Tri ân sự tận tâm
VHO - Chính quyền TP. Đà Nẵng vừa tổ chức lễ trao giải thưởng “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu” và tuyên dương những cá nhân xuất sắc từ phong trào thi đua năm học 2023 – 2024, nhân dịp lễ Hiến chương nhà giáo.
Đây là lần đầu tiên, thành phố này có một giải thưởng vinh danh đối với đội ngũ thầy cô giáo với những tiêu chí thể hiện sự tận tâm yêu nghề.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, trong phát biểu tại lễ tuyên dương đã đặc biệt nhấn mạnh, khác với mọi năm, tiêu chí khen thưởng đội ngũ thầy cô giáo thuộc ngành Giáo dục Đà Nẵng đánh giá, năm học này địa phương xây dựng giải thưởng riêng biệt.
“Những tiêu chí đánh giá ở đây, dựa vào những kết quả dạy và học mà các thầy, các cô có được là những tấm gương sáng về chuyên môn sư phạm, xuất phát từ lòng yêu nghề, tận tụy với từng bài giảng, với từng học sinh. Giải thưởng được đánh giá là kết quả cả một quá trình miệt mài cống hiến, kết tinh trí tuệ và tình yêu dành cho sự nghiệp giáo dục của các thầy, các cô”, ông Hồ Kỳ Minh nêu rõ.
Theo đó, lần trao giải thưởng này, Đà Nẵng chọn được 25 cá nhân tiêu biểu, là những tấm gương điển hình từ cơ sở giáo dục đề xuất, bình chọn, ở các khối lớp từ tiểu học đến trung học phổ thông, từ giáo dục thường xuyên đến đại học. Tất cả thầy cô giáo được trao thưởng, đều trực tiếp tham gia giảng dạy, đứng lớp, phụ trách các môn học ở nhà trường.
Theo Sở GD&ĐT Đà Nẵng, các tấm gương được chọn đều có thành tích đặc biệt, “dẫn dắt phong trào học tập, phát hiện và bồi dưỡng những tài năng trẻ, quan tâm đến giáo dục toàn diện cho học sinh, giúp các em phát triển cả về kiến thức lẫn kỹ năng sống”.
Có thầy giáo đã không quản ngại khó khăn, thường xuyên bám trường, bám lớp, động viên các học sinh học tập tốt và tích cực rèn luyện, xây dựng các phẩm chất đạo đức. Có cô giáo cần mẫn xây dựng những giáo trình, giáo cụ, hỗ trợ học sinh học và thực hành, không ngừng cải tiến, đổi mới cách truyền đạt bài giảng để học sinh tiếp thụ nhanh và hiệu quả hơn…
Ông Hồ Kỳ Minh nhìn nhận, thực tế những năm qua, Đà Nẵng đang trỗi lên là một biểu tượng tích cực xã hội, với những cộng đồng công dân tích cực ở một thành phố hướng đến tiêu chí “đáng sống”. Trong đó, vai trò của giáo dục cơ sở là cực kỳ quan trọng, mối dây liên hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội không ngừng được kết nối chặt chẽ.
Vị trí các nhà giáo, theo đó thực sự được đề cao, từ cộng đồng khu dân cư cho đến môi trường giáo dục, từ mỗi gia đình đến cá nhân từng học sinh. Cho nên, vinh danh các nhà giáo, là điều địa phương đã mong muốn thực hiện trong nhiều năm qua, đến nay mới tiến hành được.
Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, câu chuyện giáo dục ở thành phố này, với những cải cách, tiến bộ trong những năm qua, phản ảnh tư duy và định hướng quan trọng trong công tác quản lý xã hội, quản lý văn hóa. Đây cũng không phải chuyện riêng có ở Đà Nẵng, mà đang lan tỏa, được triển khai đều khắp ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Vai trò ngành giáo dục, trong chiến lược phát triển đất nước thời gian tới, lại càng được đề cao, cho thấy mức độ đầu tư, quan tâm từ Trung ương đến các địa phương ngày càng tăng, rõ nét hiệu quả và tích cực. Trong đó, Đà Nẵng với vị trí địa phương tiên phong ở khu vực miền Trung, đã không ngừng chấn chỉnh, đổi mới ngành giáo dục.
Nguyên là Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, cá nhân ông Nguyễn Đình Vĩnh hết sức chú ý đến những diễn biến, thay đổi về giáo dục địa bàn. Do đó, những tác động kết nối từ các cấp ngành quản lý địa phương, đến ngành sư phạm và cộng đồng người dân, đang được ông cùng các cấp quản lý tổ chức linh hoạt và hiệu quả.
Điều quan trọng, từ giải thưởng “Nhà giáo Đà Nẵng tiêu biểu”, theo lãnh đạo địa phương, là ngành sư phạm hết sức đề cao, tôn vinh những giá trị từ sự tận tâm của nghề giáo. Ông Hồ Kỳ Minh nêu rõ, nghề giáo là một nghề đặc biệt, có những tác động cực kỳ to lớn đến nhân cách con người xã hội.
Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương trách nhiệm, có tri thức, lòng tự trọng, giữ gìn đạo đức. Đây là những tiêu chí quan trọng để xã hội theo đuổi và thực hành. Do đó, tôn vinh nghề giáo, tôn vinh những phẩm chất cao quý của người thầy, chính là cách xây dựng một xã hội có nhân cách tốt đẹp, tiến bộ và tích cực.
Dịp lễ Hiến chương nhà giáo, là một cơ hội kết nối, hun đúc tinh thần xã hội ấy, xuất phát từ truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt, đến những yêu cầu phát triển, cập nhật hiện đại và văn minh hơn trên con đường truyền bá tri thức nhân loại.
Đà Nẵng, cũng như những tỉnh thành khác, không ngừng tìm kiếm những giải pháp, cách thức hợp lý và hiệu quả hơn, để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến những tiêu chí bền vững nhân cách và đạo đức xã hội.
“Chúng ta tri ân thầy cô giáo, là tri ân sự tận tâm, tri ân những trái tim yêu thương và tấm lòng độ lượng, điều thật sự cần thiết cho định hướng phát triển của bất kỳ quốc gia, bất kỳ dân tộc nào. Khi một người thầy vì học sinh mà nhẫn nại theo nghề, sáng tạo cùng nghề, là dấu hiệu tốt đẹp cho cả xã hội và dân tộc thăng hoa”, ông Nguyễn Đình Vĩnh chia sẻ.