bản sắc - dựng tương lai
VHO - Giữa đại ngàn Trường Sơn, nơi những bản làng của đồng bào Ca Dong quanh năm chìm trong sương mù và đường đến trường vẫn là những con dốc cheo leo, hiểm trở, có những người thầy, người cô vẫn lặng thầm cắm bản, bám lớp. Với tình yêu nghề và lòng mến trẻ, họ chấp nhận đánh đổi tuổi thanh xuân để “gieo” con chữ xuống nơi vùng đất còn nhiều gian khó…

Thiếu thốn cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt, nhiều điểm trường cách xa trung tâm hàng chục cây số, mùa mưa lũ đường giao thông thường xuyên bị chia cắt… nhưng chưa bao giờ khiến thầy cô chùn bước.
Với họ, mỗi lớp học nhỏ trên sườn đồi, mỗi ánh mắt thơ ngây của học trò chính là động lực để tiếp tục hành trình “gieo chữ - giữ bản sắc - dựng tương lai”, mở ra cánh cửa tri thức và hy vọng cho thế hệ trẻ vùng cao.
Giữ lửa con chữ nơi rẻo cao Sơn Tây
Từ trung tâm xã Sơn Tân, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), chúng tôi vượt qua quãng đường núi hơn 10 km để đến điểm trường Tà Dô, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Sơn Tân. Tại đây, chúng tôi gặp cô giáo Trần Thị Ngọc (36 tuổi, quê ở xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa) đã có thâm niên 12 năm cắm bản.
Lớp học của cô Ngọc nơi rẻo cao ngập tràn tiếng ê, a đánh vần, tiếng cười tiếng nói xôn xao của trẻ thơ. Tranh thủ giờ học sinh ra chơi, cô chia sẻ về những năm tháng mới lên vùng đất khó: “Năm 2012, mình được phân công về dạy ở điểm trường Tà Dô. Ngày ấy, lớp học còn tạm bợ. Học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cái bụng chưa ấm nên cái chữ không muốn theo. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa, gửi con cho người thân, hàng xóm nên việc học của các em thiếu sự quan tâm. Có hôm mình phải vô rừng đi tìm từng đứa rồi chở đến trường”.
Tuy nhiên, vất vả nhất của giáo viên ở vùng cao là học sinh đi học kiểu “giã gạo”. Vì vậy, sau những giờ dạy học, cô đến tận nhà vận động phụ huynh đưa trẻ ra lớp. Cứ thế, bao nhiêu năm công tác ở miền núi là bấy nhiêu thời gian cô làm tuyên truyền viên giáo dục, kiên trì thuyết phục đồng bào…
Ngày nào đi dạy cô Ngọc cũng mang theo 1-2 mũ bảo hiểm để nếu học sinh không có ai đưa đón thì cô chở các em về. Nhiều trẻ đi bộ đến lớp, không dép, không mũ, thương chúng, cô lại tự bỏ tiền túi ra mua cho học trò.
Hành trang đứng lớp của cô không chỉ là giáo án, đồ dùng học tập mà còn có cả bánh, kẹo, bút viết, kẹp tóc... Cô tâm sự, “phải vừa dạy vừa khuyến khích trẻ như là phần thưởng để các con phấn khởi đến lớp”.
Kỷ niệm về học trò Đinh Văn Chữ khiến cô Ngọc không thể nào quên. Năm ấy, Chữ học lớp 1. Hoàn cảnh gia đình em rất đáng thương, không có bố, mẹ bị bệnh tâm thần.
Chữ sống thiếu sự quan tâm nên bữa đói, bữa no và thường xuyên nghỉ học. Cô Ngọc đã nhận đỡ đầu và thuyết phục cậu của Chữ giúp đỡ em. Nhờ đó, Chữ được chăm lo học hành tốt hơn, giờ em đã lên lớp 3.
