Quảng Ngãi:
Hỗ trợ phòng, chống bạo lực gia đình cho phụ nữ vùng đồng bào thiểu số
VHO - Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình qua đó thay đổi nhận thức, hành động, suy nghĩ của người dân về hôn nhân, gia đình, vị thế, vai trò của người phụ nữ ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong vùng đồng bào thiểu số.
Điểm tựa của nạn nhân bạo lực gia đình
Chị Đinh Thị Nhật ở thôn Xà Nay, xã Sơn Nham, huyện Sơn Hà cho biết, từ khi mô hình “Địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh thôn Xà Nay” được thành lập, chị em có nơi tìm tới khi không may xảy ra mâu thuẫn với chồng. Không chỉ vậy, nhờ các thành viên trong Ban Chủ nhiệm mô hình tuyên truyền chị em còn biết cách phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.
“Chị em phụ nữ ở đây là đồng bào Hrê, trước đây trên địa bàn vẫn có tình trạng bạo lực gia đình, nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do người đàn ông trong gia đình rượu chè, say xỉn, nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế, kinh tế khó khăn… Đa số người bị bạo hành thường chọn cách hành xử là im lặng, chịu đựng vì nói ra sợ mọi người chê cười...”, chị Nhật cho hay.
Mô hình “Địa chỉ tin cậy nhà tạm lánh thôn Xà Nay” do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập cuối năm 2023 nhằm tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực, động viên tinh thần, hướng dẫn chị em kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình. Từ khi thành lập mô hình, thành viên trong Ban Chủ nhiệm phối hợp các Hội, đoàn thể của xã thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực, từng bước giảm dần bạo lực gia đình.
Bà Hà Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Sơn Nham cho biết, thôn Xà Nay có gần 200 hộ với khoảng 500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Hrê. Đàn ông ở đây có thói quen uống rượu nên rất khó kiểm soát các lời nói, hành vi. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình ở nơi đây. “Từ khi mô hình được thành lập, các vụ bạo lực gia đình đã giảm rõ rệt. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã kịp thời hòa giải 3 vụ mâu thuẫn nên chưa dẫn đến bạo lực gia đình, đây cũng là tín hiệu đáng mừng”, bà Nga nói.
Xây dựng nhiều mô hình phòng ngừa và trợ giúp
Từ khi trực tiếp tham gia gia Câu lạc bộ bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình, vợ chồng chị Đinh Thị Hiền ở thôn Hà Xuyên, xã Long Hiệp, huyện Minh Long được tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình cũng như cách chăm sóc sức khỏe sinh sản, biện pháp tránh thai, không sinh con thứ ba... Đồng thời, được hỗ trợ phát triển kinh tế, tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở địa phương.
“Qua tham gia mô hình, chúng tôi nhận thức rất rõ về việc không bạo lực gia đình, cùng nuôi dạy con. Cuộc sống hiện tại của gia đình tôi khá ổn định, vợ chồng sống hòa hợp, yêu thương nhau, cùng nuôi dạy con cái ngoan, học giỏi”, chị Hiền bày tỏ.
Cùng với thành lập, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Long đã công bố đường dây nóng để sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân khi xảy ra bạo lực gia đình. Đồng thời, mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình và hòa giải cho cán bộ làm công tác gia đình.
Bà Đinh Thị Nghiêng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Minh Long cho hay, để bảo vệ quyền lợi hội viên, Hội tổ chức tuyên truyền, vận động chị em tham gia câu lạc bộ, cung cấp địa chỉ tin cậy, từ đó, lồng ghép tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, kiến thức xây dựng gia đình hạnh phúc... Nhờ đó, chị em hiểu biết hơn về pháp luật cũng như kiến thức xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Bà Võ Thị Anh Trâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, Hội LHPN tỉnh liên tục đẩy mạnh thông tin, giáo dục, đa dạng hóa hình thức truyền thông về vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Phối hợp với ngành chức năng cung cấp số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình. Do đó, đến nay, toàn tỉnh thành lập 16 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi trong các trường học; 130 tổ truyền thông cộng đồng tại 5 huyện miền núi; 622 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; phát động chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến, khuôn giới mẫu trong gia đình và cộng đồng...
“Các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình là chỗ dựa đáng tin cậy của nhiều phụ nữ. Thông qua mô hình đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhiều người dân hơn cũng như chuyển biến tích cực trong nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực phụ nữ và trẻ em, góp phần giảm thiểu bạo lực gia đình và hướng đến xây dựng môi trường sống lành mạnh, an toàn. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ cách làm”, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào thiểu số”, bà Anh nhấn mạnh.