“Khổ cũng phải cho con đến trường” – câu chuyện đời từ rừng sâu Tà Cóm

NGUYỄN LINH

VHO - Từ cậu bé Mông chân đất đi học với cơm nắm muối ớt, Sùng A Pó trở thành người đầu tiên ở bản Tà Cóm đặt chân đến giảng đường đại học, rồi trở thành cán bộ xã – người truyền cảm hứng học chữ cho cả bản làng.

Giữa làn sương mờ đặc quánh buổi sớm nơi vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) chìm trong tĩnh lặng như còn say ngủ giữa đại ngàn.

“Khổ cũng phải cho con đến trường” – câu chuyện đời từ rừng sâu Tà Cóm - ảnh 1
Một góc bản Tà Cóm (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa)

Nhưng giữa chốn “thâm sơn cùng cốc” ấy, có một ngọn lửa vẫn cháy âm ỉ suốt nhiều năm qua – ngọn lửa của khát vọng học chữ, làm chủ tri thức và tương lai.

Người giữ cho ngọn lửa ấy không bao giờ tắt là Sùng A Pó – chàng trai người Mông đầu tiên ở bản Tà Cóm bước chân vào giảng đường đại học, và cũng là người thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về giá trị của con chữ.

“Khổ cũng phải cho con đến trường”

Sinh năm 1992, Sùng A Pó cùng cha mẹ rời quê cũ Phù Yên (Sơn La) để đến vùng lõi Pù Hu khi anh mới 2 tuổi.

Cuộc hành trình mở đất của gia đình diễn ra vào năm 1994, vượt sông Mã, băng rừng hàng chục ngày trời chỉ để đến nơi “có thể sống” dù khi ấy, nơi ấy chỉ là rừng rậm, muỗi vắt và vài túp lều tạm.

Bốn năm sau, theo chủ trương ổn định dân cư của chính quyền, gia đình anh chuyển về bản Tà Cóm, nơi điểm trường đầu tiên được dựng lên bằng tre nứa, đánh dấu hành trình tìm chữ gian nan của những đứa trẻ Mông trong bản.

Học hết tiểu học, con đường đến trường của Pó ngày càng xa hơn, vất vả hơn. Muốn học lên cấp 2, cấp 3, anh phải cùng bạn bè đi bộ gần 50km đường rừng để đến trung tâm xã Trung Lý, vượt qua dốc núi dựng đứng, suối sâu, thậm chí cả rừng có thú dữ.

Có lần đi học qua bản Cá Giáng, Pó phải trốn hàng giờ sau gốc cây vì gặp hổ đang xé xác trâu rừng ngay bên lối mòn quen thuộc.

“Khổ cũng phải cho con đến trường” – câu chuyện đời từ rừng sâu Tà Cóm - ảnh 2
Sùng A Pó trong một lần sinh hoạt Chi bộ bản Tà Cóm

Hành trang đi học là vài bộ quần áo cũ, nắm cơm trắng với muối và ớt giã. Đói, anh lên rừng đào măng, hái rau dại sống qua ngày. Nhưng những bước chân nhỏ bé ấy chưa bao giờ chịu dừng lại.

“Cha tôi một người Mông ít chữ – luôn nói: ‘Khổ cũng phải cho con đến trường’. Chính ông là người giữ tôi trên con đường học chữ đến tận cuối cấp ba”, Pó nhớ lại.

Người đầu tiên của bản đến giảng đường

Năm 2015, sau hành trình học tập đầy gian khó, Sùng A Pó đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ngành Quản lý xã hội.

Anh trở thành người đầu tiên trong bản biết đến thư viện, giảng viên, ký túc xá, một “hiện tượng” ở bản Tà Cóm.

Không chỉ dừng ở đó, chính Pó đã truyền cảm hứng để các em trong gia đình tiếp bước theo con đường học vấn: người học đại học Y, người học trung cấp y sĩ, người đi xuất khẩu lao động…

Gia đình từng nghèo nhất bản giờ đã trở thành hộ có kinh tế ổn định, có tri thức và là hình mẫu cho nhiều gia đình khác noi theo.

Tốt nghiệp đại học, Sùng A Pó không chọn ở lại phố thị mà quay trở về chính nơi mình đã lớn lên - bản Tà Cóm.

Anh từng bước gắn bó với công việc địa phương: từ Bí thư bản Khằm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã đến Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý (từ năm 2023).

Trên cương vị mới, Pó là cầu nối giữa chính quyền và người dân bản địa. Anh không chỉ tuyên truyền, vận động chính sách mà còn trực tiếp nói chuyện với bà con bằng tiếng Mông, thứ ngôn ngữ anh đã dùng để học, để lớn lên và để gieo lại niềm tin vào con chữ.

“Người dân ở đây tin tưởng Pó lắm. Ai cũng gọi là ‘cán bộ Pó’. Gia đình cậu ấy là tấm gương sáng để dân bản noi theo”, anh Thào A Sự – Trưởng bản Tà Cóm – chia sẻ.

Nhiều trường hợp gia đình muốn cho con nghỉ học để lấy chồng, đi làm rẫy, chính cán bộ xã và bộ đội biên phòng đã lấy tấm gương của Pó để vận động, thuyết phục.

“Khổ cũng phải cho con đến trường” – câu chuyện đời từ rừng sâu Tà Cóm - ảnh 3
Sùng A Pó – người truyền cảm hứng học chữ cho cả bản làng

Câu chuyện của Pó trở thành minh chứng sống động cho một thế hệ mới biết dám mơ ước, dám bước ra khỏi cái nghèo, cái dốt, cái lạc hậu.

“Con chữ là đường thoát nghèo”

Giờ đây, giữa núi rừng Trung Lý, khi nhìn lại hành trình đã đi, Pó luôn nhớ về cha mẹ, những người đã gieo ước mơ học chữ giữa rừng sâu, và thầy cô, những người cắm bản dạy học bằng ánh đèn dầu tù mù.

Từ cậu bé Mông áo vá, chân đất, ôm cơm nắm vượt rừng đến trường, Pó giờ đây trở thành một cán bộ trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, trí thức.

Anh không chỉ là tấm gương về học tập, mà còn là “ngọn đuốc” soi đường cho lớp trẻ bản Tà Cóm hôm nay bước tiếp con đường tri thức, khẳng định giá trị của mình trên mảnh đất biên viễn.