Sóc Trăng đẩy mạnh truyền thông thực hiện Chương trình 1719:
Động lực để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
VHO - Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã tập trung nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719), bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ đó, diện mạo vùng nông thôn ngày càng khởi sắc và làm đòn bẩy vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức
Qua hơn ba năm triển khai thực hiện Chương trình 1719, từ nguồn Chương trình 1719 và ngân sách địa phương, Sóc Trăng đã đầu tư xây dựng 267 công trình đường nông thôn phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; giải quyết đất ở cho hơn 1.600 hộ, nhà ở cho hơn 1.800 hộ; hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất cho hơn 1.200 hộ; bảo tồn 4 lễ hội truyền thống phục vụ phát triển du lịch; hỗ trợ 2 dự án khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một; hỗ trợ đầu tư xây dựng 5 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS…
Để thực hiện hiệu quả Chương trình 1719, bên cạnh công tác hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS luôn được các cấp, các ngành thực hiện thường xuyên, liên tục. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, tín ngưỡng, lễ hội, các cấp, các ngành, các địa phương đã lồng ghép tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS.
Chương trình 1719 đạt hiệu quả như mong muốn là nhờ cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ và người dân. Từ đó, phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong thực hiện Chương trình. Các cấp ủy, chính quyền địa phương trong huyện luôn phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung các nguồn lực, giải pháp triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 1719 và các chương trình, dự án chính sách dân tộc có liên quan.
Đại đức Thạch Yên, Trụ trì chùa Sang Ke (xã Trường Khánh, huyện Long Phú) cho biết: “Thời gian qua, chùa và BQT cùng chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS của nhà nước và địa phương. Ngoài ra, BQT cũng vận động bà con đồng bào dân tộc Khmer, Phật tử thực hiện các mô hình kinh tế thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Trong đó, chú trọng phát triển giáo dục cho thế hệ trẻ; phát huy, bảo tồn bản sắc và các giá trị văn hóa của dân tộc”.
Động lực để đồng bào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch huyện Long Phú cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2024 đã được triển khai với kinh phí thực hiện gần 66 tỉ đồng. Theo đó, huyện tập trung đầu tư hỗ trợ nhà ở 253 hộ, chuyển đổi nghề 395 hộ, nước sinh hoạt phân tán 92 hộ, xây dựng 27 công trình giao thông nông thôn tại các xã, ấp đặc biệt khó khăn vùng DTTS; duy tu, sửa chữa 10 công trình giao thông, xây dựng 9 mô hình hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế...
“Hiện nay, đời sống đồng bào DTTS Long Phú đã có bước chuyển biến tích cực nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thực hiện Chương trình 1719, diện mạo vùng có đông đồng bào dân tộc được đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần cải thiện đáng kể. Nhờ vậy, hiện nay Long Phú chỉ còn 401 hộ nghèo dân tộc Khmer (chiếm 5,78%); hộ cận nghèo Khmer còn 272 hộ (chiếm 3,92%). Từ đó đã khẳng định, Chương trình 1719 có hiệu quả thiết thực, người dân rất phấn khởi khi được thụ hưởng”, ông Phương nói.
Còn tại huyện Mỹ Xuyên, Trưởng BQT chùa Phnor Kom Pôt, xã Tham Đôn, ông Thạch Khâm cho biết: Xác định việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào Khmer và đồng bào Phật tử là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Do vậy, BQT chùa chú trọng về nội dung, tuyên truyền phải ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước và địa phương.
“Các sư, chức sắc tôn giáo là những tuyên truyền viên rất hiệu quả. Thường chúng tôi tổ chức tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp tại chùa, vì mỗi đồng bào Phật tử, bà con người dân tộc Khmer luôn xem chùa là niềm tin, là nơi hay lui tới để cúng viếng, sinh hoạt tôn giáo”, ông Thạch Khâm cho biết.
Để phát huy hiệu quả Chương trình 1719, Sóc Trăng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào DTTS và các chương trình mục tiêu quốc gia. Ông Nguyễn Văn Khởi, PhóChủtịch tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Qua công tác truyền thông phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tiếng nói của đồng bào với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, những tồn tại, hạn chế, bất cập, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 1719 nói riêng và các nội dung liên quan đến người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung; quảng bá hình ảnh cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, những thành tựu về công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần và nhận thức của bà con từng bước được nâng lên và ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước”.
Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Người dân rất vui mừng, phấn khởi vì được hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất. Đây chính là động lực để đồng bào tiếp tục đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng phum sóc ngày càng phát triển.