Trường học góp phần lưu giữ giá trị văn hóa dân gian
VHO - Cùng với việc đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân, các hình thức văn học, nghệ thuật dân gian cũng được khéo léo đưa vào các trường học, tiếp cận với học sinh nhằm xây dựng lối sống, nhân cách lành mạnh.
Những năm qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường xuyên đưa loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian vào các hoạt động trong nhà trường.
Việc đưa các loại hình văn hóa dân gian vào trường học không chỉ giúp làm phong phú nội dung học, mà còn giúp các bé hứng thú hơn, và nhớ bài học lâu hơn.
Ngoài ra các loại hình âm nhạc dân gian còn có tác dụng làm đẹp tâm hồn, nuôi dưỡng khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng của các bé ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Đà Nẵng) thường xuyên khuyến khích thầy cô giáo bố trí các đưa thể loại dân gian vào tiết học, các chương trình văn nghệ dưới cờ và những dịp hoạt động ngoại khóa mang tính chất giải trí.
Với chất liệu văn hóa dân gian, các thầy cô đã bồi đắp cho các em lòng yêu quê hương đất nước, tự hào về chữ viết, phong tục tập quán của người Việt Nam. Từ đó khơi dậy lên ý thức trách nhiệm trong mỗi học sinh về hình thành lối sống giản dị, chăm chỉ, để lớn lên trở thành người có ích cho xã hội.

“Mỗi tuần nhà trường sẽ tổ chức cho 1 - 2 lớp diễn các tiết mục văn nghệ dân gian, nhà trường mong muốn tất cả học sinh cùng hướng về cội nguồn và hiểu hơn những giá trị độc đáo trong văn hóa cổ truyền dân tộc.
Đây cũng là một trong những tiêu chí trong công tác giáo dục năng lực, phẩm chất cho học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh chia sẻ.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (Đà Nẵng) cho biết: "Hoạt động dân gian luôn được giáo viên nhà trường lồng ghép vào các hoạt động học một cách hợp lý và uyển chuyển.
Ví dụ như cho trẻ vừa học vừa chơi, các cô giáo sẽ cho các bé trải nghiệm bơi thúng rừng dừa bảy mẫu vừa nghe hát dân ca Quảng Nam, hay trong hoạt động giáo dục âm nhạc, các cô hát cho các bé nghe các bài hát mang âm hưởng dân ca và nghe thổi sáo giai điệu bài hát đó".
Văn hóa, văn nghệ dân gian là các loại hình văn hóa của cộng đồng, do nhân dân sáng tạo ra và trao truyền cho các thế hệ từ đời này sang đời khác bằng hình thức truyền miệng, truyền dạy thực hành.
Các thành tố văn hóa dân gian bao gồm nhiều thể loại khác nhau như truyền thuyết, thần thoại, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, truyện cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn.
Các kiểu thức kiến trúc dân gian cổ truyền, hay các trò chơi, nghề và làng nghề truyền thống; các phong tục, tập quán, lễ hội, tín ngưỡng; các diễn xướng âm nhạc, nghệ thuật dân gian như hô bài chòi, hát bả trạo, hò khoan đối đáp, hát sắc bùa...
Nhà nghiên cứu Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố Đà Nẵng khẳng định ý nghĩa của việc đưa các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật dân gian vào trường học, sẽ góp phần hình thành đạo đức, nếp sống, lối sống của con trẻ:
“Trẻ con khi mới sinh ra nếu được nghe những bài hát ru, những câu ca dao mang tính giáo dục thì từ từ sẽ ngấm và đi theo đến hết cuộc đời. Việc ứng xử trong gia đình, cộng đồng nhóm xã hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển một con người”.
Để văn hóa dân gian được duy trì, lan tỏa trong cộng đồng, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian TP. Đà Nẵng đã sưu tầm, nghiên cứu, tạo ra nhiều công trình có giá trị, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian dân tộc.
Năm 2024, Ban Chấp hành Hội Văn nghệ dân gian TP. Đà Nẵng đã chủ động tổ chức cho hội viên các hoạt động điền dã nghiên cứu văn học dân gian và toạ đàm khoa học.
Xét xin hỗ trợ sáng tạo 2 tác phẩm: “Hò - Hổ. Dân ca miền trung” của hội viên Trần Hồng và “Văn hóa với đời sống - những góc nhìn và suy ngẫm” của hội viên Vũ Đình Anh; tham gia tư vấn nội dung và hỗ trợ tổ chức Lễ hội Mục Đồng làng Phong Lệ.
Năm 2025, ấn phẩm "Văn hóa dân gian Xuân Ất Tỵ 2025" cũng đã được ra mắt. Nội dung tập sách gồm 23 bài viết là những nghiên cứu thể hiện những góc nhìn đa chiều của từng hội viên, các nhà nghiên cứu về những vấn đề văn hóa văn nghệ dân gian của Việt Nam nói chung, xứ Quảng nói riêng.
Tiêu biểu như hình ảnh con rắn trong các nền văn hóa cũng như trong đời sống của người Việt; nghệ thuật trong ca dao, hát ru của cư dân miền biển; những vấn đề về văn hóa tộc người: Cơ Tu, Tà Ôi, Hrê, Chơ Ro qua phong tục, tập quán, nghi lễ, điêu khắc mỹ thuật cổ truyền.
Bên cạnh đó, ấn phẩm còn có những bài viết đưa ra nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, góp phần trong việc phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng.