Đà Nẵng tập trung đầu tư cho giáo dục - đào tạo

VHO- Ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ mà Đà Nẵng đặt ra tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ưu tiên nguồn lực

Theo đó Đà Nẵng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện đầu tư cơ sở, vật chất kỹ thuật cho giáo dục. Triển khai đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học trên địa bàn với mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng; xây dựng chính sách về xã hội hóa, ưu tiên quỹ đất cho giáo dục, miễn giảm học phí, bảo đảm kinh phí cho các cơ sở giáo dục; tập trung đào tạo giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh: Nghị quyết số 29-NQ/TW là cơ sở quan trọng để cả hệ thống chính trị, đặc biệt Sở GD&ĐT thành phố triển khai có hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của thành phố. 

Đà Nẵng tập trung đầu tư cho giáo dục - đào tạo - Anh 1

Tạo điều kiện cho các thầy cô, học sinh hoàn thành tốt việc dạy và học

Bốn kết quả lớn mà ngành giáo dục thành phố đã đạt được trong 10 năm thực hiện nghị quyết gồm: Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục; đầu tư cơ sở vật chất trường học tương đối đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng ven, nội thành; có những chính sách nhân văn về giáo dục.

Tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đã đề nghị các ban ngành tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa; có phương án tuyển dụng giáo viên phù hợp, đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn.

Đồng thời rà soát, đánh giá hiệu quả việc thực hiện cơ chế, chính sách về giáo dục đã được ban hành; tháo gỡ vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tiễn tạo động lực cho đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng thực chất, toàn diện.

Tháo gỡ khó khăn

Thời gian qua, ngành giáo dục Đà Nẵng vẫn đang vướng mắc một số bất cập khó tháo gỡ, ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của các thầy cô giáo và các em học sinh. 

Như theo báo cáo của Sở GD&ĐT Đà Nẵng thể hiện: Việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, duy trì mức độ đạt chuẩn tại một số trường học còn gặp khó khăn. Cơ sở vật chất phòng học bộ môn, phòng chức năng, sân chơi, bãi tập vẫn chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh…

Đà Nẵng tập trung đầu tư cho giáo dục - đào tạo - Anh 2

Bố trí quỹ đất, xây dựng trường học đang là yêu cầu cấp bách của thành phố Đà Nẵng 

Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng tháng 7 năm 2023, các cử tri cũng nêu lên những vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành giáo dục, đơn cử: một số vị trí đất quy hoạch xây dựng trường học đang vướng các khâu giải tỏa đền bù; quỹ đất dành cho giáo dục không được triển khai xây dựng hoặc chuyển sang mục đích sử dụng khác.

Có rất nhiều dự án tại Đà Nẵng sau khi đưa vào sử dụng thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, bỏ quên trường học ở khu đô thị như FPT, Hòa Xuân, Golden Hills… mặc dù có quy hoạch đất xây dựng. Cam kết của nhà đầu tư có 10 trường học (8 mầm non, 1 tiểu học, 1 THCS). Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, mặc dù dân cư đã rất đông, gần như lấp đầy nhưng chưa thực hiện một dự án trường học nào.

Năm học 2023 - 2024, các trường trên địa bàn quận Liên Chiểu tiếp tục thiếu phòng học phải tiến hành cải tạo các phòng chức năng, ngăn sảnh để bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh như: Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Trường Tiểu học Âu Cơ, Trường THCS Ngô Thì Nhậm, Trường Tiểu học Duy Tân, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. “Thực trạng trên đang đi ngược lại với mục tiêu giáo dục toàn diện của Chương trình GDPT 2018” - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Đà Nẵng Lê Văn Nghĩa đánh giá.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết nhận định, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho giáo dục nhưng nhìn chung việc triển khai còn chậm, chưa hiệu quả. Đề nghị Đảng đoàn HĐND thành phố phối hợp với Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể việc cụ thể hóa, tính hiệu quả các cơ chế, chính sách đã được ban hành liên quan đến công tác Giáo dục và đào tạo, qua đó, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với thực tiễn.

MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc