Na Hang: Tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc

QUỲNH VY

VHO - Huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hiện có 12 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng. Thời gian qua, Na Hang luôn chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.

Na Hang: Tích cực bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc - ảnh 1
Huyện Na Hang có 12 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc có những phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa riêng độc đáo. Ảnh minh họa: Vương Tấn

Huyện Na Hang có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, hệ thống rừng nguyên sinh, thảm thực vật phong phú, cộng đồng văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch.

Những năm qua, Na Hang luôn chú trọng gìn giữ, bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được quan tâm, sự gắn kết giữa du lịch với văn hóa ngày càng chặt chẽ hướng tới xây dựng Na Hang trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, trước sự tác động của dòng chảy thời gian, hoàn cảnh sống hiện đại, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn của quá trình hội nhập, nhiều yếu tố văn hóa đang mai một, hoặc đứng trước nguy cơ biến đổi, biến dạng, biến mất trong không gian văn hóa truyền thống các dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa tiêu biểu các dân tộc cần sự chung tay của cộng đồng nhằm bảo tồn, phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại. Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển đã tác động không nhỏ đến văn hóa truyền thống các dân tộc từ thói quen ăn mặc, sinh hoạt làm mất đi vẻ đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc.

Thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, UBND huyện Na Hang đã tích cực, chủ động triển khai nhiều nội dung nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng ở Na Hang.

Đối tượng thực hiện đảm bảo theo đúng quy định, nội dung hỗ trợ được lựa chọn cụ thể, phù hợp cho từng giai đoạn đảm bảo các mục tiêu khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển bền vững.

Có thể nói, Dự án 6 được triển khai trên địa bàn đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong công tác bảo tồn, tôn vinh và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Với nguồn kinh phí của Dự án 6, Phòng Văn hóa thông tin huyện đã phối hợp với các xã trên địa bàn Na Hang tổ chức mở lớp truyền dạy văn hóa dân gian cho CLB, đội văn nghệ dân gian các dân tộc trên địa bàn. 

Đến nay, Phòng Văn hóa, thông tin huyện Na Hang đã phối hợp tổ chức xây dựng CLB văn hóa dân gian tại thôn Bản Lục, xã Đà Vị; thành lập 2 đội văn nghệ ở thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương và thôn Bản Nhùng xã Năng Khả; xây dựng 3 đội văn nghệ ở thôn Tân Thành, xã Yên Hoa; thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú và thôn Nà Chao, xã Năng Khả; xây dựng CLB hát then thôn Nà Làng, xã Thanh Tương. Trong đó có mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch di sản để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng nghề dệt vải, chấm sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục người Dao Tiền tại xã Hồng Thái.

Tham gia các CLB, đội văn hóa dân gian các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ, người có uy tín được tuyên truyền các chủ trương, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể. Phương pháp, kỹ năng bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa, được hỗ trợ kinh phí mua sắm thiết bị âm thanh, nhạc cụ và kinh phí duy trì hoạt động.

Các hoạt động sưu tầm, khôi phục và gìn giữ, bảo tồn, giá trị nhân văn trong các nghi lễ tín ngưỡng, tập quán sinh hoạt, trang phục và làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đã góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Tại nhiều địa phương, các CLB, đội văn hóa dân gian dân tộc thường xuyên tập luyện các tiết mục văn nghệ dân gian như hát, múa Páo dung của người Dao, hát Then, Cọi của người Tày, múa Khèn Mông, tái hiện lại những nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số như Lễ cấp sắc, Lễ hội nhảy lửa, các trò chơi dân gian đã tạo nên bức tranh đa sắc màu của các dân tộc thu hút đông đảo du khách tới tham gia trải nghiệm. 

Việc huyện Na Hang đẩy mạnh thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” đã và đang góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, ngăn chặn nguy cơ làm mai một nét đẹp văn hóa các dân tộc thiểu số Na Hang nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung.