Minh Long: Phát triển kinh tế gắn với gìn giữ bản sắc văn hóa
VHO – Những năm qua, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) xác định việc xây dựng và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế là mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tạo sinh kế, giúp người dân có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa
Gìa Đinh Văn Xếp ở thôn Mai Lãnh Hạ, xã Long Mai là một trong những người còn gìn giữ được nét văn hoá truyền thống của nghề mây tre đan dân tộc Hrê miền núi Minh Long. Để có những sản phẩm đẹp, bền, già Xếp phải làm khuôn và chọn những thân tre đẹp, mềm dẻo, phù hợp với từng bộ phận của vật dụng.
Tuy đã đến tuổi thất thập, nhưng đôi bàn tay của già vẫn rất khéo léo. Ánh mắt tràn đầy sự đam mê. Mỗi vật dụng già Xếp làm ra có giá bán từ 50 đến 100 ngàn đồng, giúp gia đình có thêm chi phí sinh hoạt. Nhưng điều mà già mong muốn là làm sao lưu giữ được nghề đan lát của người Hrê cho thế hệ sau.
“Từ những cây tre trồng bên sông, bên suối, tôi làm thành những sản phẩm tinh tế và hữu ích trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Hrê. Những chiếc Kđắp (mủng, rổ đựng cơm); Kđắp H’long (rổ xúc lúa) phải mất 2 ngày để làm. Vật dụng phức tạp hơn như chiếc gùi (Ro) thì phải mất cả tuần. Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, tôi lại tranh thủ ngồi đan lát”, già Xếp chia sẻ.
Tuy tuổi đã cao nhưng già Xếp vẫn giữ nghề và trao truyền lại cho con cháu trong gia đình. Ông tích cực tham gia các buổi triển lãm, các lớp tập huấn, truyền dạy đan lát do địa phương tổ chức. Ngành VH-TT huyện Minh Long đang thực hiện quy trình để công nhận nghệ nhân dân gian lĩnh vực đan lát cho già Đinh Văn Xếp.
Huyện Minh Long chú trọng thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Tập trung ưu tiên xây dựng sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch. Hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch trên địa bàn. Tổ chức các lớp truyền dạy dân ca dân nhạc dân vũ, phục dựng những lễ hội, Tết truyền thống của dân tộc Hrê.
Người có uy tín
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm giữa cánh đồng ruộng, sau lưng là núi đồi của ông Hà Viết Sỹ (57 tuổi), ở xã Thanh An đúng lúc ông đang mở những ca khúc ca ngợi quê hương Minh Long do chính ông sáng tác.
Ông Sỹ là người dân tộc Hrê, nguyên là Trung tá công an, công tác tại Công an huyện Minh Long. Hiện ông là người uy tín do Công an huyện tranh thủ đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Với diện tích 5 sào trong vườn, ông nuôi trâu, trồng các loại cây ăn quả. Ngoài ra, tận dụng nguồn nước suối trong lành ông 2 ao cá trắm và rô phi.
“Bản thân mình phải gương mẫu, làm kinh tế cho gia đình. Chia sẻ kinh nghiệm cùng với bà con đồng bào Hrê, gần gũi, tuyên truyền những cách làm hay, những chính sách mới của Đảng, Nhà nước đến với bà con”, ông Sỹ chia sẻ.
Ngôi nhà nhỏ cũng là nơi ông Sỹ thỏa sức thể hiện niềm đam mê của ông với nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là chiêng sau những giờ lao động vất vả. Có chúng tôi đến thăm, ông lại lấy bộ chiêng cũ, mặt chiêng đã mòn theo thời gian để giới thiệu. Đó là tài sản vô giá mà cha ông truyền lại. Dù có nhiều người mong muốn đổi bằng trâu, bò để sở hữu bộ chiêng ấy, nhưng ông kiên quyết từ chối.
“Tôi đã tìm tòi, sưu tầm các loại nhạc cụ dân gian như: chiêng 3, vinh vút, chiêng ka la và các làn điệu ca lêu - ca choi tiếng Hrê để làm “sống lại” giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của đồng bào dân tộc Hrê tại địa phương. Bài hát “Minh Long ngày mới”, do tôi sáng tác, rất mộc mạc và vui tươi, đã đoạt giải B Liên hoan Văn nghệ quần chúng tỉnh Quảng Ngãi năm 2023. Tôi tích cực hướng dẫn biên đạo các tiết mục cho các đội văn nghệ tại địa phương”, ông Sỹ nói.
Đời sống người dân nâng cao, nông thôn khởi sắc
Minh Long là huyện miền núi, vùng cao nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Ngãi với 75% là người dân tộc Hrê. Huyện Minh Long tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng. Ưu tiên ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, thực hiện thí điểm và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thực hiện các mô hình giảm nghèo. Các cây con giống hỗ trợ đều được xét chọn từ nhu cầu của người dân, phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng.
Chỉ tính riêng nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021-2025, huyện Minh Long đã phân bổ trên 93 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để tập trung hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập và sản xuất, giải quyết việc làm cho người dân. “Được nhà nước hỗ trợ bò cái sinh sản, mình cố gắn chăm sóc, bò hiện phát triển tốt. Lúc mình mới bắt, bò còn nhỏ thôi. Bây giờ được 8 tháng thấy bò xinh hơn. Gia đình cố gắng chăn sóc tốt để bò sinh sản, có thêm công việc làm trong gia đình”, chị Phạm Thị Cúc, xã Long Mai nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Long Mai Đinh Thanh Bình, trong 2 năm 2022-2023, UBND xã đã triển khai 5 dự án hỗ trợ sản xuất thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình dân tộc thiểu số và miền núi. Thời gian qua, UBND xã đã triển khai cấp bò cái, trâu cái sinh sản thuộc chương trình giảm nghèo, cấp bò cái sinh sản chương trình nông thôn mới. Chương trình dân tộc thiểu số là thực hiện cấp heo cái sinh sản, keo lai cấy mô và cây cau. Qua kiểm tra, đánh giá thì các giống cây trồng, vật nuôi được cấp đều sinh trưởng, phát triển tốt.
Với nhiều cách làm hay được nhân rộng, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Minh Long ngày càng giảm, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Mỗi năm huyện đều giảm bình quân từ 4-5% tỷ lệ hộ nghèo. Đến nay, huyện Minh Long đã thoát khỏi diện huyện nghèo. Cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 16,7%, hộ cận nghèo gần 5%.
Chị Đinh Thị Náo, xã Long Môn chia sẻ: “Gia đình thuộc diện khó khăn, được nhà nước cho vay vốn để làm ăn như trồng bưởi, trồng quýt, nuôi heo, nuôi dê, bây giờ gia đình tôi đã ổn định, đã thoát nghèo rồi”.
Giai đoạn 2021-2023, kinh tế của huyện Minh Long liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trên mức 8%. Thu nhập bình quân trên 35 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn huyện đã có 4 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP là bưởi da xanh Long Sơn, chè xanh Minh Long, heo ky Thành Tiến và bánh tráng Hoàng Long.
Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho biết: “Năm 2024 huyện Minh Long được UBND tỉnh giao chỉ tiêu phải giảm trên 300 hộ nghèo. Trên cơ sở chỉ tiêu của tỉnh, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, giao về cho các xã. Vận dụng nguồn lực từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo cho các hộ dân. Thông qua các chương trình này giúp cho các hộ dân có thể thoát nghèo bền vững”.