“Em thương cô Ngọc lắm. Cô mua cho em quần áo, dạy em học. Em sẽ nghe lời cô và học thật tốt”, cậu học trò nhỏ bé bẽn lẽn chia sẻ.

Tình yêu với trẻ vùng cao
Thầy giáo Nguyễn Tấn Tỵ (36 tuổi, quê xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh), giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây đã có thâm niên công tác 12 năm ở vùng cao Sơn Tây.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng khoa Sư phạm Lịch sử, Trường Đại học Phạm Văn Đồng, thầy Tỵ được phân công về dạy học ở điểm trường Ra Manh, thuộc thôn Ra Manh, xã Sơn Long. Một năm sau, thầy chuyển đến dạy tại điểm trường Nước Đốp, thuộc Trường Tiểu học Sơn Long.
Kể về những dấu ấn ở Nước Đốp, thầy Tỵ cho biết, khu dân cư nằm heo hút trên quả đồi bên kia lòng hồ thủy điện Đăkđrinh. Đây là địa bàn khó khăn nhất của huyện Sơn Tây.
Ngày trước, để đến được Nước Đốp, từ trung tâm xã Sơn Long, thầy Tỵ cùng hai đồng nghiệp phải vạch rừng tìm lối mòn, đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Những ngày đầu cắm bản, các thầy cô đã vận động người dân dựng lều bằng lồ ô, tre, nứa làm lớp học và chỗ ở.
“Chúng tôi cứ vừa giảng dạy, vừa vận động các gia đình đưa trẻ ra lớp. Điều kiện ăn, ở đều nhờ vào dân. Ban đêm, chúng tôi kèm học sinh yếu để các em biết chữ”, thầy Tỵ nhớ lại.
Nhờ chịu khó học tiếng Ca Dong nên thầy Tỵ đã trở thành “cầu nối ngôn ngữ” truyền đạt tiếng Việt cho học trò. Bên cạnh đó, thầy còn dạy cho học sinh và tuyên truyền đến người dân thực hiện ăn chín, uống sôi, ngủ phải mắc màn không cho muỗi đốt...
Thầy còn kết nối nhiều tấm lòng thiện nguyện ở miền xuôi để có những phần quà cho học sinh, giúp các em có đôi dép mới, tấm áo ấm để vơi đi rét mướt mùa đông.
Em Đinh Thị Thin ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long đến giờ vẫn xem thầy Tỵ như người cha thứ hai của mình. Mồ côi cả bố lẫn mẹ, hoàn cảnh vô cùng đáng thương, Thin đã được thầy Tỵ cùng đồng nghiệp cưu mang, giúp đỡ.
Giờ đây, em đã trưởng thành và đi làm công nhân ở xa quê, nhưng mỗi khi có dịp về làng, em đều đến thăm thầy giáo cũ, bên vòng tay yêu thương và nghẹn ngào xúc động.
Năm 2017, thầy Tỵ chuyển về dạy tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây. Ngoài tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thầy còn đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh thêm yêu thích học môn Lịch sử.
Trong số học trò được thầy Tỵ bồi dưỡng, có em Lương Phạm Y Va từng đoạt giải cao ở kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử. Ngoài dạy học, buổi tối thầy Tỵ cùng một số giáo viên lại chăm lo, nhắc nhở học sinh nội trú ở trường tổ chức học nhóm, bồi dưỡng cho các em còn yếu kém.
Chia sẻ về những giáo viên cắm bản nơi vùng cao heo hút, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Minh Anh xúc động bày tỏ: “Ở đây, họ vừa làm nhiệm vụ giảng dạy, vừa là cầu nối giữa tri thức và cộng đồng. Các thầy cô phải lặn lội đến từng làng, từng nóc nhà để vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con về tầm quan trọng của giáo dục. Họ không chỉ gieo chữ, mà còn gieo niềm tin, viết nên câu chuyện đầy tình người trên mảnh đất ngàn cau…”.